Khi ngân hàng thành "hiệu cầm đồ": Quýt làm, cam chịu

Thứ hai, 27/10/2014, 09:15
Nợ xấu ngân hàng ở mức cao, cùng với đó, các vụ án liên quan cũng nhiều. Tiền vốn ngân hàng không giúp phát triển sản xuất, lại rơi vào túi kẻ lừa đảo, còn người dân bị xiết nhà.

Ra tòa, ngân hàng thường được “miễn” trách nhiệm dân sự, mặc dù họ cũng có lỗi trong việc thực hiện hợp đồng tín dụng, đó là những nghịch lý.

Sử dụng vốn vay sai mục đích

Ngày 6/6/2013, TAND TP Hải Dương mở phiên sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng, nguyên đơn là SeABank (Ngân hàng S), bị đơn là công ty TNHH Kim Long trụ sở tại TP Hải Dương, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ba hộ nông dân ở ngoại thành Hà Nội.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo bản án sơ thẩm, công ty Kim Long có vay 2,8 tỷ đồng của Ngân hàng S, tài sản thế chấp là 3 bất động sản của ba hộ nông dân; khoản tiền vay công ty Kim Long dùng để mua gạch của cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng Hoa Linh, địa chỉ 714 Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương, chủ cửa hàng là ông Trần Ngọc Lý.

Vẫn theo bản án, Ngân hàng đã giải ngân bằng cách chuyển khoản cho cửa hàng Hoa Linh, người ký giấy rút tiền là ông Lý. Khi đến hạn, do công ty Kim Long không có khả năng trả nợ, Ngân hàng khởi kiện công ty này để đòi nợ; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ba hộ nông dân.

Đây là vụ án mà hồ sơ tín dụng từ phương án sản xuất - kinh doanh của bên vay vốn, hợp đồng thế chấp ba bên liên quan đến tài sản bảo đảm, đến việc giải ngân và theo dõi sử dụng vốn vay… đều “có vấn đề”. Bài viết này chỉ đề cập đến số tiền 2,8 tỷ đồng có được chuyển cho cửa hàng Hoa Linh không?

Theo điều tra của các PV, câu trả lời là không. Bởi đơn giản, cửa hàng Hoa Linh không tồn tại trong thực tế. Số nhà 714 Lê Thanh Nghị TP Hải Dương chính là nhà bố mẹ ông Trần Ngọc Lý, bản thân ông Lý không hề mở địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng tại đây.

Diễn biến phiên tòa sơ thẩm cũng cho thấy, số tiền công ty Kim Long vay của Ngân hàng S không được công ty này dùng để mua gạch. Người sử dụng số tiền này trên thực tế là ông Nguyễn Duy Thế.

Vay được tiền rồi bỏ trốn…

Ông Thế là người đã gặp ba nữ nông dân ngoại thành Hà Nội trong một lần đi xem bói. Ông ta khoe là giám đốc doanh nghiệp, dễ vay tiền ngân hàng. Ba nông dân tin sái cổ nhờ ông Thế vay tiền, và trao sổ đỏ cho ông Thế. Thông qua công ty Kim Long, ông Thế thế chấp sổ đỏ vào Ngân hàng S vay 2,8 tỷ đồng, cho ba nông dân vay lại 900 triệu đồng, còn 1,9 tỷ đồng ông Thế sử dụng cho cá nhân mình.

Tại tòa, ba hộ nông dân đã nộp các văn tự cho thấy ông Thế “mượn” sổ đỏ của họ, và sau đó cho họ vay tổng cộng 900 triệu đồng. Giám đốc công ty Kim Long cũng xác nhận tiền vốn vay của Ngân hàng S đã được chuyển cho ông Thế. Tòa án đã xác minh tại nơi cư trú của ông Thế, kết quả ông Thế đã đi khỏi địa phương.

Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện cho ba hộ nông dân nhận định: Không chỉ ông Thế có dấu hiệu của hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, một số cán bộ Ngân hàng S cũng có dấu hiệu của hành vi “Cố ý làm trái các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Như để bên vay sử dụng vốn vay sai mục đích, và hồ sơ còn cho thấy dấu hiệu hành vi đảo nợ.

Người đại diện cho ba hộ nông dân đề nghị tòa tạm đình chỉ xét xử, chuyển hồ sơ cho CQĐT để làm rõ các dấu hiệu của tội phạm và xử lý dứt điểm.

Quýt làm, cam chịu!

Đề nghị trên đây không được chấp nhận. HĐXX tuyên ba hộ nông dân có nghĩa vụ trả nợ thay cho công ty Kim Long. Sau phiên tòa sơ thẩm, người đại diện cho ba hộ nông dân có đơn tố cáo, gửi tới Viện KSND tỉnh Hải Dương; đơn đã được quý Viện chuyển tới Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hải Dương.

Nhà của một trong ba hộ nông dân đã thế chấp cho Ngân hàng S.

Nhà của một trong ba hộ nông dân đã thế chấp cho Ngân hàng S.

Trong lúc CQĐT đang xác minh, chẳng hạn có hay không Cửa hàng Hoa Linh, TAND tỉnh Hải Dương đã mở phiên phúc thẩm. Bản án phúc thẩm giữ nguyên án sơ thẩm, buộc ba hộ nông dân phải trả nợ thay cho công ty Kim Long cả gốc và lãi gần 4,9 tỷ đồng. Nếu họ không trả, Ngân hàng S có quyền đề nghị cơ quan thi hành án bán đấu giá tài sản của họ để thu hồi nợ.

Một cán bộ Công an tỉnh Hải Dương cho biết, kết quả xác minh đơn tố cáo cho thấy có dấu hiệu tội phạm, song vì bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật nên việc khởi tố gặp khó khăn. Được biết sau đó, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Hải Dương đã ký công văn, đề nghị Viện trưởng Viện KSND Tối cao kháng nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại, tạo điều kiện cho CQĐT vào cuộc.

Theo nhiều chuyên gia pháp luật, trong vụ án này, bên Ngân hàng S cũng có lỗi, không thẩm định hồ sơ vay vốn kỹ lưỡng (cửa hàng Hoa Linh không có thật, nhưng vẫn chấp nhận cho vay), không theo dõi việc sử dụng vốn vay, dẫn đến tiền vốn cho vay không được sử dụng đúng mục đích. Tuy nhiên, Tòa án không buộc họ chịu trách nhiệm về những lỗi đó, mọi thiệt hại đều đổ lên đầu bên thứ ba (bên bảo lãnh).

Điều 179 Bộ luật Hình sự: “1/ Người nào trong hoạt động tín dụng mà có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến bảy năm: a) Cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật; b) Cho vay quá giới hạn quy định; c) Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng…”.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn