Địa ốc mượn cao tốc, metro để kích cầu

Thứ sáu, 26/09/2014, 09:16
Nhiều dự án nhà ở tại TP HCM vẫn tung hàng rầm rộ dù bất động sản chưa thật sự thoát khỏi khó khăn. Theo các chuyên gia, sự bùng nổ các công trình trọng điểm có tổng vốn đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng đã tiếp thêm tự tin cho các chủ đầu tư.

Theo thống kê, 3 khu vực có hạ tầng phát triển vũ bão tại TP HCM giai đoạn 2010-2020 là khu Đông TP HCM, khu Nam Sài Gòn và Tây Bắc thành phố với tổng số vốn đầu tư cho các dự án cầu đường huyết mạch lên đến khoảng 350.000 tỷ đồng. Hạ tầng công bố và triển khai đến đâu thì các dự án bất động sản bám theo bung hàng đến đó. Đại gia địa ốc dẫn đầu, theo sau là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khu vực đang sôi động nhất là trục phía Đông TP HCM bao gồm khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, 9, Thủ Đức có sự kết nối đồng bộ với trục phía Tây Sài Gòn và các đường vành đai, cao tốc liên vùng. Giai đoạn 2012-2020, khu Đông của TP HCM có 11 dự án hạ tầng lớn nhỏ, tổng kinh phí thực hiện lên đến gần 250.000 tỷ đồng, trong đó khủng nhất là các tuyến vành đai 2, 3, 4 và tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên.

Nhờ cú hích hạ tầng này mà lượng dự án bất động sản tại các quận 2, 9, Thủ Đức và khu đô thị Thủ Thiêm đua nhau công bố thông tin, xây dựng và mở bán.

Đơn cử như Novaland đang phát triển dự án khu căn hộ Lexington Residence tại An Phú, quận 2. Dự án tọa lạc ngay mặt tiền đại lộ Mai Chí Thọ, cách cầu Sài Gòn 3 km và trung tâm quận 1 khoảng 5 phút qua hầm Thủ Thiêm. Theo chủ đầu tư, hơn 70% trên tổng số căn hộ đã được đặt mua từ đầu năm đến nay. Mỗi căn giá từ 1,3 tỷ đồng và tặng kèm gói nội thất 100 triệu đồng.

Công ty địa ốc Đại Quang Minh công bố dự án khu đô thị nằm ngay trung tâm Thủ Thiêm có tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng. Thủ Đức House có quỹ đất dồi dào nhất nhì khu vực quận Thủ Đức trong khi Khang Điền lại chọn quận 9 để phát triển 4 dự án nhà ở gắn liền với đất. Các doanh nghiệp Kiến Á, Nam Long, Keppel Land, Gia Hòa, Phú Nhuận, Eden... cũng tranh thủ quỹ đất khu này để giành thị phần. Dự án Minh Tuấn của Công ty An Phú cũng chào bán hết hơn 80% nền đất đợt cuối trong quý III.

a-tb-bds-muon-ha-tang-nghin-7086-1411548

Bất động sản TP HCM đang dựa hơi các công trình hạ tầng nghìn tỷ làm đòn bẩy kích cầu. Ảnh: Vũ Lê

Khu Nam TP HCM gồm quận 7, 8, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ cũng có không ít công trình hạ tầng khủng triển khai giai đoạn 2010-2020. Nguồn vốn kết nối hạ tầng khu vực này ước tính gần 50.000 tỷ đồng, chưa kể đến một phần dự án vành đai 4 và dòng vốn của Phú Mỹ Hưng xây dựng gần như hoàn chỉnh hạ tầng nội khu. Các dự án: khép kín đường Vành đai 2, cảng Phú Định, cầu đường Bình Tiên và cầu Bình Khánh chiếm tỷ lệ vốn nhiều nhất trục phía Nam.

Dù thị trường địa ốc khó khăn nhưng nhờ hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện nên quý nào Phú Mỹ Hưng cũng mở bán dự án và thu hút sự quan tâm của khách hàng. Một ông trùm địa ốc khác ở khu Nam Sài Gòn là Hoàng Anh Gia Lai nhiều năm liền xả hàng thành công phân khúc nhà ở bình dân, vừa bán sỉ lẫn bán lẻ trong suốt 9 tháng qua. Mới đây, Phát Đạt cũng vừa bán sỉ dự án Everich 3 thu về gần 400 tỷ đồng nhờ hạ tầng dự án kết nối hoàn thiện.

Trong khi đó, thông tin về cao tốc Bến Lức - Long Thành có thể thay đổi thói quen di chuyển qua khu vực này. Đường Nguyễn Hữu Thọ thành trục Bắc Nam kết nối với trung tâm thành phố, các đường vành đai và hệ thống cao tốc gắn kết đô thị vệ tinh, cụm đô thị cảng, sân bay quốc tế Long Thành.

Thuộc cụm dự án bất động sản tại trục Nguyễn Hữu Thọ là căn hộ cao cấp The Park Residence được thiết kế, xây dựng theo phong cách nghỉ dưỡng Singpore với hệ thống tiện ích khép kín cùng hồ bơi chân mây rộng 2.000 m2. Nơi đây có khu vực BBQ ven sông và cạnh hồ bơi, sân thể thao đa năng, đường chạy jogging, phòng gym, yoga...

Đại diện Công ty MIK Corporation - đơn vị phát triển dự án The Park Residence chia sẻ, mỗi căn hộ giá 1,2 tỷ đồng, gồm hai phòng ngủ và gần 4 tháng qua đã bán 500 căn.

Cũng nằm trên trục Nam của TP HCM nhưng hướng về cửa ngõ miền Tây, các công trình hạ tầng cũng hút nhiều dự án bất động sản.

Một trong số đó là dự án đất nền Tân Tạo Garden do Công ty Danh Khôi Á Châu độc quyền phân phối, giá từ 8,5 triệu đồng một m2. Dự án nằm trong chiến lược phát triển đô thị Tây Sài Gòn của UBND thành phố, liền kề với điểm đầu của tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, trạm điều hành - bảo dưỡng của nhà ga Metro, khu đô thị trung tâm Tây Sài Gòn 320ha, Aeon Mall, bệnh viện Chợ Rẫy 2, bệnh viện Nhi Đồng 3...

Theo ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty Danh Khôi Á Châu, với tốc độ phát triển dân cư, tiện ích, cộng với tiềm năng khu đô thị cửa ngõ phía Tây, nhà đầu tư có thể nhìn thấy suất sinh lời khi bỏ tiền vào đây. Thông tin các cơ quan quản lý không cấp phép cho dự án có diện tích dưới 20ha trên địa bàn khu Tây Sài Gòn trong tương lai cũng khiến giới đầu tư nao núng.

Riêng Công ty Nam Long đã sớm định vị dự án khủng đón đầu tuyến vành đai 4 giai đoạn 2013 - 2015 có tổng vốn đầu tư 3.153 tỷ đồng. Doanh nghiệp này chuẩn bị khu đô thị quy mô 493 hecta, trong đó có hơn 100 hecta phát triển sản phẩm căn hộ nhỏ Ehome và nhà phố thương mại Nam Long. Ngoài ra, đại gia phát triển nhà giá rẻ của TP HCM còn đón đầu tuyến metro số 3 giai đoạn 2016-2020 (vốn 1,5 tỷ USD), kết nối Bến Thành và TP Tân An. Nhà ga của tuyến metro này có trạm đặt tại khu đô thị Nam Long.

Tuy bị xếp là vùng ven nhưng các trục giao thông phía Tây Bắc Sài Gòn tại các quận Tân Phú, Bình Tân, Củ Chi cũng được nâng cấp mạnh mẽ. Giai đoạn 2010-2020 khu này sẽ hút dòng vốn 48.000 tỷ đồng cho nhiều công trình trọng điểm. Đó là tuyến Metro số 2 (Tân Phú) huy động khoảng 1,3 tỷ USD; mở rộng đường xuyên Á (Củ Chi) vốn đầu tư hơn 13.500 tỷ đồng; cầu vượt quốc lộ 1A (Bình Tân) và nâng cấp tỉnh lộ 9 tổng cộng hút 1.000 tỷ đồng; nâng cấp sửa chữa tỉnh lộ 15 ước tính khoảng 5.900 tỷ đồng.

Một trong những doanh nghiệp đầu tư bài bản, quyết bám khu này để đón lợi thế hạ tầng là Công ty Bất động sản Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng (vốn Malaysia và Việt Nam). Liên doanh này chọn khu Tây Bắc phát triển khu đô thị Celadon Cit​y vốn đầu tư gần 25.000 tỷ đồng. Các dự án tập trung ở khu này gồm: Green Hills, Angia Garden, Chương Dương Garden, Phú Thạnh Apartment... cũng chào hàng rầm rộ.

Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Thăng Long, Lê Vũ Tuấn Anh nhận xét: "Dòng vốn lớn đang ồ ạt đổ vào các nút thắt giao thông trọng điểm của TP HCM có thể xem là cú hích cho nền kinh tế. Hạ tầng hoàn thiện cũng sẽ tạo nền móng vững chắc cho việc phát triển bất động sản".

Theo ông Tuấn Anh, hiện nay hạ tầng tuy không còn gây biến động giá nhà đất như  6-7 năm về trước nhưng nó vẫn là động lực hỗ trợ thị trường bất động sản ở khâu giãn dân ra khu vực ngoài trung tâm, tăng nguồn cung và tạo thêm nhiều sự lựa chọn. "Kết nối giao thông tốt còn xóa dần khoảng cách giữa khu trung tâm với ngoại thành, tránh xu được hướng đô thị hóa cục bộ", ông nói.

Chuyên gia tư vấn cấp cao GIBC, Huỳnh Phước Nghĩa phân tích: "Ước tính có khoảng hơn chục tỷ USD đã, đang và sẽ đầu tư vào hạ tầng TP HCM, tập trung mạnh mẽ ở khu Đông và Nam. Đây chính là chìa khóa then chốt để kích cầu cho nền kinh tế, từng bước tháo gỡ khó khăn cho bất động sản".

Ông Nghĩa đánh giá, thay vì cứu thị trường bất động sản bằng cách bơm tiền, có thể chọn giải pháp mềm dẻo và hợp lý hơn là rót vốn vào các công trình hạ tầng trọng điểm. Hiện nay các trục giao thông TP HCM đầu tư có xu hướng tỏa ra các đô thị vệ tinh liên vùng, kết nối hệ thống cảng và khu công nghiệp, hỗ trợ cho các trục giao thông huyết mạch. Điều này vừa giúp giải quyết ùn tắc giao thông, trung chuyển hàng hóa tốt hơn, vừa tăng giá trị thặng dư cho bất động sản và gián tiếp kích cầu cho thị trường này.

Chọn hạ tầng để kích cầu cho nền kinh tế rồi mượn cú hích này để tác động đến bất động sản là hướng giải quyết nhạy bén. "Doanh nghiệp địa ốc tranh thủ đua theo các công trình hạ tầng để phát triển dự án là cách đầu tư khôn ngoan. Mượn hạ tầng làm đòn bẩy để bán hàng đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng xu hướng này sẽ tăng mạnh mẽ trong tương lai", ông Nghĩa dự báo.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn