Doanh nghiệp địa ốc theo nhau báo lãi trong quý I

Thứ ba, 03/06/2014, 14:16
Kinh tế còn nhiều khó khăn, thị trường chưa bứt phá nhưng một số doanh nghiệp bất động sản vẫn báo lãi cao, thậm chí tới cả nghìn tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê và đối tác cung cấp dữ liệu VNDirect, trong số 62 doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết trên sàn chứng khoán, 25% báo cáo kết quả kinh doanh quý I lỗ, 21% đạt lãi vài trăm triệu đồng, 50% thu lợi nhuận 1-20 tỷ đồng. Chỉ khoảng 4% doanh nghiệp báo lãi từ 20 đến 1.000 tỷ đồng và được xem là điểm sáng của lĩnh vực này những tháng đầu năm.

Royal-city-3323-1401698139.jpg

Bức tranh bất động sản năm nay sáng sủa hơn so với năm ngoái. Ảnh: VIC.

Dẫn đầu danh sách phải kể đến Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 6.175 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ theo đó cũng tăng 4 lần, lên 1.068 tỷ đồng giúp Vingroup là đơn vị đầu tiên trong lĩnh vực địa ốc chạm mốc lãi nghìn tỷ sớm nhất năm nay.

Bà Dương Thị Mai Hoa - Tổng giám đốc Vingroup giải thích trong báo cáo gửi Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM cho biết kết quả kinh doanh tập đoàn khả quan chủ yếu do ghi nhận doanh thu chuyển nhượng bất động sản của hai dự án Royal City và Times City.

Hầu như tất cả các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi đều đóng góp vào đà tăng trưởng doanh thu của Vingroup. Trong đó nguồn thu từ chuyển nhượng bất động sản đạt hơn 4.800 tỷ đồng, tăng gấp hơn 11 lần so với cùng kỳ năm 2013.

Dù chưa đạt mức lãi nghìn tỷ, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, Mã CK: HAG) vẫn được giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng nhờ tốc độ tăng trưởng lãi sau thuế gần 335%, đạt 398 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tổng doanh thu trong ba tháng đầu năm của tập đoàn này cũng tăng 28%, xấp xỉ 925 tỷ đồng. Đứng thứ 2 sau Vingroup trong top 5 doanh nghiệp báo lãi cao nhất quý I.

Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai - ông Nguyễn Văn Sự cho biết yếu tố chính khiến doanh thu tập đoàn tăng vọt thời gian qua là do hạch toán từ dự án sân bay Nongkhang, tỉnh Huaphan, Lào (khối lượng hoàn thành 13%). Ngoài ra, nhờ việc nâng cao khối lượng sản xuất và tiêu thụ, lĩnh vực kinh doanh đường cũng đóng góp thêm cho HAGL 161 tỷ đồng doanh thu, ông Sự giải thích trong văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc khác cũng kịp thu lãi quý I gần bằng cả năm 2013, chẳng hạn Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Đầu tư F.I.T, Đầu tư Năm Bảy Bảy là những ví dụ điển hình.

Theo báo cáo hợp nhất quý I, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của FLC đạt 360 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 32 lần, lên 39,4 tỷ đồng.

Ông Doãn Văn Phương - CEO Tập đoàn FLC chia sẻ việc mở rộng các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tìm được nhiều khách hàng mới đã giúp doanh nghiệp tăng trưởng về doanh thu. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh tại các công ty con, đơn vị liên kết cũng cho kết quả tốt khiến lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ, ông Phương nhận định trong văn bản gửi Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM.

Những doanh nghiệp địa ốc báo lãi sau thuế
cao nhất quý I
Đơn vị tính: Tỷ đồng

STT Tên công ty Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ Chênh lệch so với cùng kỳ Lợi nhuận sau thuế Chênh lệch so với cùng kỳ
1 Tập đoàn Vingroup 6.175 528% 1.068 304,5%
2 Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai 925 28% 398 223,5%
3 Tập đoàn FLC 360 69,8% 39,4 2.930%
4 Đầu tư F.I.T 21,7 6,4% 32,6 5.797%
5 Đầu tư Năm Bảy Bảy 31,9 -7,5% 22,9 6.559%

Trong khi nhiều doanh nghiệp địa ốc báo lãi tăng đột biến, giới phân tích đa phần lại tỏ ra thận trọng khi đề cập về độ bền vững. Giám đốc chiến lược thị trường tại một công ty chứng khoán thuộc top 10 thị phần thẳng thắn chia sẻ: “Rất khó để nắm bắt chính xác lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản. Những đơn vị này đều có thể dễ dàng tạo lợi nhuận, doanh thu ảo chỉ bằng cách ‘tay trái bán cho tay phải’, chuyển qua các công ty liên kết”.

Theo chuyên gia này, báo cáo tài chính vẫn chỉ là một phần mà các doanh nghiệp công bố ra bên ngoài. Nhà đầu tư cần phải lưu ý, tìm hiểu kỹ các dự án của công ty, tiến độ bán sản phẩm. “Nếu có giao dịch, dòng tiền sẽ phải về. Thường chỉ những công ty quy mô lớn mình mới nắm được mọi thông tin và tìm hiểu tính xác đáng”, chuyên gia chia sẻ. Ông cũng nhận định thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn phục hồi, nhưng tốc độ có thể rất chậm.

Ông Lê Đắc An – Trưởng phòng Đầu tư, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) nhận định, kết quả kinh doanh quý I vừa qua của các doanh nghiệp địa ốc đã có cải thiện nhưng vẫn chưa thể khẳng định về triển vọng lâu dài, chỉ một số ít có kết quả kinh doanh đột biến. Chuyên gia này còn nhìn nhận, thị trường đang tốt lên bởi có sự hồi phục từ kinh tế vĩ mô. Nhu cầu của người dân về sở hữu nhà cũng tăng cao trở lại, nhất là phân khúc nhà phù hợp thu nhập của đa số người mua. Trong đó, theo quan sát của ông An, những căn hộ có giá 1-2 tỷ đồng đang bán rất chạy, những doanh nghiệp nằm trong dạng này có thể bán rất dễ dàng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM cũng cho hay các con số trong báo cáo tài chính có thể chưa phản ánh chính xác tình trạng sức khỏe của doanh nghiệp trong ngành này. 2014 được dự báo vẫn là năm khó khăn chung của doanh nghiệp bất động sản. So với năm ngoái, quý I năm nay lượng giao dịch có tăng, phân khúc nhà thu nhập trung bình vẫn là phân khúc chủ đạo của thị trường. Tuy thị trường có chút khởi sắc nhưng nguồn lãi trong quý I chưa đủ để khẳng định triển vọng cho cả năm của doanh nghiệp. Hiện nền kinh tế, trong đó có bất động sản cũng bị tác động bởi yếu tố khách quan đó là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở thềm lục địa Việt Nam.

Dự báo tình hình bất động sản trong thời gian tới, ông Châu cho rằng sẽ có cải thiện. Năm nay Quốc hội chuẩn bị thông qua luật nhà ở, kinh doanh bất động sản, xây dựng... sẽ góp phần làm cho thị trường bất động sản thay đổi diện mạo mới nhiều hơn, trong đó, phân khúc có quy mô nhỏ và vừa sẽ ngày càng hút khách.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn