Đại gia nào ‘chống lưng’ cho Tân Hoàng Minh?

Thứ hai, 02/06/2014, 14:00
Từ một doanh nghiệp làm taxi, Tân Hoàng Minh bất ngờ vượt mặt nhiều “ông lớn” bất động sản khi sở hữu hàng loạt mảnh đất vàng đắc địa tại Hà Nội, đại gia nào đã “chống lưng” cho doanh nghiệp này?

Đại gia bí ẩn

Từ chỗ chỉ được biết đến là chủ thương hiệu Taxi V20 ở Hà Nội và TP.HCM, cái tên Tân Hoàng Minh đã bất ngờ xuất hiện trên thị trường bất động sản với vai trò là chủ sở hữu của hàng loạt dự án đất vàng hiếm hoi còn lại tại Hà Nội.

Đại gia nào ‘chống lưng’ cho Tân Hoàng Minh?
Dự án đầu tay của Tân Hoàng Minh


Khi những chiếc taxi V20 dần biến mất khỏi đường phố Thủ đô thì cũng là lúc tập đoàn này vươn mạnh qua bất động sản với việc thâu tóm những mảnh đất ở các vị trí đắc địa của Hà Nội.


Những vụ thâu tóm đất vàng của Tân Hoàng Minh có thể đánh dấu bằng việc cách đây 10 năm, Tân Hoàng Minh đã đề xuất dự án đầu tư, cải tạo công viên Thống Nhất thành trung tâm văn hóa, vui chơi giải trí lớn nhất Thủ đô.

Nhưng kế hoạch này bị phản đối, vì nhiều người lo ngại cảnh quan bị phá nát và giá trị văn hóa, lịch sử của một địa danh đã ăn sâu trong lòng người dân Thủ đô sẽ bị hủy hoại.

Nhưng không vì thế mà Tân Hoàng Minh từ bỏ tham vọng trở thành tập đoàn kinh doanh bất động sản hàng đầu. Kể từ năm 2006, Tập đoàn đã tập trung thâu tóm những mảnh đất có vị trí đắc địa nhất quanh các hồ và công viên của Hà Nội như hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, hồ Hoàng Cầu, hồ - công viên Nghĩa Tân và công viên Thống Nhất - hồ Bảy Mẫu.

Trong số này, có một số khu đất có vị trí rất đẹp như mảnh đất rộng 8.046 m2 tại số 2, phố Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ; khu đất 2.088 m2 tại khu D9, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.

Ngoại trừ khu đất xây dựng dự án D.’ San Raffles tại ngã tư phố Hàng Bài và Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, HN) gây ồn ào suốt một thời gian dài, có rất ít thông tin về quá trình thâu tóm các khu đất vàng của Tân Hoàng Minh.

Tư cách chủ đầu tư của Tân Hoàng Minh đối với khu đất 4.791 m2 tại số 6, đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy và khu đất 5.363 m2 tại phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa chỉ được biết khi tập đoàn này công bố dự án căn hộ hạng sang D.’ Palais De Louis và D.’Le Pont D’or.

Từ một doanh nghiệp ít tên tuổi, bỗng dưng trở thành chủ sở hữu của hàng loạt dự án “đất vàng” tại Hà Nội đã khiến cái tên Tân Hoàng Minh trở thành tâm điểm chú ý hơn bao giờ hết.

Cũng cần nói thêm, Tân Hoàng Minh tự giới thiệu là bắt đầu chuyển mạnh sang đầu tư bất động sản từ năm 2006 nên có thể hiểu các khu đất này đều được thâu tóm vào thời điểm thị trường bất động sản bùng nổ, nghĩa là số tiền bỏ ra phải rất lớn.

Không chỉ sở hữu “đất vàng”, Tân Hoàng Minh còn chịu chơi khi khi đầu tư những dự án căn hộ siêu sang.

Một trong những dự án “át chủ bài” của Tân Hoàng Minh là D’.Palais de Louis (Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy). Ngay sau lễ mở bán dự án, thị trường Hà Nội đã được phen “sốt nóng” giữa giấc ngủ đông dài khi chủ đầu tư công bố mức giá bán của dự án này lên tới trên 100 triệu đồng/m2, tổng giá trị mỗi căn hộ khoảng 13 - 27 tỷ đồng. Thậm chí, để mua được một trong hai căn hộ penthouse trên tầng áp mái thì người mua phải có ít nhất 100 tỷ đồng!

Nhưng có lẽ thời điểm đó, giới đầu địa ốc tò mò về ông chủ của dự án này hơn rất nhiều giá công bố của dự án. Câu hỏi Tân Hoàng Minh là ai? Ai “chống lưng” cho doanh nghiệp này đủ nguồn tài chính thâu tóm được hàng loạt dự án đất vàng vẫn là dấu hỏi lớn đối với thị trường.

Tân Hoàng Minh là ai?

Để trả lời câu hỏi này, chắc ai cũng biết Tân Hoàng Minh vốn là thương hiệu của một hãng taxi đình đám một thời.

Tuy nhiên, khi chia tay với lĩnh vực vận tải này, số tiền bán lại xe taxi (có lúc lên đến 700 đầu xe) chắc chắn cũng không quá lớn để mua được một vài mảnh đất thuộc vị trí đắc địa tại Hà Nội này.

Ngoài ra, Tân Hoàng Minh cũng sở hữu một nhà máy sản xuất mây tre đan xuất khẩu (với doanh số do Tập đoàn công bố là từ 3-5 triệu USD/năm) và kinh doanh một số khách sạn, tòa nhà văn phòng nhỏ tại TP.HCM và Hà Nội.

Những mảng kinh doanh này không mang lại nguồn thu quá lớn để Tân Hoàng Minh có thể sở hữu những mảnh đất vàng đắc địa.

Vì thế, năng lực tài chính để thâu tóm đất (chưa nói đến xây dựng) của Tân Hoàng Minh vẫn là một dấu hỏi.

Đại gia nào đứng sau?

Cách đây hơn 1 năm, trong lễ ký kết với các nhà cung cấp thiết bị cho dự án D’. Palais de Louis, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh, từng tuyên bố Tập đoàn cũng không tránh khỏi khó khăn như những doanh nghiệp bất động sản khác trong lúc thị trường suy thoái.

Điều ngạc nhiên là dù thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng đã 5 năm, nhưng Tân Hoàng Minh vẫn giữ được những khu đất có vị trí đắc địa nhất Thủ đô.

Tại buổi lễ ký kết này, lần đầu tiên ông Dũng tiết lộ về “đại gia” đã cung cấp tài chính cho Tân Hoàng Minh.

Theo đó, Tân Hoàng Minh đã vay một ngân hàng lớn với khoản vay lên đến cả ngàn tỷ đồng, nhưng vẫn trả lãi đều đặn và số tiền lãi Tập đoàn đã trả lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, danh tính của ngân hàng này lại không được người đứng đầu Tân Hoàng Minh tiết lộ. Như vậy, có thể hiểu nguồn tài chính dồi dào mà Tân Hoàng Minh có được là nhờ vào nguồn vay từ ngân hàng.

Trên website của doanh nghiệp này, trong các đối tác của Tân Hoàng Minh chỉ có 2 ngân hàng.

Thứ nhất là ngân hàng BIDV - một trong 4 ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam. BIDV hiện đã, đang và sẽ là đối tác lớn cung cấp nguồn vốn tài chính cho các dự án bất động sản của Tân Hoàng Minh Group, trong đó có dự án D'. Palais de Louis.

Một ngân hàng đáng chú ý khác là SeAbank. Tuy nhiên, trong phần thông tin về ngân hàng này, ngoài việc nêu một cách chung chung “SeABank là một trong những đối tác quan trọng của Tân Hoàng Minh Group”, thì gần như không có thông tin gì khác.

Mới đây thêm một ngân hàng nữa quyết định “rót vốn” vào Tân Hoàng Minh là ngân hàng SHB.

Theo đó, SHB và Tân Hoàng Minh đã ký hợp đồng quan trọng liên quan đến vốn và bán hàng cho các dự án bất động sản của Tân Hoàng Minh.

Cụ thể, SHB tài trợ 1.000 tỷ đồng cho dự án Hoàng Cầu. Tân Hoàng Minh và SHB cùng hợp tác để cho khách hàng vay tới 70% giá trị căn hộ, với lãi 5% trong năm đầu tiên (lãi suất của SHB là 8,68% nhưng Tân Hoàng Minh hỗ trợ 3,68% - PV).

Đây thực sự là một lợi thế, giúp Tân Hoàng Minh hoàn toàn yên tâm trong phát triển các dự án bất động sản của mình, theo đúng khối lượng, chất lượng và tiến độ đề ra.

Nhờ sự “tiếp vốn” kịp thời này mà một lãnh đạo của Tân Hoàng Minh mới đây trả lời trên báo chí đã không ngần ngại nói: “Ap lực phải bán bớt dự án để triển khai dự án khác là hoàn toàn không có”.

Theo VTC News

Các tin cũ hơn