Siêu dự án 1 tỷ đồng/m2 của Tân Hoàng Minh ra sao?

Thứ sáu, 21/03/2014, 14:03
Dự án D'. San Raffles do Tập đoàn Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư dù tọa lạc trên mảnh đất vàng với chi phí đền bù lên tới 1 tỷ đồng/m2, nhưng đến nay vẫn nằm “án binh bất động”.

Nhiều người đang phải đặt câu hỏi về số phận của siêu dự án này và không hiểu vì lý do gì một dự án có vị trí đắc địa như vậy mà chủ đầu tư vẫn chưa triển khai thực hiện.

Dự án D'. San Raffles tọa lạc trên mảnh đất vàng tại số 22-24 phố Hàng Bài, 25-27 phố Hai Bà Trưng, Hà Nội. Dự án do Công ty CP Thời đại mới T&T thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh là chủ đầu tư. Dự án này được giao đất từ 19/7/2011 theo Quyết định số 3362.

Tân Hoàng Minh

Theo giới thiệu của chủ đầu tư, dự án có 6 tầng hầm, 8 tầng nổi và 1 tầng mái, tổng diện tích sàn xây dựng trên 40.000 mét vuông, là loại hình căn Trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp và nhà ở hạng sang. Tiến độ đang thi công phần móng và dự kiến hoàn thành trong năm 2014. Đầu tháng 8 chủ đầu tư đã tổ chức lễ động thổ dự án.

Dự án này từng nổi đình đám về “kỷ lục” đền bù, giải phóng mặt bằng khi có hộ dân đưa ra mức giá đền bù… 1 tỷ đồng/m2.

Tuy nhiên, ít ai biết, khu đất này đã từng nằm trong quy hoạch bãi đỗ xe của Hà Nội. Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe công cộng trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020 (QĐ 165) được biết đến như là một giải pháp cụ thể để hợp lý, đồng bộ giao thông tĩnh trên địa bàn 07 quận nội đô.

Trong số 34 điểm/bãi đỗ, quận Hoàng Kiếm có tổng số bảy điểm/bãi đỗ xe mới được phê duyệt, thời gian chuẩn bị đầu tư xây dựng được “chốt” từ năm 2004 – 2008.

Các điểm này bao gồm: điểm Chương Dương (xây dựng xen kẽ dải cây xanh ngoài đê tại hai khu vực gần Chương Dương Độ); điểm Hai Bà Trưng – Hàng Bài; điểm Phan Chu Trinh (xây dựng một phần nhà máy ô tô Ngô Gia Tự); điểm Tràng Thi; điểm Chân Cầm; điểm Long Biên.

Dư luận đã có thời điểm “hốt hoảng” về mức giá đền bù giải phóng mặt bằng chưa từng có từ trước đến nay tại các địa chỉ 22 – 24 Hàng Bài; 25 – 27 Hai Bà Trưng: Để di dời 300 hộ dân cư trú trên diện tích 300m2, chủ dự án đã chấp nhận mức giá 500 triệu đồng/m2.

15/17 hộ đã thống nhất mức gia đền bù. Tuy nhiên, duy nhất 2 hộ đã đơn phương phản đối. Không chấp nhận mức giá đền bù 600 triệu đồng/m2, hai chủ hộ này đã đưa ra con số đền bù 1 tỷ đồng/m2.

Câu chuyện về giải phóng mặt bằng với mức đền bù giá “khủng”, “kỷ lục” chưa từng có trong tiền lệ đã khiến khu đất ngã tư Hàng Bài – Hai Bà Trưng trở thành vị trí “đắt xắt ra miếng” giữa Thủ đô.

Chủ sở hữu ban đầu của mảnh đất này là Công ty Kinh doanh xây dựng Nhà (nay là Công ty CP Kinh doanh và Xây dựng Nhà Hà Nội). Năm 2009, Công ty CP Thời đại mới T&T được thành lập để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại - văn phòng và nhà ở tại khu đất này. Trong đó, Tân Hoàng Minh góp 14% vốn, Công ty CP Kinh doanh và Xây dựng Nhà Hà Nội góp 80% và 2 cá nhân khác là 4% và 2%.

Thế nhưng sau đó, tỉ lệ góp vốn giữa các bên đã thay đổi. Theo đó, Tân Hoàng Minh chiếm tới 90%, có nghĩa Tập đoàn này đã cơ bản "thâu tóm" toàn bộ dự án trên, tại vị trí khu đất "vàng" có vị trí đắc địa.

Nói lại câu chuyện “thâu tóm” trên để thấy rằng, Tập đoàn này đã phải chi phí tốn kém như thế nào để có mặt bằng “đất vàng” nhưng đến nay dự án vẫn nằm “án binh bất động”, thì thời gian dự kiến hoàn thành dự án vào năm 2014 khó có thể thực hiện được.

Theo khảo sát của PV, hiện dự án D'. San Raffles vẫn chỉ là bãi đất đang thi công cọc thử. Công trường được quây kín bởi “bờ tường” bao xung quanh và những tấm pa-nô, áp-phích quảng cáo về dự án đã che kín khu đất vàng. Người dân chỉ có thể biết đó là một công trường nhờ những máy móc, những ống thép khổng lồ dựng đứng bên trong.

Theo thông tin từ đại diện Tân Hoàng Minh, dự án này mới động thổ ngày 5/8/2013. Theo kế hoạch, dự án sẽ được hoàn thiện vào 2014, nhưng hiện công trình mới đang thi công cọc thử và chờ được cấp giấy phép xây dựng.

Tân Hoàng Minh cho biết, hiện dự án đã ứng tiền giải phóng mặt bằng xong, còn tiền sử dụng đất chưa phải nộp. Dự án này phải mất gần hơn 7 năm mới hoàn thành giải phóng mặt bằng kể từ khi có quyết định thu hồi đất.

Từ chỗ ít được biết đến trên thị trường bất động sản, Tân Hoàng Minh bỗng nổi như cồn khi chào bán dự án căn hộ siêu sang D. Palais de Louis tại Hà Nội vào đầu năm ngoái. Đặc biệt, Tập đoàn này còn sở hữu hàng loạt các mảnh đất vàng khác tại Hà Nội.

Có không ít câu hỏi đặt ra xung quanh năng lực của Tân Hoàng Minh, vì chỉ có duy nhất dự án D. Palais de Louis đang xây dựng. Những mảnh đất được bao quanh bởi những tấm biển hào nhoáng tại ngã tư phố Hàng Bài - Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm), ngã ba phố Nguyễn Hoàng Tôn – Lạc Long Quân hay tại số 2, phố Đặng Thai Mai (quận Tây Hồ), đã nằm im lìm trong một thời gian dài.

Theo VTC News

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích