“Đó là ý tưởng mà lãnh đạo thành phố mong muốn được thể hiện trong đồ án quy hoạch tổng thể mặt bằng và thiết kế kiến trúc công trình trung tâm hành chính của thành phố”, ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết tại hội thảo Bảo tồn di sản và phát triển đô thị bền vữngdo viện này tổ chức hôm qua (18/3).
Ông Hòa khẳng định, vấn đề bảo tồn sẽ được đặc biệt chú ý trong dự án thiết kế và xây dựng trung tâm hành chính mới của thành phố. “Trung tâm hành chính của thành phố không đặt nặng vấn đề về diện tích sàn mà ưu tiên tối đa cho việc bảo tồn; đồng thời tạo sự tương tác gần gũi giữa người dân với chính quyền thành phố”, ông Hòa nói.
Bên cạnh việc cải tạo trụ sở UBND TP.HCM thì quảng trường phía trước cũng sẽ được mở rộng và đặt thêm tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mô phỏng của Hội Kiến trúc sư TP.HCM. Q. Chung chụp lại. |
Được biết, lãnh đạo chính quyền TP.HCM cũng vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương sửa chữa khối nhà A 255 Trần Hưng Đạo, quận 1 để bố trí làm trụ sở (tạm thời) cho các cơ quan phải di dời để xây dựng khu trung tâm hành chính của thành phố.
Trước đó, UBND TP.HCM đã phê duyệt kế hoạch tổ chức thi tuyển quốc tế (hai vòng) ý tưởng và phương án thiết kế quy hoạch tổng thể mặt bằng và thiết kế kiến trúc các công trình khu trung tâm hành chính thành phố - sẽ được xây dựng trên ô phố giới hạn bởi các trục đường Lê Thánh Tôn, Pasteur, Lý Tự Trong, Đồng Khởi, quận 1.
Theo sở Quy hoạch - kiến trúc, công trình được chia làm hai lớp: (i) công trình trụ sở UBND thành phố hiện hữu sẽ được bảo tồn kiến trúc, mặt tiền được kéo dài đến giáp đường Đồng Khởi; (ii) công trình kiến trúc hiện hữu phía sau trụ sở UBND thành phố được phân thành hai cấp tầng cao khác nhau, cấp có tầng cao nhất là nơi làm việc của các sở - ngành (mặt tiền đường Lý Tự Trọng), cấp có tầng cao thấp hơn là nơi làm việc của UBND thành phố.
Công ty TNHH một thành viên Quản lý kinh doanh nhà thành phố được giao làm chủ đầu tư xây dựng khu trung tâm hành chính thành phố này.
Theo TBKTSG