Lỗ nặng
Như chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty tư vấn hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa đã nhận định: Trong cuộc tháo chạy khỏi thị trường bất động sản, có đến 80% các dự án rao bán chưa tìm được khách mua".
Cũng theo chuyên gia này, thoái vốn giúp sàng lọc thị trường nhưng với tình hình chung hiện nay, đây vẫn là bài toán đầy khó khăn.
Bên cạnh những thương vụ triệu đô, nhiều chủ đầu tư buộc phải chấp nhận “bán lúa non” với giá “lỗ nặng” nhằm thu hồi vốn.
Khu du lịch Mỏm Đá Chim |
Một trong những thương vụ chủ đầu tư chấp nhận lỗ này là việc chuyển nhượng lại Dự án Intresco Tower dưới giá trị sổ sách, dẫn đến việc lỗ nặng trong quý IV và cả năm 2013 cho chủ đầu tư là CTCP Đầu tư kinh doanh nhà - Intresco (mã ITC).
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV năm 2013 của ITC, trong quý IV/2013, ITC chỉ đạt 41,32 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 25% so với quý IV/2012. Tuy doanh thu tăng trưởng tốt, nhưng ITC bất ngờ báo lỗ ròng rất nặng 266,42 tỷ đồng trong quý IV (cùng kỳ lãi 8,6 tỷ đồng), nâng tổng số lỗ ròng lũy kế cả năm 2013 lên 291,17 tỷ đồng (năm 2012 lãi gần 7 tỷ đồng).
Tính đến 31/12/2013, ITC còn 233,84 tỷ đồng lỗ chưa phân phối, trong khi đầu năm lãi 57,68 tỷ đồng. Chi phí dở dang và hàng tồn kho tại thời điểm cuối năm gần 1.674 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm.
Và nguyên nhân dẫn đến tình trạng lỗ nặng này được ITC giải trình là do trích lập dự phòng giảm giá dự án Intresco Tower lên tới 240,9 tỷ đồng.
Được biết, ITC vừa quyết định chuyển nhượng lại Dự án Intresco Tower dưới giá trị sổ sách, dẫn đến việc lỗ nặng trong quý IV và cả năm 2013.
Trước đó, trong văn bản gửi lên Ủy ban Chứng khoán, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và cổ đông giải trình về việc bán toàn bộ Dự ádn Intresco Tower hồi tháng 1/2014, ITC đã lường trước vì việc sẽ bị lỗ, nhưng vẫn quyết định chuyển nhượng để có thêm nguồn tiền.
Văn bản này nêu rõ: Nếu chuyển nhượng dự án trong thời điểm này, có thể dự án sẽ bị lỗ so với giá trị sổ sách, tuy nhiên công ty sẽ có nguồn tiền để đầu tư các dự án khác và trả nợ ngân hàng nhằm giảm chi phí lãi vay.
Như vậy, việc chuyển nhượng được dự án sẽ bị lỗ đã được chủ đầu tư xác định trước, nhưng do những áp lực về tài chính, chủ đầy tư vẫn buộc phải “bán lúa non” để thu hồi vốn.
Mới đây nhất, ngày 5/4, nhiều cổ đông CTCP Thế kỷ 21 (C21) đã đề nghị HĐQT và Ban điều hành xem xét dừng mở rộng dự án Khu du lịch Mỏm Đá Chim tại tỉnh Bình Thuận và tìm cách chuyển nhượng toàn bộ dự án này với mức giá là 6 triệu USD.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Huỳnh Sơn Phước, Tổng giám đốc C21 cho biết, lý do các cổ đông đưa ra đề nghị trên là do khu du lịch này bị lỗ gần 4,8 tỷ đồng trong năm 2013 sau khi lỗ 742 triệu đồng trong năm 2012 và sắp tới chưa thấy triển vọng gì sáng sủa.
Đây là dự án của Công ty TNHH Hàm Tân Thế kỷ 21 (vốn điều lệ 80 tỷ đồng) do C21 sở hữu 100% vốn.
Ông Phước cho biết, dự án này kém hiệu quả vì vị trí khá “đơn độc” và suất đầu tư cao; chi phí đầu tư 97 phòng là hơn 90 tỷ đồng.
Một cổ đông đề nghị mau chóng “bán cắt lỗ” dự án này, trong khi cổ đông khác yêu cầu HĐQT và Ban điều hành quyết tâm hơn trong việc tìm đối tác để cho thuê hoặc chuyển nhượng. Nhiều cổ đông đề nghị cần làm mới lại khu du lịch này trước khi chuyển nhượng vì hiện nay resort tại đây đang rất xuống cấp.
“Thực ra, C21 cũng đã tìm kiếm đối tác chuyển nhượng toàn bộ Khu du lịch Mỏm Đá Chim từ nhiều năm nay, nhưng chưa thực hiện được. Hiện C21 đang chào giá 6 triệu USD cho khu du lịch này”, ông Phước cho biết.
Ngoài Mỏm Đá Chim, C21 còn có kế hoạch chuyển nhượng một loạt dự án khác trong năm nay như một nửa diện tích đất (tương đương 8 héc-ta) của Dự án Khu dân cư Phước Long (Khu B) tại quận 9, TP.HCM, Dự án Khu du lịch Mũi Đá rộng gần 6 héc-ta tại Bình Thuận, 20% còn lại của Dự án Khu du lịch Bãi Dài tại Khánh Hoà và 25% còn lại của Dự án Khu du lịch Điện Ngọc tại Quảng Nam…
Bên cạnh đó, C21 sẽ kêu gọi hợp tác đầu tư hoặc chuyển nhượng toàn bộ Dự án cao ốc căn hộ - văn phòng đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP.HCM với mục tiêu thu đủ vốn và lãi.
Thua lỗ 50%
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiêm Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, Nguyễn Văn Đực, dù thoái vốn bất cứ hình thức nào, hầu hết các chủ đầu tư cũ đều bị thua lỗ.
Mức độ thiệt hại trung bình là 50%, bao gồm các khoản: Chi phí tài chính, chi phí cơ hội, trượt giá, công sức và thời gian.
Cũng có những chủ đầu tư chỉ lỗ so với kỳ vọng, thậm chí vẫn có lãi chút ít nhưng số doanh nghiệp trong tình trạng này không nhiều.
"Quá trình thoái vốn là cuộc chiến khốc liệt, trong đó chủ đầu tư mới, đối tác mới kiếm được lợi nhuận từ thất bại, thua lỗ của chủ đầu tư cũ", ông Đực đánh giá.
Tuy nhiên, theo ông Đực, do chưa thoát khỏi khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn tính chuyện bán dự án bằng nhiều hình thức. Bán toàn bộ, từng phần, bán sỉ thậm chí là hoán đổi sản phẩm... trên thị trường đều có đủ.
Theo VTC News