Cho người nước ngoài mua nhà ở VN: Chuyên gia khổ vì thuê nhà

Thứ ba, 23/09/2014, 09:17
Hiện có hơn 150.000 người nước ngoài vào VN cư trú và đầu tư, trong đó có rất nhiều người gắn bó lâu dài và dù có tiền nhưng vẫn phải đi thuê nhà.


Cho người nước ngoài mua nhà cũng là xuất khẩu tại chỗ - Ảnh: D.Đ.M

Nhanh chóng nới chính sách cho người nước ngoài mua nhà tại VN, theo các chuyên gia không chỉ tạo thuận lợi cho họ làm ăn, sinh sống mà còn là giải pháp hiệu quả trong việc tăng tổng cầu trong nền kinh tế.

Thuê lại chính căn hộ mình đầu tư

Richard J.Hebert là người Canada. Sau khi về hưu, năm 2005 ông đến VN quyết định thực hiện dự án "phát âm chuẩn bằng tiếng Anh" cho người Việt đã  được triển khai hợp tác tại một số trường đại học trong nước. Sau 2 năm thuê thường xuyên một phòng tại khách sạn trên đường Đông Du (Q.1, TP.HCM), năm 2007, ông chuyển sang thuê phòng trọ để sống và trải qua nhiều lần phải chuyển nhà trọ. “Chủ nhà có tư duy người nước ngoài là có nhiều tiền hay sao mà trong một năm tiền thuê nhà tăng đến 2 lần. Tôi quyết định mua nhà tại Q.2 để sống bởi môi trường ở đó tốt, nhiều người nước ngoài và dịch vụ ổn”, Richard cho biết.

Tuy nhiên, sau khi qua trợ lý và văn phòng luật sư tìm hiểu thủ tục mua nhà, sau hơn 1 năm gặp lại, Richard thông báo từ bỏ ý định tìm nhà ở VN và tiếp tục kiếp thuê nhà, bị tăng tiền trọ một cách vô lý. “Nếu cho điều kiện sống ở VN 6 tháng liên tục thì tôi sống ở đây mấy năm liên tục rồi. Trừ kỳ nghỉ cuối năm mới về với gia đình, còn lại tôi gắn bó gần như toàn bộ thời gian ở đây bằng việc dạy học và thực hiện dự án ấp ủ. Tôi tưởng thủ tục mua nhà sẽ vô cùng đơn giản và ngắn gọn, nhưng luật quy định phức tạp quá, đến mức tôi nghĩ cách quản lý nhà ở của VN không giống ai", ông Richard bộc bạch.

Trừ kỳ nghỉ cuối năm mới về với gia đình, còn lại tôi gắn bó gần như toàn bộ thời gian ở đây bằng việc dạy học và thực hiện dự án ấp ủ. Tôi tưởng thủ tục mua nhà sẽ vô cùng đơn giản và ngắn gọn, nhưng luật quy định phức tạp quá, đến mức tôi nghĩ cách quản lý nhà ở của VN không giống ai.

Ông Richard J.Hebert

Sau những phàn nàn của Richard, thông tin chúng tôi có được là ông đã chuyển nhà trọ từ Q.2 lên một chung cư ở đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận.

Đầu năm 2014 trước khi về Canada, ông gọi điện kể vừa chuyển nhà đến đường Phan Bội Châu (Q.Bình Thạnh) với giá thuê 1.200 USD/tháng. “Hy vọng chỗ ở mới này không sớm bị kết thúc. Nhưng với tình trạng thay đổi chỗ ở liên tục thế này, tôi sẽ đi Campuchia để sống. Tôi thích sống ở châu Á trong những năm cuối đời”, Richard nói, năm nay ông đã 70 tuổi.

Là chuyên gia ngân hàng, có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) trên thế giới, ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay, bản thân là Việt kiều Mỹ, đã về nước 5 năm nhưng vẫn phải đi thuê nhà ở. Ông Hiếu mong mỏi chính sách mở để được sở hữu nhà trong nước, chấm dứt tình trạng đi ở thuê nhiều năm nay. Ông Hiếu bày tỏ cảm thấy khó hiểu khi thị trường BĐS trong nước đóng băng, nhà nước vẫn phải "vung" tiền ra để "giải cứu" nhưng người nước ngoài muốn đem tiền vào mua nhà thì lại gặp các rào cản. “Chúng ta nên có chính sách thoáng để đón dòng tiền này, từ đó giải phóng lượng hàng tồn kho cao cấp ở trong nước, thúc đẩy thị trường và nền kinh tế phát triển”, ông Hiếu góp ý.

Lãnh đạo một quỹ đầu tư của Hàn Quốc đã ở VN mấy năm nay khi liên kết với đối tác trong nước để triển khai một dự án ở Q.9  cho biết, dù rất muốn mua nhà tại VN nhưng hiện ông vẫn phải đi ở nhà thuê của công ty. Ông cho biết bản thân đã rất nỗ lực trong việc xúc tiến mua nhà nhưng thủ tục quá rắc rối buộc ông phải rơi vào tình trạng hết sức trớ trêu, thuê chính căn hộ do công ty đầu tư.

Tăng lượng cầu có khả năng thanh toán

Theo một chuyên gia tại TP, nới chính sách cho người nước ngoài sở hữu nhà tại VN sẽ khiến họ yên tâm gắn bó, đầu tư và cống hiến cho đất nước. Đây cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đang cần nguồn lực mạnh để phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS VN, cho rằng mở rộng cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà sẽ có nhiều cái lợi. Ngoài hiện trạng đang bị đóng băng, thị trường của ta vẫn đang ở giai đoạn khuyến khích đầu tư, rất cần một nguồn vốn ngoại đủ mạnh vào kích hoạt và phát triển. “Nếu chúng ta thay đổi quan niệm, khuyến khích phát triển thị trường theo hướng này chính là xuất khẩu BĐS tại chỗ; vẫn thu được ngoại tệ mà sản phẩm vẫn nằm trên lãnh thổ của ta, lợi ích cho đất nước là rất lớn”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, nếu nới điều kiện cho người nước ngoài và Việt kiều mua, sở hữu BĐS tại VN thì phân khúc BĐS cao cấp sẽ được kích hoạt vì nguồn cầu lớn từ người nước ngoài chắc chắn sẽ tập trung vào phân khúc này. Điều này cũng phù hợp với nguồn cung BĐS trên thị trường hiện nay, dòng sản phẩm cao cấp tồn đọng nhiều do kinh tế suy thoái.

Từ góc nhìn khác, ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Hưng Thịnh, phân tích việc hạn chế người nước ngoài mua nhà không chỉ ảnh hưởng đến thị trường BĐS mà ảnh hưởng đến 50 ngành nghề liên quan trực tiếp tới BĐS như gạch, ngói, xi măng, kính, sắt thép, nhôm, dây điện, gỗ, đá, nội thất… Đó là chưa kể sự đóng băng của thị trường này cũng khiến một lượng lớn lao động bị thất nghiệp. Bởi khi làm một căn nhà, ngoài nguyên vật liệu thì còn cần đến nhân công để thực hiện.

Do đó, khi mở cửa cho người nước ngoài mua nhà sẽ giúp thanh khoản của thị trường, đặc biệt là thị trường BĐS cao cấp tăng lên, từ đó “kích hoạt” các lĩnh vực khác như: tài chính, vật liệu xây dựng, lao động… phát triển theo. “Tôi nhấn mạnh rằng, việc mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài được mua nhà ở VN là hoạt động xuất khẩu tại chỗ, làm gia tăng tổng tài sản quốc gia, tạo điều kiện cho các ngành nghề khác phát triển"- ông Hiền nói.

Cũng theo ông Hiền, nếu luật Nhà ở sắp tới được thông qua với những quy định thông thoáng, thị trường BĐS cao cấp ở TP.HCM sẽ sôi động nhất cả nước do sự tăng trưởng kinh tế ở đây khá mạnh, GDP cao. Kế đến là Hà Nội và Đà Nẵng cũng sôi động theo. Khi thị trường BĐS và các ngành nghề khác liên quan hồi phục sẽ “kích hoạt” nền kinh tế phát triển theo.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn