Gói tín dụng hỗ trợ mua nhà: Thủ tục phải nhanh gọn hơn

Thứ ba, 23/09/2014, 07:41
Liên quan tới gói tín dụng hỗ trợ vay mua nhà cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang..., TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, Hiệu trưởng Trường Đào tạo nguồn nhân lực Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng: “Để triển khai hiệu quả, điều quan trọng là làm sao cơ chế, chính sách, thủ tục phải nhanh gọn hơn”. 


Mức lãi suất 7,5%/năm được đánh giá là khá hợp lý


Theo ông, có nên triển khai gói tín dụng mới này khi gói 30.000 tỷ đồng đang bắt đầu vào guồng?

Tôi hoàn toàn đồng tình. Điều quan trọng là phương thức thực hiện để ý tưởng có hiệu quả trong thực tế. Gói tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đang xem xét đề xuất đã mở rộng đối tượng được tham gia. 

Gói 30.000 tỷ đồng triển khai trong thời gian vừa qua không được nhanh một phần cũng bởi thiếu nguồn cung nhà ở xã hội. Hiện nay, một số dự án nhà ở thương mại đang được chuyển đổi sang nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có lộ trình.

Gói tín dụng mới đang trong quá trình dự thảo, do đó sẽ được làm kỹ hơn và rút kinh nghiệm từ những cái chưa được trong gói 30.000 tỷ đồng. Tôi nghĩ rằng, nhờ vậy gói này sẽ thành công hơn. Ngoài ra, người dân cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến những gói như thế này. 

Các đề xuất liên quan tới thu nhập, lãi suất, hạn mức, thời hạn cho vay đã hợp lý hay chưa?

7,5%/năm là lãi suất cuối cùng khi ngân hàng cho vay ra. Nếu thời hạn vay 10 năm thì mức lãi suất này khá hấp dẫn. Lãi suất cho vay dài hạn đối với các doanh nghiệp, hộ cá thể bình thường mà ngân hàng đang thực hiện cũng phải ở mức 10%/năm. So với chi phí vốn của ngân hàng thương mại hiện nay mức này là khá phù hợp. 

Tuy nhiên, lãi suất nên kết hợp vừa cố định một phần, vừa thả nổi một phần. Bởi nếu cố định thì người vay cũng rất dễ gặp rủi ro, đưa ra cơ chế thả nổi là để cả hai bên cùng chịu rủi ro và cùng có lợi. Với cách này thì trong năm đầu lãi suất cố định là 7,5%/năm, còn năm tiếp theo sẽ theo mặt bằng chung của thị trường, cộng thêm biên độ nào đó.

Về mức thu nhập, 25 triệu đồng không phải là quá lớn với một gia đình. Tuy nhiên cũng cần cân nhắc một chút về mức thu nhập cho phù hợp hơn. Những người có thu nhập cao không mặn mà với gói vay này. Còn hạn mức 2 tỷ đồng là số tiền tối đa được vay, khách hàng muốn vay bao nhiêu là tùy vào nhu cầu. Tất nhiên khi tính toán mua một căn hộ thì người mua cũng cần có một phần vốn tự có của mình như vậy sẽ thể hiện được tiềm lực tài chính và khả năng thực hiện đúng cam kết.

Để khuyến khích người vay thì thời hạn cho vay cũng rất quan trọng. Ngân hàng Nhà nước có thể tính lại thời hạn này vì các nước thường cho vay mua nhà ở xã hội khoảng 30 năm.

Khi triển khai gói tín dụng này, cần có chính sách gì để các ngân hàng tham gia hiệu quả?

Trước hết là cần có định hướng chính sách mạnh mẽ từ phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng. Thứ hai là có hỗ trợ lãi suất thông qua tái cấp vốn. Thứ ba là tạo ra tính thanh khoản của thị trường mua bán nợ sau khi cho vay. Lãi suất như đã nói ở trên cũng cần thả nổi một phần, như vậy các ngân hàng mới cân đối được nguồn. 

Thực ra thì các ngân hàng cũng đang muốn đẩy mạnh cho vay trong lĩnh vực này. Các ngân hàng cũng có thể yên tâm về nguồn trả nợ, bởi người vay có thu nhập khá, đồng thời có thiện chí hợp tác. 
Như vậy, cái đáng lo là làm sao để cơ chế, chính sách, thủ tục phải nhanh gọn hơn. Ngân hàng Nhà nước nên lấy ý kiến ngân hàng thương mại, các hiệp hội, UBND các tỉnh... ngay từ đầu sẽ giúp triển khai thông suốt hơn.  

Theo ANTĐ

Các tin cũ hơn