Sau Thụy Sĩ, nước nào sẽ rút chân khỏi cuộc chiến tiền tệ?

Thứ ba, 20/01/2015, 07:16
Quốc gia nào sẽ là nước "đầu hàng" kế tiếp trong cuộc chiến tiền tệ toàn cầu bằng động thái thả nổi đồng tiền của mình sau Thụy Sĩ?

Sau Thụy Sĩ, nước nào sẽ rút chân khỏi cuộc chiến tiền tệ?

Giơ cờ trắng, thả nổi đồng franc

Vào ngày 15/1, Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB) thông báo gỡ bỏ mức tỷ giá cố định của đồng nội tệ franc so với đồng euro (ở mức 1,20 franc/1 euro), trong khi đây là mức đã được áp đặt trong suốt 3 năm qua để ngăn đồng tiền này tăng giá quá nhiều so với đồng tiền chung châu Âu.

Christopher Dembik, một nhà kinh tế tại Ngân hàng đầu tư Saxo của Đan Mạch cho biết hành động này của Thụy Sĩ đồng nghĩa với việc quốc gia này đã tự động rút lui trên chiến trường tiền tệ trước khi Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ đưa ra "một loại vũ khí quan trọng" vào thứ Năm tuần trước.

Đó là chương trình mua trái phiếu khổng lồ nằm trong kế hoạch kích cầu kinh tế của EU và đã được dự báo sẽ làm ngập thị trường thế giới bởi đồng euro và làm tăng cao nhu cầu về đồng franc Thụy Sĩ, một đồng tiền vốn được coi là an toàn hàng đầu thế giới.

"Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ là người đầu tiên đã tự đẩy mình vào cuộc chiến này và cũng là người đầu tiên đầu hàng," ông nói.

Sau Thụy Sĩ, nước nào sẽ rút chân khỏi cuộc chiến tiền tệ?
Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ - Ảnh minh họa

Sau khi Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ "giơ cờ trắng", ngay tức khắc thị trường tài chính toàn cầu cũng có một phiên biến động mạnh. Đồng franc Thụy Sĩ đã tăng 30% giá trị chuyển đổi so với đồng euro. Tại Luân Đôn, một euro nay chỉ đổi được 0,85 franc Thụy Sĩ, thay vì 1,20 franc như trước đây.

Cổ phiếu của các công ty Thụy Sĩ vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu cũng bị sụt giảm nặng nề, các nước lân cận khu vực Đông Âu có nợ thế chấp được tính bằng đồng franc trở nên khốn khó hơn và có ít nhất hai công ty môi giới ngoại hối quốc tế đã bị xóa sổ.

Tuy nhiên Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ vẫn chưa hoàn toàn rời bỏ cuộc chiến khi đưa ra mức giảm lãi suất cơ bản xuống -0,75% với hy vọng rằng sẽ giảm bớt đầu tư vào đồng franc của nước này.

Ai sẽ là người kế tiếp?

Động thái này của Thụy Sĩ đã báo hiệu về một cuộc chiến tiền tệ khốc liệt đang đến gần.

"Với sự u ám chung về tăng trưởng kinh tế, tỷ giá hối đoái là một trong những đòn bẩy cuối cùng được các quốc gia dùng để chống đỡ trong những tình hình hết sức khó khăn mà họ đang phải đối mặt", Dembik nói.

Sau Thụy Sĩ, nước nào sẽ rút chân khỏi cuộc chiến tiền tệ?
Cuộc chiến tiền tệ toàn cầu được dự báo sẽ ngày càng trở nên khốc liệt - Ảnh minh họa

Theo ông, các nước châu Á sẽ trở thành tiền tuyến, ví dụ như Hàn Quốc và Đài Loan bởi các quốc gia này đang gánh chịu sự sụt giảm mạnh của đồng yên, từ đó mang lại lợi ích cho đối thủ cạnh tranh của họ là Nhật Bản. Bên cạnh đó, các nền kinh tế mới nổi như Brazil chắc chắn cũng sẽ cần dùng đến tỷ giá hối đoái.

Sự khốc liệt của các trận chiến tiền tệ toàn cầu cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nguồn dự trữ liên bang của Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã đưa ra những báo hiệu về một chu kỳ tăng giá, nâng giá trị của USD ngày một cao hơn so với các đồng tiền khác trên thế giới. Trong khi đó châu Âu lại đang theo đuổi chính sách hoàn toàn đối lập đó là nới lỏng tiền tệ.

Tuy nhiên một số nhà kinh tế lại không cho rằng đang có xung đột giữa các đồng tiền trên thế giới.

Bà Agnes Benassy - Quere, một giáo sư tại Trường Kinh tế Paris, cho biết: "Có vẻ như ta đang cường điệu hóa khi nói rằng có một cuộc chiến tranh tiền tệ khi người ta thấy sự thả nổi tỷ giá hối đoái và sự dịch chuyển của các nguồn vốn tự do trên thế giới hiện nay".

Bà Agnes Benassy - Quere nghĩ rằng những điều chỉnh bất thường về tỷ giá như Thụy Sĩ vừa qua thường phản ánh một "hoạt động tốt" trong hệ thống tiền tệ của mình.

Theo VTCnews

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn