Cuối tuần qua, lãnh đạo các chi nhánh ngân hàng nọ ở phía Nam tập kết ra Hà Nội họp triển khai kế hoạch năm mới. “108 tỷ thôi” là tin nhắn như thất vọng gửi từ cuộc họp, về một điểm được quan tâm nhất đối với cán bộ nhân viên.
Vậy thì, Tết này, chuyện thưởng ở ngân hàng đó không có gì mới. Đã ba năm qua, quy mô vốn thì khá lớn, trên 5.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận vẫn chật vật quanh con số 100 tỷ đồng.
Có lãi còn hơn không. Cũng đã ba năm rồi, kể từ sau năm các nhà băng ồ ạt báo lãi 2011, nhiều thành viên đã quen với lỗ hoặc chật vật tránh lỗ, cũng như quen với việc không có thưởng.
Tết năm nay, tại một số ngân hàng, không thưởng hoặc thưởng ít là hiện thực cũ. Điểm mới là kỳ vọng có… “xả lũ”. Trên một số diễn đàn buôn chuyện của dân ngân hàng, kỳ vọng này đặt ra nửa đùa, nửa thật.
Thưởng Tết ngành ngân hàng đang được dư luận quan tâm |
Thế nhưng câu chuyện có vẻ hợp lý, khi có tính toán: một loạt ngân hàng thương mại dự kiến sắp phải sáp nhập, thưởng Tết sắp tới như là “cơ hội cuối cùng” để đối nội, động viên và chia sẻ với cán bộ nhân viên trước khi sáp nhập vào ngân hàng khác.
Chỉ là buôn chuyện ở các diễn đàn, nhưng chờ đợi có “xả lũ” không phải là không có cơ sở. Thực tế vài năm trước, tại một ngân hàng nhỏ, trước thời điểm hợp nhất, nguồn tiền đã bị chia vượt quá cả lợi nhuận có được, để rồi thanh tra Ngân hàng Nhà nước buộc khắc phục bằng bù lợi nhuận năm sau. Và đây chỉ là một trường hợp được tiết lộ ở kết luận thanh tra mà thôi…
Tết này, tình huống trên về nguyên tắc là khó xảy ra. Ngay từ năm 2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo trên toàn hệ thống, các tổ chức tín dụng chỉ được tính chuyện lương thưởng sau khi đảm bảo các yêu cầu tính toán nợ xấu và thực hiện trích lập dự phòng đẩy đủ.
Chỉ đạo trên là chặt chẽ. Như tại Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), là thành viên đầu tiên của khối cổ phần báo lãi khá ấn tượng năm 2014, nhưng việc thưởng Tết cho cán bộ nhân viên vẫn đang phải cân nhắc kỹ.
2014 là năm thứ hai liên tiếp TPBank vượt các chỉ tiêu kế hoạch. Lợi nhuận vượt khá xa chỉ tiêu, đạt 536 tỷ đồng, 122% kế hoạch năm. Tuy nhiên, do trước khi thực hiện tái cơ cấu, ngân hàng có khoản lỗ lũy kế khá lớn, hai năm qua phải tập trung bù.
Sau hai năm đó, TPBank cơ bản đã khắc phục xong lỗ lũy kế, các chỉ tiêu hoạt động khác đều tăng trưởng tốt. Để ghi nhận và động viên nhân viên về kết quả này, lãnh đạo TPBank cho biết muốn có một chế độ thưởng Tết xứng đáng, nhưng vẫn phải xem xét kỹ theo chỉ đạo trên của Thống đốc, mà không thể chỉ căn vào mức lãi khá ấn tượng năm qua.
Nhìn chung, đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại vẫn đang cân nhắc chuyện thưởng Tết. Hầu hết đều tránh thông tin về chiếc ví này của mình và bí mật đến phút chót.
Nhưng với những người trong ngành, mức độ thưởng năm nay dự báo không nhiều thay đổi so với năm trước. Sẽ vẫn có những nỗ lực để có một nửa tháng lương kinh doanh, có sự đều đặn ở các nơi hiệu quả, hay sự ngước nhìn về nhóm “Big 4” (4 ngân hàng thương mại nhà nước).
Với thông tin bước đầu, lợi nhuận năm nay của Ngân hàng Quân đội (MB) tương đối ổn định, nên dự kiến chính sách thưởng Tết cũng không nhiều thay đổi. Đây là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần mà cán bộ nhân viên có mức thu nhập bình quân ở top đầu, cũng như các mức thưởng được đồn đoán là hấp dẫn.
Còn nhóm Big 4, cho đến nay, chưa bao giờ có con số thống kê chính thức được công bố.
Tuy nhiên, rất hiếm khi thấy Agribank chủ động công bố mức lợi nhuận 2014 sớm đến như vậy, dù tỷ lệ nợ xấu còn ẩn đi. Vietcombank, VietinBank, BIDV cũng là những ngân hàng thương mại đầu tiên công bố kết quả kinh doanh cơ bản năm qua, nhìn chung đều khả quan.
Như trên, các con số và mức độ cụ thể chưa từng được công bố chính thức. Điều mà các ngành khác nhìn vào vẫn là chờ đợi bản báo cáo tài chính năm được kiểm toán, ghi nhận ở mức thu nhập bình quân như thế nào mà thôi.
Theo VnEconomy