Tin tức bất ngờ này vừa được Ngân hàng Trung ương Nga thông báo sáng nay (theo giờ Hà Nội). Lãi suất mới sẽ có hiệu lực từ 16/12. Đây là lần thứ 6 trong năm Nga nâng lãi suất và là đợt tăng mạnh nhất từ năm 1998, khi đó, lãi suất tại Nga tăng hơn 100% khiến Chính phủ vỡ nợ.
Tin tức này đã ngay lập tức đẩy đồng rouble lên, khi các hợp đồng kỳ hạn một tháng tăng 1,6% trong phiên giao dịch châu Á.
Nga đưa ra mức lãi suất kỷ lục nhằm cứu đồng rouble. Ảnh: RT |
Thông báo này, cùng thời điểm công bố, càng cho thấy những khó khăn tài chính Nga đang gặp phải. Lãi suất mới nếu duy trì lâu sẽ tác động lên kinh tế Nga nặng nề hơn các lệnh trừng phạt phương Tây và sự lao dốc của giá dầu. Môt số nhà phân tích tỏ ra hoài nghi về khả năng chịu đựng của nền kinh tế trước lãi suất cao đến vậy.
“Động thái này là biểu tượng của sự đầu hàng, hy sinh tăng trưởng để bảo vệ hệ thống tài chính. Đây là việc làm đúng và cũng chẳng dễ dàng gì”, Ian Hague – nhà sáng lập Firebird Management nhận xét.
Từ đầu năm, Nga đã chi 80 tỷ USD dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng rouble, khi nội tệ mất giá tới 64% trong năm, xuống thấp kỷ lục so với USD hôm qua. Đây là lần thứ 6 trong năm Ngân hàng trung ương Nga tăng lãi suất, sau khi các nhà hoạch định chính sách họp phiên bất thường.
“Quyết định này nhằm hạn chế rủi ro lạm phát và đồng rouble suy giảm thêm nữa”, cơ quan này cho biết. Tháng này, Tổng thống Vladimir Putin cũng kêu gọi nhiều biện pháp “mạnh mẽ” hơn nữa để ngăn chặn đầu cơ tiền tệ.
“Dù các biện pháp thắt chặt mạnh tay thế này có thể gây tổn thương cho nền kinh tế, chúng tôi cho rằng việc này không phải để ngăn chặn suy thoái, mà là chặn lại bất ổn tài chính gây ra bởi đồng rouble mất giá”, Piotr Matys – chiến lược gia tiền tệ tại Rabobank International cho biết.
Hôm qua, rouble đã mất giá 9,7% so với USD. Dầu thô Brent – loại dầu các nhà buôn theo dõi để định giá dầu xuất khẩu tại Nga cũng giảm 1,3% xuống 61,06 USD một thùng. 50% ngân sách Nga phụ thuộc vào thuế dầu khí, và khoảng một phần tư GDP liên quan đến lĩnh vực năng lượng, Moody’s cho biết.
Kinh tế Nga có thể tăng trưởng âm 4,5%-4,7% năm tới, yếu nhất từ năm 2009, nếu dầu chạm 60 USD một thùng, Ngân hàng trung ương Nga cho biết. Năm nay, 134 tỷ USD vốn đầu tư cũng đã rút khỏi Nga, hơn gấp đôi năm ngoái.
“Có vẻ đợt tăng lãi suất này vẫn là chưa đủ. Ngân hàng trung ương Nga đã thử mọi biện pháp có thể, trừ kiểm soát vốn”, Nicholas Spiro – Giám đốc Spiro Sovereign Strategy nhận xét.
Dù vậy, một số vẫn lạc quan cho rằng động thái này đã đủ lớn để chặn đà suy giảm của rouble. “Có vẻ không ai nghĩ tới tác động của việc này đến nền kinh tế, vì ưu tiên của họ chỉ là ngăn rouble lao dốc mà thôi”, Slava Breusov – nhà phân tích tại Alliance Bernstein cho biết.
Theo VnExpress