Trao đổi với BizLIVE, ông Đoàn Hữu Thuận - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết thưởng Tết Âm lịch cao nhất của công ty sẽ khoảng 70 triệu đồng. “Đánh giá nhu cầu tiêu Tết ai cũng như ai nên công ty chúng tôi có khoản thưởng khoảng 30 triệu đồng được cào bằng, cán bộ công nhân viên hay lãnh đạo đều như nhau hết. Hiện công ty có khoảng 400 người”, ông Thuận cho biết.
Ngoài khoản thưởng “cứng”, công ty còn có khoản thưởng thêm dựa trên đánh giá năng lực và sự đóng góp của mỗi người. Mức thưởng dự kiến trung bình vào khoảng 20 triệu đồng, thấp nhất là 17 triệu, nhân sự giỏi, xuất sắc được khoảng 40 triệu đồng.
Nói về kết quả kinh doanh năm 2014, ông Thuận cho biết: “Công ty đã vượt kế hoạch đặt ra một chút. Tôi cho rằng, thời điểm này vẫn còn khó khăn đối với các công ty xây dựng, ổn định được sản xuất là tốt rồi”.
Còn tại Công ty Phát triển khu công nghiệp Long Bình, ông Nguyễn Công Bình - Phó tổng giám đốc cũng cho hay, thưởng Tết năm nay sẽ “nhỉnh” hơn năm ngoái. Bình quân vào khoảng 2 tháng lương, nhân sự giỏi sẽ được khoảng 5 tháng (mức lương trung bình công ty vào khoảng 10 triệu đồng/người). Trong khi nhiều công ty chi khá mạnh tay cho việc thưởng Tết thì không ít chủ doanh nghiệp lại “than ngắn thở dài”, thậm chí vẫn “chưa biết thế nào” khi trả lời về kế hoạch thưởng Tết.
Ảnh minh họa. |
“Năm nay đợt đặt hàng công ty giảm nhiều quá, thị trường xuất khẩu chủ yếu của chúng tôi là sang Nhật nhưng hiện đang gặp khó khăn. Đến lo việc làm rồi trả lương đủ cho anh em còn khó chứ chưa dám tính đến thưởng Tết...”, bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Giám đốc công ty CP thương mại Thái Anh nói với BizLIVE.
Câu chuyện “khó nghĩ” về thưởng Tết không chỉ xảy ra riêng ở công ty Thái Anh, một số doanh nghiệp ngành may mặc, da giày trên địa bàn TP. Hà Nội cũng cho biết, dù cố gắng nhưng mức thưởng cũng chỉ vài trăm nghìn đồng “cho đỡ tủi”.
Một số doanh nghiệp kêu khó, nhiều doanh nghiệp khác lại cho biết không thể thưởng Tết cho người lao động. Theo báo cáo Ban quản lý các khu chế xuất và các khu công nghiệp TP HCM mới công bố thì có 15 doanh nghiệp cho biết sẽ không có “đồng” nào chi cho thưởng Tết.
Sang tháng 1/2015 là thời điểm nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước bắt đầu công bố kết quả kinh doanh năm 2014 và các khoản tiền thưởng Tết cho cán bộ công nhân viên. Nhiều doanh nghiệp có mức thưởng khá cao vì làm ăn có lãi như Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex).
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, mức thưởng Tết thấp nhất của các công ty thuộc tập đoàn 1,5 tháng lương, còn các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả như Tổng công ty Việt Tiến, công ty Việt Thắng mức thưởng Tết 2-3 tháng lương (khoảng 20 triệu đồng/người).
Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn của Vinatex cũng tiến hành tặng quà, thăm hỏi công nhân có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ tiền tàu xe cho người lao động về quê ăn Tết, trợ cấp cho 673 công nhân lao động và công nhân khuyết tật với tổng số tiền hơn 206 triệu đồng.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lỗ “khủng” vẫn cố gắng thưởng Tết cho người lao động. Năm 2014, Vinalines lỗ khoảng 1.625 tỷ đồng theo tỷ lệ vốn góp của Vinalines tại các doanh nghiệp. Mặc dù số lỗ khá lớn song theo ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Vinalines, năm 2014 doanh nghiệp vẫn trả đủ lương cho cán bộ, nhân viên. Mức thưởng Tết âm lịch tới đây trong toàn tổng công ty đạt mức trung bình 10 triệu đồng mỗi người. Trước đó, khoản thưởng này với Tết dương lịch là 5 triệu đồng.
Không chỉ đối với doanh nghiệp nhà nước, nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng cho biết, dù khó mấy cũng cố gắng thưởng Tết cho người lao động như trường hợp công ty xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình. Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch công ty này cho biết, thưởng Tết vừa để động viên, khuyến khích tinh thần lao động của “anh em”, vừa là khoản để trang trải trong dịp Tết nên dù ít nhiều năm nào cũng phải có. “Năm nay làm ăn khó khăn hơn những chúng tôi vẫn duy trì mức thưởng bằng năm ngoái là 1 tháng lương”, ông Hải nói.
Theo Bizlive