Tăng trưởng chậm là tín hiệu tốt cho Trung Quốc

Thứ tư, 21/01/2015, 16:48
Các chuyên gia cho rằng dù nền kinh tế xuất siêu của Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nước này đang trải qua giai đoạn thay đổi cấu trúc, giúp đảm bảo phát triển trong dài hạn.

Hôm qua (20/1), Trung Quốc công bố số liệu cho thấy tăng trưởng năm 2014 chỉ đạt 7,4%, chậm nhất 24 năm. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1998, nước này không đạt được mục tiêu.

Năm ngoái, kinh tế Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5%. Đa số nhà phân tích trước đó nhận định nước này sẽ không đạt mục tiêu. Họ cho rằng một số lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc sẽ không kịp ứng phó với sự thay đổi.

"Trung Quốc tăng trưởng chững lại là điều khá hiển nhiên", Chan Hin-ling - Giáo sư kinh tế tại đại học Baptist (Hong Kong, Trung Quốc) nhận định. "Trong 5 năm qua, tăng trưởng của Trung Quốc phụ thuộc vào đầu tư. Tiêu dùng không cao, nhưng kinh tế nước này tăng trưởng mạnh nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, như khai khoáng và bất động sản. Hiện vấn đề nghiêm trọng của nước này là năng suất dư thừa, không thể tăng trưởng nhờ đầu tư nữa", ông nói thêm.

china-2-7952-1421813932.jpg

Một khu phố ma tại Thiên Tân (Trung Quốc). Ảnh: AFP

Hiện lĩnh vực đáng lo ngại nhất là thị trường bất động sản và xây dựng. Những năm gần đây, ngành này đã vay mạnh từ các ngân hàng cả trong và ngoài nước. Vụ vỡ nợ gần đây của công ty xây dựng Kaisa, cùng sự xuất hiện của "những thành phố ma" đã làm dấy lên lo ngại về đợt điều chỉnh trên thị trường nhà đất.

"Bất động sản không còn là cỗ máy thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc nữa. Chính quyền Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào doanh thu bán đất và đang gặp phải nhiều vấn đề về ngân sách. Vì vậy, trong nhiều năm tới, họ sẽ còn phải chịu nhiều áp lực hơn", Xu Xinpeng - Giáo sư kinh tế tại Đại học Polytechnic (Hong Kong, Trung Quốc) nhận định.

Các ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Trung Quốc cũng đang chịu sự giám sát gắt gao hơn từ chính quyền, với các biện pháp xử phạt cứng rắn. "Vấn đề môi trường là một trong những rào cản lớn nhất đối với kinh tế Trung Quốc. Nhiều báo cáo cho thấy đây là một phần nguyên nhân khiến người giàu rời bỏ nước này", Xu nói.

"Giải quyết vấn đề môi trường đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất của nhiều ngành sẽ đội lên. Vì vậy, đây sẽ là rào cản với nhiều doanh nghiệp. Trong trung hạn, vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất. Nhưng về dài hạn, điều này là cần thiết cho Trung Quốc", Xu nhận định. 

Bên cạnh đó, dù số việc làm trong ngành sản xuất giảm làm tăng rủi ro biến động kinh tế với Trung Quốc, ảnh hưởng của việc này sẽ được bù đắp bởi xu hướng đô thị hóa và nhu cầu ngành dịch vụ tăng cao. "Khi không thể tạo ra việc làm quy mô lớn dựa vào xuất khẩu, bạn cần phải tìm cách hấp thụ những lao động này. Tín hiệu tốt là đô thị hóa sẽ tạo ra nhu cầu lớn cho ngành dịch vụ tại các thành phố vừa và nhỏ. Khi nhu cầu nội địa lớn, dịch vụ sẽ là một ngành tạo lao động tốt và người ta sẽ đổ xô vào những ngành này”, Larry Qiu, giáo sư trường Kinh tế - Tài chính thuộc đại học Hong Kong nhận định.

International Business Times nhận định việc các doanh nghiệp Trung Quốc có thể cải tiến thực sự, chứ không chỉ đơn giản bắt chước doanh nghiệp nước ngoài, sẽ là yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế xuất siêu sang nền kinh tế dựa vào tiêu thụ. "Đây là một trong những thách thức lớn nhất mà chính phủ Trung Quốc phải cân nhắc một cách nghiêm túc. Nó không chỉ là thách thức về kinh tế. Các công ty nước này cần được khuyến khích nghiên cứu và sáng tạo", Qiu nói.

"Tăng trưởng trên 7,5% là điều không thể, ở khoảng 7-7,5% là điều rất tốt. Nhưng nếu dưới 7% sẽ là một thảm họa", Qiu nói.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn