Nghịch lý chuyện đổ bỏ 4 tấn sữa/ngày của Dalat milk

Thứ tư, 21/01/2015, 14:18
Nơi thì đổ sữa tươi đi. Nơi lại trồng thêm cỏ, xây thêm chuồng, nhập thêm bò, mà chưa biết ngày nào mới cho ra sữa.

Nhà máy sữa và trang trại chăn nuôi công nghệ cao của Dalat Milk trên diện tích 548 ha tại xã Tura, Huyện Đơn Dương, Tỉnh Lâm Đồng.

Nhà máy sữa và trang trại chăn nuôi công nghệ cao của Dalat Milk trên diện tích 548ha tại xã Tura,
Huyện Đơn Dương, Tỉnh Lâm Đồng.

Nhiều người chắc hẳn đã giật mình trước thông tin khẳng định mới đây của đại diện Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt (Dalat Milk - Lâm Đồng) trong buổi làm việc với trên 100 hộ chăn nuôi bò sữa mà trước đó công ty này đã ký hợp đồng thu mua, diễn ra vào chiều 15/1, "Mỗi ngày Dalat milk phải đổ bỏ từ 3,5-4 tấn sữa".

Những nghịch lý

Trong khi người người nhà nhà "được" nghe khuyến cáo về chuyện "người Việt thấp còi nhất khu vực" và "cần nâng cao tầm vóc", thì sữa - giải pháp được cho là giúp cải thiện chiều cao và thể chất cho thế hệ tương lai - đang bị đổ ra đường ở cao nguyên Lâm Viên.

Trên thực tế, thanh niên Việt Nam đang có chiều cao, thể lực và cân nặng thấp hơn nhiều so với chuẩn quốc tế và đang trong nhóm "hạt tiêu" của khu vực. Thông tin từ Uỷ Ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, chiều cao nam thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 163,7cm (thấp hơn 13,1cm so với chuẩn) và chiều cao trung bình của nữ Việt Nam là 153cm (thấp hơn 10,7cm so với chuẩn).

Những nỗ lực của Chính phủ và các nhà sản xuất trong việc kích cầu đang là yếu tố hỗ trợ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường sữa, với nhiều chiến dịch quảng cáo, như cung cấp sữa cho trẻ em nông thôn và các chương trình khuyến mại.

Theo báo cáo từ Tổng cục thống kê năm 2014, giá trị sữa và các sản phẩm sữa nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 1,098 tỷ USD. Con số này đã duy trì "ổn định" trong nhiều năm nay.

Còn ngay ở nơi được xem là lý tưởng bậc nhất cho chăn nuôi bò sữa ở xứ nhiệt đới như Việt Nam, mỗi ngày đang có hàng tấn sữa tươi bị đổ ra đường.

Năm 2014 cũng là năm sôi động trong cuộc đua cung nguyên liệu sữa tươi. Nhiều đại gia bắt đầu trồng cỏ, nhập bò, xây nhà máy mới. Từ doanh nghiệp kỳ cựu lớn nhất ngành là Vinamilk cho đến TH Milk, Nutifood hay các doanh nghiệp ngoại như Friesland Campina Vietnam hay Dairymilk. Lúc mà Dalat milk đổ vài tấn sữa mỗi ngày thì doanh nghiệp khác đang chật vật trên chặng đường dài với đủ việc: trồng thêm cỏ, xây thêm chuồng, nhập thêm bò, mà chưa biết ngày nào mới cho ra sữa.

Trở lại với Dalat milk

Với khí hậu và thổ nhưỡng lý tưởng, bò sữa được người Pháp nuôi ở Lâm Đồng rất sớm, từ cuối thế kỷ 19. Sau năm 1975, tỉnh này được quy hoạch thành "Thủ phủ ngành chăn nuôi phía Nam" (cùng với Mộc Châu - Sơn La ở phía Bắc).

Công ty giống bò sữa Lâm Đồng (tiền thân của Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt) được chọn làm hạt nhân cho chương trình phát triển bò sữa của tỉnh Lâm Đồng. Nhà máy sữa và trang trại chăn nuôi công nghệ cao của Dalat milk được xây năm 2007 trên diện tích 548ha tại xã Tura, huyện Đơn Dương.

Theo thống kê của Cục chăn nuôi, hiện đàn bò sữa Việt Nam là hơn 180 ngàn con, chỉ mới có thể cung ứng 420.000 tấn sữa nguyên liệu, tương đương khoảng 28% tổng nhu cầu năm 2013. Trong khi đó, riêng huyện Đơn Dương đã có 8.848 con bò sữa, số đàn bò đang cho sữa khoảng 4.000 con, sản lượng sữa tươi đạt 70 tấn mỗi ngày. Có 3 doanh nghiệp đang thu mua sữa tại địa phương này gồm Dalat milk, Vinamilk và Cô Gái Hà Lan.

Nghịch lý chuyện đổ bỏ 4 tấn sữa/ngày của Dalat milk (2)

Lý giải việc đổ bỏ sữa tươi gần đây được đại diện Dalat milk đưa ra là: "Mỗi ngày nhà máy chế biến sữa của công ty hoạt động hết công suất cũng chỉ chế biến tối đa là 8 tấn sữa. Trong khi đó, lượng sữa nguyên liệu thu mua vào từ các hộ chăn nuôi lên tới trên 12 tấn. Thu mua hết lượng sữa cho những hộ đã ký hợp đồng, mỗi ngày Dalat milk phải đổ bỏ từ 3,5-4 tấn sữa".

"Chúng tôi hết sức xin lỗi người chăn nuôi và mong muốn được bà con chia sẻ trước khó khăn này”, vị này cho hay.

Sữa hiện là ngành tăng trưởng rất tốt những năm gần đây, và được dự đoán là tiếp tục giữ phong độ này trong vài năm tới.

Nghịch lý chuyện đổ bỏ 4 tấn sữa/ngày của Dalat milk (1)

Doanh thu ngành sữa Việt Nam hiện chủ yếu đến từ 2 phân khúc chính là sữa bột và sữa uống. Hai phân khúc này chiếm 74% thị trường sữa với 45,9 nghìn tỷ đồng (2,2 tỷ USD) doanh thu.

Sữa bột là nhóm sản phẩm chủ lực và có giá trị cao nhất của toàn ngành (45%). Kế đến là sữa nước (29%). Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, do nhiều yếu tố như khí hậu, thổ nhưỡng và các điều kiện khác (về chuồng trại, con giống, vốn đầu tư công nghệ), sữa nước ở Việt Nam (sữa tươi và sữa hoàn nguyên) vẫn chưa hoàn toàn chủ động được về nguyên liệu đầu vào.

Theo Tri Thức

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích