100 triệu USD cho thương vụ Nguyễn Kim, rẻ hay đắt?

Thứ năm, 22/01/2015, 14:37
Đầu năm 2015, thị trường điện máy "xôn xao" với thương vụ mua lại 49% cổ phần Nguyễn Kim của tập đoàn bán lẻ số 1 Thái lan Central Group...

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên mọi thông tin chi tiết xung quanh thương vụ này vẫn là thông tin bí ẩn, khi mà cả hai phía Central và Nguyễn Kim đều từ chối bình luận.

Những thông tin về thương vụ chỉ được mô tả ngắn gọn trong một bản báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Bualuang - Thái Lan về Công ty Robinson Department Store, một đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan.

Một thông tin khá quan trọng được nêu trong báo cáo này là Power Buy, đơn vị hiện do Robinson Department Store nắm 40% cổ phần – đã mua lại 49% cổ phần CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT.

Theo Bualuang thì Công ty NKT hiện đang sở hữu 100% cổ phần của CTCP Thương mại Nguyễn Kim, đơn vị hiện đang quản lý chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Sau giao dịch, Power Buy sở hữu 49% cổ phần NKT và các cổ đông hiện hữu của NK Trading sở hữu 51% NKT.

Cả Nguyễn Kim và Central Group đều khá "kín tiếng" khi được hỏi chi tiết về thương vụ này, "chúng tôi chỉ đưa ra bình luận sau khi có thông cáo báo chí chính thức", đại diện truyền thông của Central Group cho hay.

Đâu là nguyên nhân khiến Nguyễn Kim từ vị trí số 1 ngành bán lẻ điện máy Việt Nam phải bán cổ phần cho đối tác khác, và thương vụ này có "thuận mua vừa bán"?

Khi thực tế khác kỳ vọng

Trong những năm gần đây, tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận của Nguyễn Kim liên tục chững lại dù họ đã xoay sở với nhiều cách thức kinh doanh khác nhau. Trong giới kinh doanh bán lẻ điện máy, ai cũng hiểu rằng tỷ suất lợi nhuận của ngành này không cao chỉ rơi vào khoảng 2 - 5% và giải pháp duy nhất để tồn tại là phải mở rộng quy mô, và Nguyễn Kim không phải là ngoại lệ.

Năm 2011, Nguyễn Kim đạt doanh thu 400 triệu USD, tăng 30% so với năm 2010, lọt top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương.

Lãnh đạo Nguyễn Kim đã từng chia sẻ trên báo chí một kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng, đó là tới năm 2015 sẽ đưa doanh thu đạt 2 tỷ USD, tăng trưởng bình quân 50% mỗi năm, chiếm lĩnh 30-40% thị phần cả nước.

Nhưng đến nay, kế hoạch này vấp phải khó khăn lớn khi doanh thu hầu như chững lại, ngoài bối cảnh sức mua của thị trường giảm sút do suy thoái kinh tế, chiến lược mở rộng mô hình kinh doanh của Nguyễn Kim cũng gặp khó khăn lớn khi không cạnh tranh được với các đối thủ khác.

Trong khi ngành điện máy vẫn tăng trưởng đều thì Nguyễn Kim lại chững lại từ một vài năm nay

Nỗ lực mở rộng hệ thống của Nguyễn Kim cũng được thực hiện mạnh mẽ vào năm 2011, khi rầm rộ khai trương 5 siêu thị mang tên Thế giới số 24G chuyên phân phối các sản phẩm của Nokia, Samsung, LG, HTC... với mô hình “trải nghiệm trước, mua sắm sau”.

Không giấu giếm tham vọng, mô hình này còn được Nguyễn Kim dự định phát triển thành chuỗi 100 cửa hàng trên toàn quốc với một chiến lược kinh doanh bài bản trong vài năm tới. Thế nhưng, chỉ sau vài tháng hoạt động không hiệu quả, để tránh thua lỗ, Nguyễn Kim đã buộc phải dọn dẹp mô hình Thế giới số 24G để quay về với mảng kinh doanh cốt lõi - điện tử gia dụng.

Nguyễn Kim càng khó khăn hơn khi đẩy mạnh đầu tư đa ngành bằng việc san sẻ vốn vào các lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, du lịch... Một số công ty Nguyễn Kim góp vốn đầu tư như Docimexco, Angimex, Hoàn Mỹ lợi nhuận đều sụt giảm rất nhanh kể từ năm 2012, thậm chí còn rơi vào tình cảnh thua lỗ nặng.

Đầu tư lớn trong giai đoạn 2012 - 2013, song kết thúc năm tài chính 2013, doanh thu của Nguyễn Kim mới đạt hơn 8.400 tỷ đồng, còn cách xa mục tiêu tăng trưởng 50% mỗi năm cũng như con số 40.000 tỷ đồng cho năm 2015.

Điều này cho thấy rằng, để phát triển thành nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam không hề dễ dàng, tuy đứng đầu nhưng không có gì đảm bảo tuyệt đối cho vị trí đó. Năm 2011, doanh thu của Nguyễn Kim đạt 6.400 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 320 tỉ đồng và từng bỏ xa những doanh nghiệp cùng ngành.

Tuy nhiên, đến năm 2014, dù doanh thu tăng lên 8.438 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế vẫn chỉ đạt 352 tỉ đồng. Việc chậm mở rộng khiến Nguyễn Kim bị Thế giới di động vượt mặt, và bị nhiều tên tuổi điện máy khác áp sát.

100 triệu USD là hợp lý

Từ giữa năm 2014, thông tin về việc Nguyễn Kim bán cổ phần cho đối tác ngoại đã được giới đầu tư rỉ tai nhau, việc bán cổ phần này nằm trong kế hoạch kêu gọi đối tác ngoại của Nguyễn Kim giai đoạn 2011 - 2015 đã được chia sẻ với các nhà cung cấp.

Giá trị chính xác của thương vụ với Central Group không được tiết lộ. Tuy nhiên, theo thông tin trong giới bán lẻ điện máy, số tiền Central Group phải trả để sở hữu 49% cổ phần của Nguyễn Kim vào khoảng 100 triệu USD.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, con số 100 triệu USD cho thương vụ này được coi là hợp lý, không rẻ cũng không đắt.

Ông Tô Chính Nghĩa, giám đốc chiến lược của một chuỗi siêu thị điện máy lớn phía Bắc cho biết, thông thường có 3 cách định giá thường áp dụng cho các doanh nghiệp. Với DN đã niêm yết thì lấy giá trên sàn và thỏa thuận với nhau theo các kỳ vọng và điều kiện tham chiếu.

Với các DN chưa niêm yết, việc có thể tính bằng cách lấy ba công ty tham chiếu để đưa ra mức giá trung bình. Cách cuối cùng là lấy bằng 10 đến 15 lần lãi trung bình của DN này trong 3 năm gần nhất.

"Xét thời điểm đàm phán, có thể thấy tình hình hơi bất lợi cho Nguyễn Kim vì thị trường điện máy không khởi sắc, doanh thu và lợi nhuận của công ty cũng đã sụt giảm so với giai đoạn trước, vì vậy không dễ để đưa ra được mức giá cao", ông Nghĩa nhận định.

Với thực lực của Nguyễn Kim và những trải nghiệm Bắc tiến sau 7 năm qua, có lẽ Nguyễn Kim hiểu được tới hạn của mình và chỉ có thể phát triển khi được M&A.

"M&A là con đường duy nhất để Nguyễn Kim tiếp tục phát triển, và chỉ có đối tác ngoại mới có khả năng mua cổ phần của công ty với mức giá đó, còn các công ty nội sẽ khó trả được mức giá cao như vậy", ông Nghĩa nhận định.

Với một Nguyễn Kim không có nhiều tiềm năng như Thế giới di động, quyết định bán vào thời điểm này là hợp lý. Nếu chần chừ thêm một vài năm nữa, định giá Nguyễn Kim thậm chí có thể giảm xuống rất nhiều.

Trả lời tờ Nhịp Cầu Đầu Tư, ông Trần Vinh Dự của TNK Capital cho rằng, nếu căn cứ vào hệ số giá trên thu nhập P/E của Nguyễn Kim thì giá trị thương vụ này là không đắt mà cũng không rẻ. Bởi với mức giá 100 triệu USD cho 49% cổ phần và lợi nhuận sau thuế là 352 tỉ đồng thì P/E (giá trị thị trường/thu nhập) của Nguyễn Kim là lớn hơn 10, ở mức trung bình.

Tuy nhiên, theo ông Dự, P/E cũng chỉ là một trong trong nhiều phương pháp đo lường để định giá. Yếu tố quan trọng nhất để định giá là căn cứ vào EBITDA. Đây là một chỉ tiêu đánh giá tỉ suất sinh lợi của doanh nghiệp, bằng thu nhập trừ các chi phí, nhưng chưa trừ tiền trả lãi, thuế và khấu hao. “Biết được chỉ số này thì mới biết là Nguyễn Kim bán được giá hay không”, ông Dự nhận định.

Còn theo ông Tô Chính Nghĩa, lần tái cấu trúc này cho thấy Nguyễn Kim nhiều khả năng sẽ tập trung vào lĩnh vực khác và điện máy không còn là ưu tiên trong chiến lược của Nguyễn Kim.

Ngoài điện máy, Nguyễn Kim còn tham gia vào hai lĩnh vực là lương thực và kinh doanh dược phẩm. Tuy nhiên, mảng lương thực của công ty phát triển không tốt từ mấy năm nay.

Thương vụ giữa Central Group và Nguyễn Kim sẽ giúp tận dụng thế mạnh của hai bên phát triển mảng bán lẻ tại thị trường Việt Nam, và tiến xa hơn trong khu vực. Hiện Nguyễn Kim có 21 siêu thị điện máy trên khắp cả nước. Ngoài thương vụ với Nguyễn Kim, Central Group VN cũng đã phát triển hệ thống trung tâm thương mại Robins ở TP.HCM và Hà Nội.

Nhận định về xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới, ông Nghĩa cho rằng tái cấu trúc sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong 2015 và 2016, sau đó thị trường sẽ thấy rõ được "ai còn và ai mất".

"Các doanh nghiệp ngoại đến Việt Nam không phải là điều gì xấu, do đó chúng ta nên suy nghĩ theo hướng tích cực hơn để đón nhận sự đầu tư và hợp tác cùng phát triển".

Theo Tri Thức

Các tin cũ hơn