Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - khẳng định: “Trong hoạt động hàng không, yếu tố con người đóng vai trò quyết định, cùng với đó là những yếu tố về quản trị, thị trường, vốn, trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ, môi trường kinh doanh… Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực hàng không chưa thực sự đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Một trong những nguyên nhân là hệ thống đào tạo nhân lực cho ngành còn bất cập về năng lực, cả về thiết bị lẫn người dạy”.
“Nguồn nhân lực phát triển chưa bền vững, chất lượng đào tạo và huấn luyện còn nhiều hạn chế, hệ thống cơ sở đào tạo về hàng không chưa được quy hoạch tổng thể, năng lực của các cơ sở đào tạo về hàng không còn nhiều bất cập cả về trang thiết bị và con người, có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo, huấn huyện, nhân viên hàng không.
Bằng chứng là thời gian gần đây, những sự cố hàng không nghiêm trọng xảy ra đều do yếu tố con người, như: Mất điện tại Trung tâm Kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh, máy bay quân sự và dân sự vi phạm phân cách an toàn bay, rơi ốp làm mát máy bay…” - Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho hay.
Một tổ bay của VietJet Air đang hội ý trước khi lên máy bay, đây là quy trình
bắt buộc trong hoạt động khai thác hàng không
Hiện nay, ngoại trừ phi công phải đào tạo một phần hoặc hoàn toàn ở nước ngoài, các chuyên ngành khác trong ngành hàng không đều có cơ sở đào tạo ở trong nước. Tổng cộng, hiện có 13 cơ sở được Cục Hàng không Việt Nam cấp chứng nhận đủ điều kiện đào tạo huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không.
Trong đó, Vietnam Airlines có 5 cơ sở đào tạo, Tổng công ty Cảng và Tổng công ty quản lý bay có 7 cơ sở (chủ yếu đào tạo nghề cho doanh nghiệp), và công ty cổ phần Bay Việt. Ngoài ra, có 4 cơ sở được Cục phê duyệt khóa đào tạo là Học viện Hàng không, Vietjet, Jetstar Pacific và Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex. Bên cạnh đó, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và TP HCM có khoa đào tạo kỹ sư hàng không, mỗi năm cung cấp một lượng khá lớn nhân lực cho ngành.
Trên thực tế, Học viện Hàng không hiện là trường đào tạo về hàng không lớn nhất cả nước, với ngành học đa dạng. Tuy nhiên, ông Dương Cao Thái Nguyên - Hiệu trưởng Học viện Hàng không - cũng phải thừa nhận “chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu”.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết toàn bộ phi công của Vietnam Airlines đều được đào tạo cơ bản ở nước ngoài với chi phí khoảng 100.000 USD/học viên (khoảng hơn 2 tỷ đồng, bằng nguồn vốn của hãng hoặc xã hội hóa), sau đó phải tốn thêm khoảng 30.000 USD để chuyển loại mới có thể trở thành lái phụ cho các loại máy bay hãng đang khai thác.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Tâm - Phó Tổng Giám đốc VietJet Air - cho biết, hãng đang thực hiện đào tạo phi công theo chính sách xã hội hóa với học phí tự túc khoảng 60.000 USD và người học phải trả thêm 99 triệu đồng cho nhà quản lý tổ chức khóa học.
“Với những yêu cầu khắt khe về trình độ ngoại ngữ, sức khỏe, có khoảng 15-20% học viên “rớt” giữa chừng. Bài toán kinh tế đào tạo quá lớn là lý do ít gia đình có điều kiện cho con em đi học phi công. Các hãng hàng không đang trong giai đoạn tăng trưởng cao, nhu cầu tuyển phi công, tiếp viên rất lớn nhưng nguồn ở đâu là câu hỏi vô cùng khó” - ông Nguyễn Đức Tâm cho hay.
Cũng theo ông Tâm, với thợ kỹ thuật tàu bay (kỹ thuật cao), VietJet Air đang xúc tiến tuyển dụng học viên kỹ thuật về đào tạo bổ sung, nhưng thợ kỹ thuật sau khi đào tạo cần kinh nghiệm làm việc từ 5-10 năm mới đáp ứng được yêu cầu.
79 học viên phi công bị lừa tại Mỹ
Vừa qua, gia đình của 79 học viên phi công người Việt Nam tại Mỹ (trong đó có 21 học viên là nhân sự của VietJet Air) vừa có đơn kêu cứu lên Bộ Giao thông Vận tải vì bị lừa tiền.Các học viên này nộp đơn đi học tại Ahart - cơ sở đào tạo phi công, mỗi học viên đã nộp khoảng 85.000 USD gồm tiền học phí và thuê nhà. Cuối năm 2014, Ahart đóng cửa, chủ cơ sở này là một người Việt tên là Nguyễn Đức Minh đã bỏ trốn, học viên bị đuổi ra khỏi nơi cư trú vì trường không nộp tiền.
Việc đào tạo phi công tiêu tốn hàng tỷ đồng, nhưng không phải xong khóa
đào tạo là phi công có thể được lái máy bay
Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã liên hệ với Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và được thông báo Giấy chứng nhận tổ chức huấn luyện của Ahart đã bị chấm dứt hiệu lực từ tháng 7/2013. Sau đó, Ahart đã 2 lần tiến hành thủ tục đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận nhưng không đáp ứng được một số quy định tại Quy chế An toàn hàng không Liên bang Mỹ nên FAA đã đình chỉ hoạt động của trung tâm này từ tháng 10/2014.
“Tính đến thời điểm đó có 79 học viên người Việt Nam đang theo học tại Ahart, chỉ có 6 học viên đã tốt nghiệp, có bằng phi công thương mại. Số còn lại đang học dở dang hoặc chưa được FAA kiểm tra, cấp bằng. Đối với 6 phi công đã có bằng lái, Cục Hàng không Việt Nam đã thành lập Hội đồng kiểm tra chất lượng và đánh giá trình độ nhưng chỉ có 1 học viên tham dự” - Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho hay.
Được biết, VietJet Air đã cử cán bộ sang Mỹ giải quyết vụ việc và hỗ trợ kinh phí (10.000 USD/người). Đối với học viên tự túc, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Vietnam Airlines hỗ trợ 50% kinh phí để học tiếp tại cơ sở đào tạo khác, sau này về làm việc tại Vietnam Airlines sẽ trừ dần vào lương. Cách thức này vừa tháo gỡ khó khăn cho học viên, vừa bổ sung nguồn nhân lực cho Vietnam Airlines đang thiếu. Vietnam Airlines đã chấp nhận ứng trước 50% học phí cho các học viên có nhu cầu với điều kiện phải có đơn đề xuất và có bảo lãnh của ngân hàng để trường hợp kết quả học tập hoặc tuyển dụng không đáp ứng được yêu cầu, học viên phải hoàn trả số tiền Vietnam Airlines đã hỗ trợ.