Topcare – một thương hiệu siêu thị điện máy ở Hà Nội vừa gây bất ngờ với việc ngừng bán hàng tại hàng loạt các siêu thị, kể cả siêu thị tại địa chỉ số 1 Hoàng Minh Giám vừa mới khai trương ngày 01/11/2014 vừa qua.
Động thái này của Topcare liệu có phải là sự hụt hơi trong cuộc chạy đua gay gắt với các siêu thị điện máy khác trên thương trường, hay thậm chí do mâu thuẫn nội bộ trong chính doanh nghiệp? Trước tình hình ban lãnh đạo của công ty chưa xuất đầu lộ diện công bố thông tin chính thức, rất nhiều câu hỏi đã được dư luận đặt ra.
CTCP Đầu tư và thương mại Ngôi Sao Châu Á, Topcare và sự thoái vốn của cổ đông sáng lập
Vào tháng 9/2008, CTCP Đầu tư và thương mại Ngôi Sao Châu Á - chủ quản của Topcare - chính thức ra mắt tại điểm bán hàng đầu tiên là Trung tâm chiếu phim Quốc gia 87 Láng Hạ với mặt hàng kinh doanh là các sản phẩm mỹ phẩm trung và cao cấp.
Năm 2009, trước sức nóng của thị trường tiêu dùng điện máy, Ban lãnh đạo công ty đã quyết định chuyển mô hình kinh doanh sang các mặt hàng này và theo đó, cho ra đời hệ thống siêu thị điện máy Topcare.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, căn cứ theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần 8 ngày 10/1/2014,của CTCP Đầu tư và thương mại Ngôi sao châu Á từ Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội, với số vốn điều lệ 36 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính của công ty là kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, công ty đăng ký 37 ngành nghề khác trong đó có bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm và thiết bị điện tử, linh kiện viễn thông.
Đáng chú ý nhất trong giấy đăng ký kinh doanh này, ba cổ đông sáng lập của Topcare gồm các ông Ngô Việt Dũng, Trần Việt Hải và Trần Trung Chính (Tổng giám đốc) đều đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình.
Bên cạnh đó, Topcare đã có nhiều thay đổi thể hiện việc tái cơ cấu công ty. Vào tháng 7/2014, Topcare bất ngờ thay đổi logo khi dùng chữ “O” cách điệu hình con sóng “na ná” logo của CTCP Tập đoàn Đại dương (Ocean Group). Điều này đã làm dấy lên nghi vấn Ocean Group chính thức thâu tóm, tiếp quản Topcare từ CTCP Đầu tư và Thương mại Ngôi sao Châu Á. Tuy nhiên ngay sau đó, Ocean Group đã bác bỏ thông tin này.
Tái cấu trúc, đổi chủ hay mâu thuẫn nội bộ?
Việc Topcare đồng loạt tạm thời ngừng bán hàng với lý do kiểm kê, sắp xếp hàng hóa như các nhân viên bảo vệ thông báo khiến người ta nhớ lại vụ việc về Công ty Nhóm Mua vào năm 2012. Những mâu thuẫn nội bộ giữa ông Tom Trần, người sáng lập công ty và Hội đồng quản trị đã khiến công ty này tê liệt trong một thời gian. Một ngày, trụ sở công ty bất ngờ đóng cửa, Website không còn một dịch vụ nào và voucher mua hàng đã bị từ chối tại nhiều cửa hàng.
Bất ngờ tương tự tại Topcare không thể không khiến dư luận nghi ngờ về một sự mâu thuẫn trong nội bộ công ty.
Song biết đâu Topcare đã đổi chủ và chỉ tạm thời đóng cửa để tái cơ cấu? Việc các cổ đông sáng lập của Topcare đã thoái vốn hoàn toàn có thể củng cố cho giả thiết này. Thời gian gần đây, nhiều hệ thống siêu thị bán lẻ cũng đã phải đổi chủ như Oceanmart của Ocean Group chuyển cho Vingroupvà đổi tên thành Vinmart.
HayCTCP Sơn Hà thoái vốn hoàn toàn khỏi CTCP Hiway Việt Nam– đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Hiway và mới đây siêu thị này đổi tên thành Sapomart. Một thương hiệu khác trong thị trường điện máy là Nguyễn Kim cũng vừa bán 49% cổ phần cho Power Buy– một đơn vị thuộc tập đoàn Central Group của Thái Lan.
Ông Vũ Vinh Phú – chủ tịch Hội Siêu thị thành phố Hà Nội có nói, trên thị trường nào cũng vậy, sự cạnh tranh không lành mạnh luôn xảy ra. Doanh nghiệp Việt sẽ không chỉ đối đầu với những ông lớn trên thế giới mà còn với những đối thủ nội địa khác.
Với làn sóng gia nhập của các Tập đoàn bán lẻ quốc tế vào Việt Nam, doanh nghiệp bán lẻ nội địa sẽ chịu áp lực vô cùng, thậm chí sẽ bị loại bỏ nếu không có phương thức quản trị tiên tiến và chỉ cạnh tranh bằng giá mà ít chú ý đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ khách hàng.
Theo Infonet