Hệ thống Topcare đóng cửa: Hệ quả của cạnh tranh liều lĩnh

Thứ hai, 26/01/2015, 11:01
“Việc Topcare đóng cửa là hệ quả tất yếu của sự chạy đua liều lĩnh trên thị trường điện máy cạnh tranh khốc liệt”.

Giám đốc một doanh nghiệp điện máy (yêu cầu không nêu tên) đã từng phải rời từ thị trường kinh doanh điện máy từ 5 năm trước phân tích.

“Cố quá” thành “quá cố”?

Ngày 23/1, công ty CP đầu tư và thương mại Topcare chính thức thông báo tạm thời đóng cửa siêu thị với lý do: "Hiện tại, siêu thị đang sửa chữa bên trong". Một loạt các siêu thị thuộc hệ thống bán lẻ điện máy Topcare tại địa chỉ 335 Cầu Giấy, 463 Minh Khai và số 1 Hoàng Minh Giám (quận Thanh Xuân, Hà Nội) theo đó đều đóng cửa, dừng bán hàng gây bất ngờ cho nhiều khách hàng.

Đáng chú ý, siêu thị Topcare số 1 Hoàng Minh Giám (Thanh Xuân) vừa khai trương được 2 tháng với số vốn đầu tư 30 tỷ đồng, triển khai nhiều hoạt động khuyến mãi gây sốc trên thị trường, cũng không ngoại lệ. Hiện tại, ở đây chỉ còn một bảo vệ làm nhiệm vụ thông báo "đóng cửa vô thời hạn" tới khách hàng. Trước khi đóng cửa đột ngột, nhiều người dân ở xung quanh siêu thị này cho biết, khách ra vào siêu thị khá tấp nập để mua hàng giá rẻ. Chỉ từ giữa năm 2014 đến thời điểm đóng cửa là khách đến siêu thị bắt đầu thưa vắng.

Chuyên gia kinh tế thương mại Phạm Tất Thắng cho biết, kinh tế khó khăn, sức mua giảm sút, siêu thị điện máy cũng là doanh nghiệp, nếu kinh doanh không hiệu quả thì đóng cửa là bình thường.

Tuy nhiên, lĩnh vực điện máy đang có quá nhiều bất ổn trong kinh doanh. Thực tế, vài năm trở lại đây, hấp lực thị trường với điện máy đã giảm mạnh, nhưng các siêu thị điện máy vẫn liên tục chạy đua giảm giá, khuyến mãi, mở rộng kinh doanh để rồi rơi vào thua lỗ trầm trọng, không “đỡ” nổi và phải ngừng hoạt động.

Ngày 23.1, công ty CP đầu tư và thương mại Topcare chính thức dán thông báo tạm thời đóng cửa siêu thị.

Ngày 23/1, công ty CP đầu tư và thương mại Topcare chính thức dán thông báo tạm thời đóng cửa siêu thị.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng phân tích: Không riêng gì ngành điện máy,  mà hầu hết các siêu thị bán hàng chuyên ngành mới bước vào thương trường đều phải sử dụng vốn vay lớn, và dùng ngay chính siêu thị cùng hàng tồn kho để thế chấp vay vốn ngân hàng. Các “ông lớn” này thực chất không có nhiều vốn, thậm chí “âm vốn”. Họ lấy ngay hạ tầng và hàng hóa trong siêu thị-thứ không phải của mình, mà là của nhà cung cấp, để thế chấp vay vốn ngân hàng. Sau đó, trong quá trình kinh doanh, các siêu thị lại đua tranh khuyến mãi, hết khuyến mãi này đến khuyến mãi khác, có khi kéo dài hàng năm trời.

Các siêu thị điện máy cạnh tranh nhau khốc liệt, cứ thấy siêu thị này tung ra chương trình khuyến mãi là siêu thị kia lập tức tung ra chương trình khuyến mãi hấp dẫn hơn để cạnh tranh. “Các ông chủ siêu thị đều căng lên làm ăn, khuyến mãi, với kỳ vọng đối thủ phải lùi bước và bản thân mình sẽ chiếm lĩnh được thị trường. Cuối cùng, nhiều khi do 'cố quá' mà dẫn đến 'quá cố', siêu thị đứng bên bờ vực phá sản, nợ nần, đóng cửa  lúc nào bản thân các ông chủ này cũng không hay”, ông Doanh nói.

Khách hàng phải “chịu trận”…

Đến ngày 25/1, nhiều người vẫn đổ về siêu thị điện máy Topcare 335 Cầu Giấy và ngỡ ngàng trước dòng thông báo trước cửa: “Siêu thị đang sửa chữa bên trong nên đóng cửa sớm, mong quý khách thông cảm”.

Anh Nguyễn Hùng, nhà ở Cầu Giấy (Hà Nội ) cho biết, thời hạn bảo hành của Topcare với chiếc ti vi Sony của anh còn hạn đến tháng 4/2016, nhưng hiện Trung tâm Chăm sóc khách hàng Topcare không còn nghe điện thoại. Anh đến đây mà không biết Topcare bảo hành ra sao khi chiếc ti vi này đang bị trục trặc.

Tại siêu thị điện máy Topcare số 1 Hoàng Minh Giám, nhân viên bảo vệ cho biết: “Điểm bán Hoàng Minh Giám đóng cửa từ 15/1, các mặt hàng trong siêu thị đã được đóng vào thùng chờ ngày đưa đi, nên không thể bảo hành hàng cho khách nữa, mong khách hàng thông cảm”.

Hiện tại, các số máy có thể liên hệ đến Topcare như đường dây nóng (1900.66.96); bán hàng online (043.7678678); Trung tâm Chăm sóc khách hàng (04.32898989); lãnh đạo siêu thị… đều trong tình trạng nhạc chờ, hoặc ngoài vùng phủ sóng.

Không những khách hàng đã mua hàng tại Topcare bị ảnh hưởng mà nhà cung ứng cho Topcare cũng bất bình. Tại khu vực mặt tiền siêu thị Topcare Cầu Giấy đến ngày 25/1 vẫn có băng rôn: “Công ty Hòa Bình - Alaska đề nghị Topcare trả tiền hàng hoặc cho rút hàng trong kho”, cạnh đó là chiếc xe tải của Hòa Bình – Alaska đứng chờ sẵn.

Một người đàn ông tự giới thiệu tên Hà, là đại diện của công ty Hòa Bình-Alaska cho hay, Hòa Bình - Alaska đã gửi các mặt hàng thương hiệu Alaska vào Topcare với số tiền lớn. Thời gian thanh toán đơn hàng đã hết hạn rất lâu, gửi công văn sang công ty Topcare đều không nhận được phản hồi, tìm Ban giám đốc Topcare thì luôn nhận được câu trả lời “Ban Giám đốc không có ở đây”.

Trước đó, nhiều đối tác của Topcare đã đứng trước siêu thị cầm theo băng rôn “Phản đối công ty TNHH & TM Topcare không thanh toán tiền hàng và không cho rút hàng ký gửi”.

Như vậy, lời của ông Lê Tùng - Giám đốc Marketing của Topcare chỉ mới cách đây 2 tháng khi Topcare còn khai trương điểm bán tại số 1 Hoàng Minh Giám, đã khó trở thành sự thật rằng: “Topcare tiếp tục khai trương các siêu thị tiếp theo trong thời gian từ nay đến cuối năm 2015 để đứng ở vị trí dẫn đầu thị trường điện máy phía Bắc”.

Giám đốc một doanh nghiệp điện máy (yêu cầu không nêu tên) đã từng phải rời thị trường kinh doanh điện máy từ 5 năm trước phân tích: “Việc Topcare đóng cửa là hệ quả tất yếu của sự chạy đua liều lĩnh trên thị trường điện máy cạnh tranh khốc liệt”.

Vị này nói: “Các siêu thị điện máy đều đã vấp phải sai lầm là đua nhau mở điểm bán mới để tăng sức mạnh thương hiệu, dìm đối thủ dù kinh tế khó khăn, sức mua của người tiêu dùng liên tục giảm thấp.  Họ cứ gồng mình cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường, để rồi cuối cùng đứng bên bờ vực phá sản lúc nào không hay”, vị giám đốc này phân tích.

Theo thông tin mà nhân viên của Topcare cung cấp, Topcare chạy đua  mở siêu thị, khuyến mại nhưng đến lương của các nhân viên họ cũng nợ. Khá nhiều nhân viên của họ đã nghỉ việc trong nhiều tháng qua.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cũng nhận định, sự ra đi của các “ông lớn” bán lẻ là kết quả của cuộc sàng lọc thị trường, khi mà các điểm bán liên tục được mở ra và phải cạnh tranh gay gắt với nhau trong giai đoạn sức mua thấp.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn