Từng trồng hơn 1 mẫu quất ở bãi Tứ Liên nhưng ông Mạnh thấy lượng khách mua ngày càng giảm, trong khi những vườn đào, cây cảnh trồng dạng bonsai lại được nhiều người rất thích. Nhận thấy xu hướng chơi cây cảnh Tết ngày một thay đổi, ông Mạnh nảy ý tưởng sẽ trồng quất bonsai trên những bình lục nhỏ.
Đau đáu về ý định sẽ đưa cây quất lên chậu, nhưng phải hơn một năm mày mò, nghiên cứu, sau khi kết thúc vụ quất Tết năm 2004, ông mới mạnh dạn thực hiện ý tưởng này.
Ông kể lại, hơn một nửa số tiền thu được từ vụ quất năm ấy được dồn hết để mua gốc quất lâu năm và khai thác thêm những cây khỏe đẹp trong vườn để đưa lên chậu trồng thử nghiệm. Hơn 1 tháng sau, gần 100 gốc quất được cất lên trồng chậu. Tuy nhiên, do lần đầu thử nghiệm, kinh nghiệm chưa nhiều nên vườn quất bonsai chết hơn một nửa, tổn thất đến mấy chục triệu đồng.
Ông Mạnh đang chăm sóc vườn quất bonsai của mình. Ảnh: Ngọc Lan. |
Không nản chí, ông cố gắng tìm cách “cứu” những chậu quất còn lại. Ông cho hay, quất trồng ở vườn, bãi độ thẩm thấu nước, dinh dưỡng tốt, nhưng trồng trong chậu cần phải phân bón, tưới nước nhiều hơn. Quất trồng bãi 1 ngày tưới 1 lần, nhưng quất trồng trong chậu phải tưới đến 3-4 lần, thậm chí những ngày nắng nóng phải tưới 5 lần.
“Quất thân mềm nhưng quả sai và nặng nên trồng trong chậu dễ bị gãy cành. Do đó, người trồng phải khéo léo thả dáng sao cho cây đẹp tự nhiên, không bị gò ép. Ngoài cách uốn nắn dáng cây, việc chọn bình phù hợp cũng mang lại giá trị cho cây", ông Mạnh nói.
Sau mỗi lần thất bại, ông Mạnh dần rút ra được những kinh nghiệm quý báu cho mình. Ông thường xuyên thăm và học hỏi các vườn quất, đào bonsai ở khu vực lân cận. Nhờ sự kiên trì mà theo thời gian, tỷ lệ thành công của vườn quất bonsai cứ thế tăng dần, từ 20% lên đến 40-50%. Theo ông, thành công ở đây không hẳn là cây duy trì phát triển tốt, mà còn phụ thuộc lớn vào dáng dấp của cây như thế nào.
Bà Trần Thị Phương Thư, vợ ông Mạnh tâm sự: “Ngày đi làm nhưng ông ấy vẫn tranh thủ giờ nghỉ trưa để về chăm cây. Tối tối, tôi lại thấy chồng lụi cụi trong vườn, có hôm đến tận khuya mới nghỉ”.
Chậu quất bonsai dê núi đá có giá 3 triệu đồng. Ảnh: Ngọc Lan. |
Sau 9 năm vất vả, số tiền vốn đầu tư cho vườn quất bonsai cũng ngày một lớn dần thì tỷ lệ chậu thành công đến 70%. Đặc biệt trong năm nay, tỷ lệ thành công lên đến 90%. Hiện tại, trong tổng số 400 bình quất bonsai ở vườn nhà ông Mạnh thì đến gần 300 gốc có giá trị kinh tế cao.
Trung bình, giá mỗi chậu quất bonsai ông Mạnh bán ra thị trường dao động 1-3 triệu đồng. Những chậu quất thế đặc biệt, gốc lâu năm có giá 10 triệu đồng. Trong vườn của ông Mạnh có khoảng 10 chậu giá bán trên 20 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại, chậu có giá cao nhất là 27 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư, dự tính vụ Tết năm nay, vườn quất bonsai của ông Mạnh cho thu gần 400 triệu.
"Trồng quất trong bình lâu và khó nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn trồng ở đất bãi. Thông thường, một gốc quất từ vườn đưa lên chậu phải mất đến 3-4 năm mới cho thu, thậm chí có cây phải mất 10 năm mới thành dáng mình mong muốn. Trong khi đó, quất trồng ở đất bãi chỉ mất 1-2 năm. Cũng vì thế, làm quất bonsai, ngoài để có thu nhập tốt hơn, còn là cách để rèn tính kiên trì của người trồng cây", ông chủ vườn quất trồng trong bình chia sẻ.
Bà Trần Thị Phương Thư đang chăm sóc vườn quất cho mùa Tết. Ảnh: Ngọc Lan. |
Nói thêm về kết quả có được hiện tại, ông Mạnh cười: "Tuy không tinh tường về các thế cây nhưng công lớn nhất là thuộc về bà Thư, người đã chăm chút từng ly, từng tí cho vườn quất bonsai. Trong thời gian tôi đi làm, thì bà ấy là người chịu nắng mưa và chăm cây lớn từng ngày".
Khẳng định rằng không phải ai cũng có thể làm được quất bonsai như ông Mạnh, anh Thắng, một chủ vườn tại Tứ Liên cũng từng thử đưa cây quất từ trồng đất lên chậu nhưng chưa thành công. Anh chia sẻ, trồng quất bonsai trong chậu không tốn diện tích, dễ tiêu thụ và cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, các nhà vườn phải chăm sao cho cây phát triển đều và tạo dáng đẹp là điều không dễ dàng. Anh Thắng cho biết mùa quất năm tới sẽ sang học hỏi kinh nghiệm trồng quất bonsai của ông Mạnh để phát triển vườn quất cho gia đình.
“Nhu cầu của khách chơi cây mỗi ngày một khác. Trước kia, trong nhà ngày Tết có một chậu quất to, đào thế là vương giả lắm rồi. Thế nhưng mỗi ngày một khác, dần dần người chơi chuộng những chậu bon mang có vẻ đẹp tinh tế, mang thẩm mỹ hơn. Thêm vào đó, người trồng cây cũng phải cải tiến để chiều lòng khách”, anh Thắng nói.
Theo Zing