Theo ông trưởng thôn Nguyễn Bá Lục, trước năm 1993, nếu như cả thôn Miêng Thượng đứng lên vay 1,5 tỷ để phát triển kinh tế thì người ta đều sợ không dám cho mượn, vì dân ở đây quá nghèo, khó có khả năng chi trả.
Thế nhưng, ít ai biết rằng, giữa làng quê nghèo nàn một thời sống nhờ vào dăm ba sào ruộng ấy giờ đây lại “đổi đời”, thành một ngôi làng sản sinh ra rất nhiều tỷ phú. Đến thôn Miêng Thượng những ngày này, chỉ có trẻ con duới 6 tuổi và các cụ già ngồi tán gẫu hoặc trông nom những căn biệt thự to đùng cho các con yên tâm đi chợ.
“Thanh niên từ 18 đến tầm gần 50 tuổi đều lên trên thành phố đi chợ, con cái cũng theo cha mẹ lên đó học hành. Chỉ khi nào ở quê có việc, không thì họ cứ làm đến 29, 30 Tết mới về”, bà Quý (63 tuổi), người dân thôn Miêng Thượng cho biết.
Đến thôn Miêng Thượng, khách sẽ thấy các tòa nhà cao tầng mọc san sát nhau từ đầu làng đến cuối làng. |
Kể về người đầu tiên có công trong việc đưa bà con đến với nghề đi chợ, trong thôn ai cũng nhắc đến ông Nguyễn Văn Sinh (sinh năm 1944). Hiện nay, 3 trong số 4 người con của ông Sinh đều nối gót cha mẹ, làm giàu từ nghề buôn bán thịt.
Theo lời kể của ông Sinh, gần 20 năm trước gia đình ông cũng chỉ là những người nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm trông cậy vào vài sào ruộng. Năm 1992, gia đình ông chuyển đến Kim Bôi, Hòa Bình buôn bán giò chả. Tuy nhiên, cũng chỉ cầm cự được 4 tháng vì bị hụt vốn.
Năm 1993, được bạn bè mách nước ông lên Hà Nội, tìm đến chợ Định Công để tìm mối buôn bán giò chả. Một năm sau, người con trai cả Nguyễn Văn Tài (sinh năm 1972) theo cha mẹ lên Hà Nội làm nghề buôn bán thịt lợn. Nhớ lại những ngày đầu cơ cực tìm chỗ đứng trong nghề, ông Sinh vẫn nhớ y nguyên cảm xúc của ông lúc đó: “Thời gian đầu chỉ dám lấy 1/2 con lợn vậy mà bán đến chiều vẫn không hết, đành đem bỏ tủ đá ăn dần. Ăn không hết, thịt thối phải đem ra sông để vứt”.
Hiện nay các con ông Sinh đều có cơ ngơi riêng và tậu được nhà đất trên Hà Nội. |
Sau hai, ba năm liên tiếp làm ăn không có lãi, thiếu trước hụt sau, gia đình ông tính chuyện về quê đào ao thả cá. Song cái máu kinh doanh luôn thường trực trong người lạị thôi thúc ông một lần nữa thuyết phục vợ con quyết tâm làm lại.
Ông Sinh nhớ lại “thời điểm những năm 1997, 1998, trung bình một ngày người con trai cả bán hết 6 con lợn thu lãi 3, 4 triệu/ngày là chuyện bình thường. Đến nay, tất cả các con của ông đều có dinh cơ riêng và có tiền tỷ trong nhà”.
Thấy gia đình ông giàu lên nhanh chóng, người dân trong làng từ đó mới bắt đầu học theo. Nhà nhà vận động con cháu ra Hà Nội đi chợ, có những gia đình 5 người con thì cả 5 người đều đi bán thịt.
“Anh em, họ hàng kéo nhau ra Hà Nội, dạy nhau thành nghề mới cho đi kiếm chỗ để bán. Cứ như thế, người nọ dìu dắt người kia, tính đến nay có đến hơn 90% dân số trong làng đều tập trung lên Hà Nội làm nghề buôn bán mưu sinh”, ông Sinh cho biết.
Tính đến thời điểm hiện tại, người dân thôn Miêng Thượng gắn bó với nghề buôn bán này đã hơn 10 năm. Tuy nhiên, theo ông Sinh nghề này chỉ thực sự phát trong vòng 7 năm trở lại đây.
Thấy nhiều người giàu, đồng tiền kiếm được không khó, nhiều thanh niên trong thôn chỉ chờ học xong cấp 3 là nghỉ ở nhà theo cha mẹ đi buôn bán. Có tiền, người dân đua nhau xây biệt thự, bé nhất cũng ngót nghét 1 tỷ, nhiều nhất có khi lên đến gần chục tỷ. Chỉ trong một thời gian ngắn, thôn Miêng Thượng thay đổi kỳ diệu, khoác lên mình một chiếc áo mới với những tòa biệt thự cao tầng nằm san sát, nối thành một con phố chạy dọc từ đầu làng đến cuối làng.
Đến thôn Miêng Thượng không khó để bắt gặp những tòa biệt thự hoành tráng của những ông bà chủ kinh doanh thịt lợn. |
Là một trong 2 người duy nhất trong thôn đậu đại học chính quy, Thanh (sinh năm 1991), hiện đang làm việc cho tập đoàn FPT cho biết: Nếu tính cả hệ cao đẳng, cũng như ngoài công lập thì các bạn cùng tuổi với Thanh trong toàn thôn cũng chỉ có chừng 3 đến 4 bạn đi học. Còn lại, đa số đều theo cha mẹ ra Hà Nội làm nghề buôn bán.
Ông Nguyễn Bá Lục, trưởng thôn Miêng Thượng cho biết, trong thôn có đến 99% thanh niên lên Hà Nội buôn bán thịt. Kể từ khi người dân có nghề buôn bán thịt lợn, cuộc sống của họ vì thế cũng khấm khá hơn trước. Tuy nhiên, vì bận mải kiếm tiền nên đôi khi con cái họ lơ là không có điều kiện quan tâm. Hiện nay, học sinh cứ học hết cấp 2, cấp 3 là lại theo bố mẹ đi bán thịt trên Hà Nội. Nhiều em học đại học ra trường không xin được việc cũng lại đi bán thịt như bố mẹ.
Theo Infonet