Nhập siêu của Việt Nam tháng 5-2012 ước khoảng 700 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm, nhập siêu khoảng 622 triệu USD, bằng 1,45% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 5-2012 ước đạt 9,1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước khoảng 3,72 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 5,38 tỷ USD.
Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 5-2012 ước đạt 9,8 tỷ USD, tăng 841 triệu USD so với tháng 4; trong đó kim ngạch nhập khẩu của khối kinh tế trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài tương đương nhau, cùng đạt mức 4,9 tỷ USD.
Xem xét kỹ các nhóm hàng hóa xuất – nhập khẩu, các nhà phân tích nhận định, nhập siêu trong tháng 5 chủ yếu do sự hồi phục của một số ngành hàng. Trong đó, các loại nguyên - phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may và da giày (ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam) có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh từ 277 triệu USD trong tháng 4, lên mức 315 triệu USD; một số mặt hàng đầu vào khác như sợi dệt và nhất là vải cũng tăng đáng kể (lần lượt là 23 và 95 triệu USD).
Một số sản phẩm phục vụ cho các ngành sản xuất nông nghiệp và công nghiệp khác cũng có kim ngạch nhập khẩu tăng đáng kể: phân bón tăng 32 triệu USD, thuốc trừ sâu tăng 12 triệu USD; xăng dầu tăng 5 triệu USD, sắt thép tăng 52 triệu USD; các mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng 276 triệu USD; máy móc, thiết bị và phụ tùng khác tăng 137 triệu USD…
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là kim ngạch của một số sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực sụt giảm: gạo và cà phê cùng bị sụt giảm 40 triệu USD so với tháng liền trước (tháng 4). Cùng kỳ, ngành công nghiệp ô tô, xe máy cũng bị giảm kim ngạch xuất khẩu 34 triệu USD.
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, trong 5 tháng đầu năm 2012 các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD, tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2011. Mặc dù kim ngạch tăng nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn, trong đó sức mua ở thị trường châu Âu giảm mạnh do ảnh hưởng suy thoái kinh tế. Cụ thể, giá trị xuất khẩu thủy sản sang Hà Lan giảm 10,9%; Đức giảm 26,4%; Italia giảm 16,3%...
Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã tự ý giảm giá bán cá tra phi-lê sang châu Âu từ 2,9 - 3,1 USD/kg xuống mức 2,6 USD/kg, nhằm đẩy mạnh số lượng tiêu thụ và thu tiền về nhanh. Vấn đề này đã tác động không nhỏ đến sức cạnh tranh của cá tra Việt Nam trên trường quốc tế.
Chiều 27-5, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đã giảm trở lại xuống mức 23.000 đồng/kg. Với giá này người nuôi lỗ từ 500 - 1.000 đồng/kg.