Vinalines lỗ lớn không phải vì "gánh" cho Vinashin

Thứ hai, 28/05/2012, 07:42
Năm 2010, một số đơn vị của Vinashin được điều chuyển sang Vinalines song đến thời điểm hiện tại, việc hạch toán giữa các đơn vị của Vinashin tại Vinalines đều được thực hiện độc lập.
Chiều 27.5, tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có trao đổi với phóng viên một số vấn đề liên quan đến việc bàn giao các đơn vị thuộc Tập đoàn Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sang Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) quản lý.
 
Bộ trưởng Đam khẳng định, các sai phạm của Vinalines diễn ra từ năm 2007 thì đến năm 2010 mới có quyết định chuyển một số đơn vị của Vinashin sang Vinalines. Tại thời điểm đó, Vinashin tình hình đã rất khó khăn, không còn ban lãnh đạo, không còn vốn để sản xuất kinh doanh, nếu không có biện pháp xử lý tháo gỡ sẽ đổ vỡ, ảnh hưởng đến sản xuất và người lao động.
 
Việc hạch toán giữa các đơn vị của Vinashin tại Vinalines đều được thực hiện độc lập

Trước bối cảnh này, Chính phủ đã có quyết định thận trọng, chuyển nguyên trạng một số đơn vị của Vinashin sang Vinalines quản lý trên cơ sở cùng ngành nghề.

Hai nguyên tắc được đưa ra bao gồm: đảm bảo hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng đến tình hình của các doanh nghiệp; đồng thời thực hiện hạch toán riêng và xử lý riêng giữa các đơn vị của hai bên, không lẫn vào nhau.
Tinh thần chung là làm thế nào để ổn định sản xuất, không để đổ vỡ và không để người người lao động mất việc làm.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ trưởng cho biết, việc hạch toán giữa các đơn vị của Vinashin tại Vinalines đều được thực hiện độc lập.

Riêng Vinalines, ngay khi chưa thu nhận các đơn vị từ Vinalines chuyển sang thì đã gánh thua lỗ nặng, trong đó các khoản lỗ này đều ghi nhận cụ thể con số lỗ nào thuộc Vinalines và con số nào thuộc Vinashin, có báo cáo riêng lẻ.


Trước pháp luật, các doanh nghiệp đều bình đẳng

Từ trường hợp của Vinashin và Vinalines, người phát ngôn Chính phủ lưu ý, các doanh nghiệp nhà nước vốn được coi là bộ phận đống vai trò chủ đạo trong sự phát triển kinh tế đất nước, sẽ cần phải sắp xếp lại để nâng cao hiệu quả.

Trước hết, các doanh nghiệp này đã được nhà nước giao vốn, giao cả công quyền, quyền kinh doanh thì phải làm hết trách nhiệm. Tiếp đó, trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý, phải giám sát chặt chẽ hơn với những “đứa con cưng” này, không chỉ ở khâu quản lý vốn, tài sản, cán bộ mà còn phải quản lý chiến lược sản xuất kinh doanh theo hàng dọc, từ cán bộ cấp quản lý chuyên ngành.

Một khi sai phạm, trước pháp luật tất cả các doanh nghiệp trong hay ngoài quốc doanh đều bình đẳng, và bị xử lý nghiêm. Bởi, chỉ khi xử lý nghiêm các sai phạm đó thì mới chấn chỉnh được hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước nói riêng và các doanh nghiệp kinh doanh nói chung.


Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn