Vụ Công ty Trung Quốc tận thu khoáng sản: UBND tỉnh “theo đuôi” doanh nghiệp
Thứ hai, 28/05/2012, 09:38
Do hậu quả từ thời chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ trước gây ra mà khiến nhiệm kỳ này, tỉnh Phú Yên phải giải quyết bằng cách “theo đuôi” Công ty TNHH luyện kim Sơn Giang.
Như PV đã phản ánh, thời hạn Công ty Sơn Giang khai thác mỏ sắt Phong Hanh đã hết từ 30.11.2011 nhưng công ty này cứ chây ì phục hồi môi trường theo quy định bằng cách đề nghị UBND tỉnh Phú Yên gia hạn thời gian khai thác và tận thu quặng.
Vì tiền ký quỹ phục hồi môi trường quá thấp nên UBND tỉnh Phú Yên phải chấp nhận “theo đuôi” Công ty Sơn Giang
Phân bua về việc chậm trễ hoàn thổ, ông Đặng Văn Khanh, Giám đốc công ty, nói: “Giờ mà lấp (hoàn thổ) thì rất nhanh, nhưng phần mỏ đã khai thác còn lại 100.000 tấn quặng. Công ty đã đầu tư rất nhiều rồi, bây giờ chỉ cần khai thác là thu vào ngay. Nếu tiến hành hoàn thổ sẽ chôn lấp toàn bộ số quặng còn lại này và quặng còn lẫn trong bùn trong quá trình khai thác, rất lãng phí”.
Tuy nhiên, lý do tránh lãng phí chỉ là một cách giải thích. Việc công ty này chây ì hoàn thổ, chậm phục hồi môi trường còn nhằm gây khó cho UBND tỉnh Phú Yên. Vì nếu tỉnh làm căng, thì công ty sẽ bỏ mặc đó, trong khi tiền ký quỹ phục hồi môi trường chưa tới 3 tỉ đồng, không đủ chi phí cho việc hoàn thổ.
Không có tiền phục hồi môi trường
Ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, giải thích về cái khó của tỉnh trong việc xử lý, đóng cửa mỏ sắt này: “Nếu đóng cửa mỏ ngay thì lấy tiền đâu mà phục hồi môi trường? Vì trước đây công ty ký quỹ phục hồi môi trường rất thấp. Hồi trước, tỉnh chỉ bắt công ty ký quỹ chừng ấy nên không thể hồi tố được. Bây giờ đóng cửa mỏ, họ vãi chài (bỏ mặc) đó thì tỉnh cũng chết”.
Theo ông Trúc, việc Công ty Sơn Giang ký quỹ phục hồi môi trường thấp là do từ thời Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ trước nên nay chỉ giải quyết hậu quả. Hiện UBND tỉnh giao cho Sở TN-MT Phú Yên thẩm định đề án đóng cửa mỏ của Công ty Sơn Giang rồi trình UBND tỉnh.
“Thời gian đóng cửa mỏ trong bao lâu, trình tự đóng cửa mỏ như thế nào sẽ được hội đồng thẩm định xem xét, nhưng cũng phải đưa ra cấp ủy của UBND tỉnh, vì mình tôi không đủ thẩm quyền để quyết định chuyện này. Nếu cá nhân tôi thì tôi đã đóng cửa cái mỏ sắt ấy rồi”, ông Trúc nói.
Giải pháp để giải quyết vụ Công ty Sơn Giang, theo ông Trúc, có lẽ phải chấp nhận cho công ty này vừa tận thu vừa hoàn thổ, có sự giám sát chặt chẽ. Ông Trúc cho biết: “Căn cứ vào cam kết, nếu công ty không thực hiện đúng thì phạt nặng. Ngành chức năng của tỉnh phải có kế hoạch chặt chẽ, giám sát thường xuyên. Nếu họ tiếp tục vi phạm sẽ phạt nặng, lấy khoản tiền đó để phục hồi môi trường. Lâu nay tỉnh chỉ phạt vài chục triệu, trăm triệu thì chẳng ăn thua gì hết”.