Vụ Vinalines: Thanh tra thấy thì mọi sự đã rồi!

Thứ bảy, 26/05/2012, 16:24
Vụ việc liên quan đến Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang rất thu hút sự quan tâm của dư luận. Không ít ĐBQH đã bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này đồng thời chỉ ra lỗ hổng trong quản lý dẫn đến các sai phạm trên.
 
Trò chuyện cùng PV bên lề Quốc hội, ĐBQH TPHCM Trần Du Lịch cho rằng: Đã đến lúc phải có một đạo luật riêng về việc giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Sự chống chế không thuyết phục

 


Ông có bình luận gì về sự việc đang trong quá trình thanh tra Vinalines, thì ông Dương Chí Dũng - khi đó đang là Chủ tịch HĐQT Vinalines "bất ngờ" được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam?

Tôi biết rằng, về nguyên tắc thanh tra, trước khi có kết luận chính thức thì đoàn thanh tra lập dự thảo và trao đổi với doanh nghiệp rất nhiều lần. Do vậy, ngay từ trước khi có kết luận thanh tra doanh nghiệp đã biết "bị lộ" ra cái gì.
 
Đoàn thanh tra bao giờ cũng trao đổi với lãnh đạo đơn vị bị thanh tra về các kết quả thanh tra và nghe họ giải trình. Bao giờ đơn vị bị thanh tra không giải trình được thì mới kết luận. Việc người ta chống chế rằng, ngày kết luận thanh tra sau ngày bổ nhiệm là sự chống chế không thuyết phục.

Theo ông thì ai chịu trách nhiệm đối với việc ký quyết định bổ nhiệm này?

Tôi cho rằng Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phải giải trình trước Quốc hội về việc bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải. Tôi tin là nhiều đại biểu sẽ chất vấn chuyện này.

Nhưng ta chưa có một quy định rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu?

Đó chính là lỗ hổng vì thiếu luật quy định. Phải sớm có một đạo luật về vấn đề này.

Ông có thể nói rõ hơn?

Hiện Chính phủ có các quy định dưới hình thức Nghị định nhưng với quy định đó thì tầm pháp lý của nó chưa đạt đến mức giải quyết được vấn đề. Tiền từ ngân sách là vốn sở hữu toàn dân, Quốc hội là cơ quan cao nhất, không được giám sát hay tham gia bất cứ khâu nào là bất cập.

Nếu như ông nói thì sự thất thoát là khó tránh khỏi, theo ông có cách nào khắc phục?

Tôi đã đề nghị từ trước khi luật doanh nghiệp nhà nước hết hiệu lực thi hành từ 1/7/2010.  Khi đó, chúng ta thiếu cơ chế quản lý có hiệu quả, thiếu cơ chế giám sát hoạt động của các tổ chức kinh tế sử dụng vốn nhà nước.
 
Vì vậy, nó đã gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân về vấn đề sử dụng nguồn vốn của Nhà nước. Nhưng rất tiếc lỗ hổng này chưa kịp khắc phục. Cho tới nhiệm kỳ Quốc hội này, nhiều lần tôi đề xuất một cơ chế giám sát hiệu quả thì đã được đưa vào chương trình của toàn khóa.

Nghĩa là phải có một "chiếc vòng kim cô" điều khiển hoạt động của các doanh nghiệp, tập đoàn này?

Để giải quyết căn cơ phải sớm có một đạo luật như vậy. Và trong đạo luật này, phải giao cho Quốc hội thẩm quyền giám sát.
 
Còn các biện pháp trước mắt thì tôi cũng đề nghị nhiều lần, yêu cầu Chính phủ với tư cách là người đại diện chủ sở hữu cao nhất, yêu cầu các tổ chức kinh tế này phải công khai minh bạch những hoạt động giống như các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây là một cơ chế để xã hội, người dân giám sát hoạt động của nó.

Công khai, minh bạch, xem ra vẫn chỉ là lý thuyết thưa ông?

Vì thiếu công khai như vậy nên khi thanh tra vào cuộc, thấy được, thì chuyện đã rồi. Nếu như chúng ta giám sát trước, có biện pháp ngăn chặn thì không có những sự cố đó. Nhưng rất tiếc đến nay chúng ta vẫn chưa làm.

Vừa qua chúng ta tiến hành thanh tra một số tập đoàn lớn và phát hiện một vài sai phạm, nhưng điều băn khoăn của dư luận là về vấn đề xử lý vẫn còn mờ nhạt?

Ví dụ như vụ Vinashin, việc xử lý hình sự người đứng đầu tôi cho là thỏa đáng. Nhưng về cơ chế xử lý thế nào thì hiện nay quy định không rõ. Vì vậy, nó đòi hỏi phải có một đạo luật.


Mở đường chứ không được chặn đường


Ông Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội TPHCM.

Hiện trong Đề án tái cấu trúc kinh tế mà Chính phủ trình Quốc hội,  vấn đề cơ cấu lại tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được nhắc đến khá nhiều thưa ông?

Vấn đề đặt ra hiện nay là phải đánh giá từng tổ chức kinh tế một. Anh ra đời, tồn tại vì mục đích gì phải rõ ràng. Tôi là một tổng công ty, tập đoàn về lĩnh vực đó, nhiệm vụ của tôi không phải là đi kiếm lợi nhuận về cho Nhà nước mà tôi thúc đẩy quá trình tái cấu trúc kinh tế.
 
Tôi bổ khuyết những khuyết tật của thị trường. Những lĩnh vực mà thị trường không hấp dẫn không làm. Nếu Nhà nước làm sẽ mở đường cho các doanh nghiệp khác đầu tư. Chứ không phải là độc quyền bằng đặc quyền rồi lại gây thất thoát lãng phí cho nền kinh tế.

Như ông nói thì hóa ra là các tập đoàn, tổng công ty đang dùng đặc quyền để chặn đường các doanh nghiệp nhỏ hơn?

Tôi không nói chặn đường, nhưng nó phải mở đường. Các tập đoàn, tổng công ty phải có mục tiêu rõ ràng. Khi đánh giá hiệu quả của nó phải dựa trên tiêu chí đó chứ không thể đánh giá như hiện nay. Cái này phải thay đổi nhiều thứ, từ cơ chế mà đi.
 
Ta quy định lợi nhuận của tập đoàn, tổng công ty năm sau phải cao hơn năm trước thì lương, thưởng mới không giảm. Quy định thế thì họ phải kiếm những ngành có lợi nhuận để đầu tư. Và đầu tư ngoài ngành là đương nhiên. Cái này là mâu thuẫn của cơ chế.

Nhưng chẳng ai đầu tư mà lại không tính đến hiệu quả, dù là hiệu quả kinh tế hay hiệu quả gì?

Dĩ nhiên là làm cái gì cũng phải tính đến hiệu quả kinh tế. Nhưng hiệu quả như thế nào mới là quan trọng. Ví dụ như ngành cơ khí bây giờ không hấp dẫn, đầu tư ít thu hồi chậm. Thế thì nhiệm vụ đặt ra phải là anh phải tạo ra những sản phẩm cơ khí cho nền kinh tế.
 
Tiêu chí đánh giá của anh là anh tạo ra bao nhiêu sản phẩm đó, cái đầu tư của anh thu hút bao nhiêu doanh nghiệp, bao nhiêu nguồn vốn đầu tư. Chứ đâu phải là anh lời lãi bao nhiêu?

Xin cảm ơn ông!
 
"Trong báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010, riêng phần phân bổ vốn cho tập đoàn và ngân hàng thương mại nhà nước là 5048 tỷ đồng, quyết toán là 7030 tỷ đồng. Con số vượt hơn so với dự toán rất lớn. Qua thanh tra cho thấy việc đầu tư ra ngoài ngành không hiệu quả từ nguồn này không được giải trình. Trong khi đó các doanh nghiệp nhà nước với nguồn vốn sở hữu lên đến 30-40 tỷ đô la Mỹ nhưng kinh doanh hiệu quả không nhiều, nộp thuế không đáng kể. Tôi đề nghị, những năm tới, nếu phân bổ vốn cho các tập đoàn, tổng công ty phải giải trình rõ việc sử dụng vốn như thế nào thì mới phân bổ".
Ông Trần Du Lịch (Đại biểu Quốc hội TPHCM)

"Lẽ ra doanh nghiệp phải nuôi nhà nước chứ không phải nhà nước nuôi doanh nghiệp. Rất nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ. Tiền vốn đổ vào đã đành, nhưng tài nguyên quốc gia cũng thất thoát rất lớn".
Ông Đỗ Văn Đương (Đại biểu Quốc hội TPHCM)

 
Theo Bee

Các tin cũ hơn