Xử lý tình trạng vàng miếng hai giá được xem là thử thách đầu tiên với Ngân hàng Nhà nước khi thực hiện cơ chế mới để quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Vẫn chưa có lộ trình chuyển đổi vàng miếng “phi” SJC
Các công ty và một số người dân phản ảnh vàng miếng các thương hiệu khác đang được mua bán với giá thấp hơn vàng SJC có lúc cả triệu đồng/lượng, gây thiệt thòi cho người đã mua vàng.
Từ đó, doanh nghiệp bị người mua vàng cáo buộc không giữ tròn trách nhiệm đối với số vàng đã bán ra. Để bảo đảm quyền lợi của người đã mua vàng các thương hiệu khác, từ lâu đã có đề xuất sớm cho chuyển đổi vàng miếng các thương hiệu khác sang thương hiệu SJC.
Ngân hàng Nhà nước có lý do thận trọng khi cho chuyển đổi vàng miếng các thương hiệu khác sang SJC, bởi việc này có thể bị lợi dụng để hợp thức hóa vàng lậu, ảnh hưởng đến tỉ giá.
Việc chuyển đổi vàng thương hiệu khác sang SJC phức tạp là do hoạt động nhập lậu vàng. Có nhập lậu vàng là giá USD tại thị trường tự do tăng nóng, rồi tác động ngược gây sức ép buộc phải tăng giá USD tại ngân hàng. Cũng may là thị trường chỉ tiêu thụ vàng miếng SJC, vì thế vàng lậu chỉ bán được khi được dập thành vàng miếng SJC.
Nắm được điểm yếu này, Ngân hàng Nhà nước đã “trưng thu” toàn bộ máy móc cũng như quyền sản xuất vàng miếng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn. Với quyết định này, từ nhiều tháng qua, vàng lậu về nhưng không tiêu thụ được, tình trạng gom USD tiền mặt để nhập lậu vàng cũng giảm hẳn. Nhờ thế, giá USD tại thị trường tự do nhiều lúc thấp hơn của ngân hàng, dân thay vì bán USD cho tiệm vàng đã bán cho ngân hàng.
Cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước không thể quản lý các máy dập vàng mang thương hiệu khác, ngoài SJC. Tới đây có quản được cũng không thể biết có bao nhiêu miếng vàng thương hiệu khác đã được bán ra thị trường.
Ngân hàng Nhà nước có yêu cầu doanh nghiệp sản xuất vàng miếng thương hiệu không phải SJC báo cáo lượng vàng tồn kho. Nhưng con số này không thể bất biến vì có thể doanh nghiệp báo cáo số vàng cần chuyển đổi tăng thêm do mua lại vàng trước đây dân đã mua.
Khi không nắm chắc số lượng vàng cần chuyển đổi, không loại trừ trong quá trình chuyển đổi một vài đơn vị có thương hiệu vàng miếng dập thêm vàng từ nguồn vàng lậu, sau đó chuyển thành vàng SJC xem như hợp thức hóa vàng lậu.
Hiện vàng nguyên liệu chủ yếu là vàng lậu, thấp hơn vàng SJC trên dưới 1 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ cần mua vàng trôi nổi dập ra vàng miếng rồi chuyển đổi thành vàng SJC, chi phí gia công chỉ vài chục ngàn đồng/lượng là có thể thu lợi tiền triệu.
Hiện chính các doanh nghiệp vàng có thương hiệu không phải SJC sốt ruột hơn ai hết để được chuyển đổi vàng của họ sang SJC. Và việc ép giá mua vàng các thương hiệu khác SJC của dân cũng là một cách để tạo sức ép lên Ngân hàng Nhà nước sớm cho thực hiện quá trình chuyển đổi này.
Cần nhắc lại cuối năm 2011, các đơn vị đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho chuyển đổi một số vàng thương hiệu khác qua SJC. Nhưng nay vẫn “lòi” thêm và số lượng đăng ký cần chuyển đổi lần này gấp nhiều lần đợt cuối năm 2011.
Không rõ tới đây sẽ còn bao nhiêu đợt chuyển đổi, và do vậy việc kéo giá vàng miếng các thương hiệu khác ngang với giá vàng SJC là bài toán khó với Ngân hàng Nhà nước. Bởi một số công ty vẫn kềm giá mua vàng của dân để gây sức ép lên Ngân hàng Nhà nước phải cho chuyển đổi.
Trong khi thực tế số vàng thương hiệu khác do dân nắm giữ là không đáng kể. Vì vậy, việc không chặt chẽ khi cho chuyển đổi sẽ mang lại lợi nhuận kếch sù cho một số đơn vị, trong khi người dân đã mua vàng các thương hiệu khác vẫn bị thiệt.