Sếp chứng khoán, bất động sản có thù lao "bèo"

Thứ bảy, 26/05/2012, 14:23
So với thù lao tiền tỷ của lãnh đạo ngân hàng, mức tiền HĐQT, Ban kiểm soát các công ty niêm yết lĩnh vực khác chỉ bằng một phần trăm, thậm chí một phần nghìn.
 

Mức thù lao tại một số công ty niêm yết nhóm ngành
chứng khoán, bất động sản chỉ là tiền triệu và mang tính chất tượng trưng.

 
Từ năm 2010 đến nay, thù lao của thành viên HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán Âu Việt là 3 triệu đồng một tháng, còn của Ban kiểm soát là 2 triệu đồng. Đây cũng là mức thù lao được HĐQT và Ban kiểm soát đề xuất nhận trong năm 2012.

Công ty chứng khoán Hòa Bình năm 2012 cũng chi trả thù lao cho HĐQT là 3 triệu đồng (với chủ tịch), 2 triệu đồng (thành viên, ủy viên), trưởng ban kiểm soát 2 triệu đồng và thành viên 1 triệu đồng.

6 triệu đồng một tháng là mức thù lao bình quân dành cho HĐQT và Ban kiểm soát Công ty chứng khoán Hải Phòng năm 2012. Ngoài số tiền này, các thành viên còn được nhận 500.000 đồng một năm phụ cấp tham gia hội họp, 10% trên lợi nhuận vượt kế hoạch.

Cùng với chứng khoán, một số công ty bất động sản cũng công bố thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát chỉ mang tính tượng trưng.

Cụ thể, năm 2012, thù lao không chuyên trách của chủ tịch, phó chủ tịch, thành viên HĐQT và thành viên Ban kiểm soát Công ty cổ phần xây dựng 47 lần lượt là 5 triệu, 3,5 triệu và 2,5 triệu đồng và 1 triệu đồng.

Trước đó, Công ty bất động sản Quốc Cường Gia Lai cũng công bố mức thù lao của chủ tịch HĐQT năm 2012 là 7 triệu đồng một tháng, thành viên HĐQT 3 triệu đồng. Năm 2011, tại Quốc Cường Gia Lai, mức này đối với chủ tịch HĐQT là 10 triệu đồng một tháng, thành viên 4 triệu đồng, Ban kiểm soát 3 - 4 triệu đồng mỗi tháng.

Nguyên lãnh đạo cấp cao một công ty chứng khoán phân tích, hai yếu tố quyết định mức thù lao HĐQT và Ban kiểm soát công là cơ cấu sở hữu và kết quả kinh doanh cuối năm. Về bản chất, thành viên HĐQT và Ban kiểm soát là những người đại diện cổ đông để chỉ đạo, điều hành hoạt động. Do đó, mức thù lao chi trả sẽ phụ thuộc vào việc sở hữu cổ phần công ty của 2 đối tượng này.

Ông này nói thêm, thông thường, với các công ty tư nhân, thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát thường thấp, vì bản thân những người này đã nắm giữ một lượng lớn cổ phần. Do đó, mức thù lao nhiều khi chỉ mang tính chất tượng trưng. Ngược lại, tại một số công ty do Nhà nước nắm phần lớn vốn chủ sở hữu, mức thù lao đòi hỏi thường cao hơn.

"Bản chất, thù lao là khoản tiền trích từ quỹ cổ đông. Nếu anh là cổ đông nắm nhiều cổ phần, sẽ xin ít. Ngược lại, nếu anh nắm ít sẽ xin nhiều lên. Vì bản chất ai cũng muốn tối đa hóa lợi ích của mình", ông chia sẻ. Theo lãnh đạo này, 2012 cũng được dự báo là năm khó khăn để doanh nghiệp kiếm lợi nhuận cao. Do đó, việc đề xuất thù lao thấp để chia sẻ khó khăn của một số công ty niêm yết cũng là điều dễ hiểu.

Nhận xét về chênh lệch thù lao giữa các công ty, ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho rằng, mức này phụ thuộc nhiều vào mô hình quản lý của từng đơn vị. Ông nói, chỗ nào trách nhiệm của HĐQT và Ban kiểm soát lớn, thù lao chỗ đó sẽ cao và ngược lại.

Còn theo ý kiến của lãnh đạo một nhà băng khác chi trả thù lao năm cho HĐQT, Ban kiểm soát hơn 4 tỷ đồng, ở một số công ty, HĐQT chỉ mang tính hình thức, công việc giao hết cho ban điều hành. "Đôi khi, HĐQT chỉ là người đại diện cho cổ đông và cũng là một cổ đông lớn sở hữu cổ phần, nên chẳng cần nhận thù lao", ông bày tỏ. Ngược lại, những nơi HĐQT trực tiếp làm ra lợi nhuận, thì việc nhận về thù lao cao hoàn toàn xứng đáng.


Theo VnExpress

 

Các tin cũ hơn