Trong đó, phổ biến nhất là thuê phi công thông qua các công ty tuyển dụng bên ngoài. Norwegian Air Shuttle của Na-uy và Ryanair của Ireland là hai hãng tích cực nhất khi áp dụng nhiều phương pháp nhằm né tránh các quy tắc về lao động và thuế tại quê nhà của phi công.
Theo một nghiên cứu công bố tuần trước bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Ghent (Bỉ), hơn một nửa phi công làm việc tại Norwegian, Ryanair và 4 hãng bay nhỏ giá rẻ khác ở châu Âu được tuyển dụng qua phương thức phi truyền thống. Đồng thời, họ áp dụng những tiêu chuẩn về lao động khắc hẳn với các hãng hàng không bình thường. Khảo sát tiến hành với 6.600 phi công ở châu Âu, Bloombergcho biết.
Ryanair rất tích cực tìm cách hạ chi phí lao động. Ảnh: Bloomberg |
Ryanair được biết đến là một trong những hãng hàng không có cách tuyển dụng khác thường nhất. Hãng này thuê phi công thông qua một công ty có tên Brookfield Aviation International. Theo giấy phép đăng ký, trụ sở của Brookfield được đặt tại thị trấn Epsom (Anh).
Các phi công sẽ được gửi đến kế toán của công ty. Sau đó, những nhân viên kế toán này sẽ thành lập các công ty nhỏ, để nhóm phi công làm giám đốc và ký hợp đồng với Brookfield. Cụ thể, nhóm này sẽ "cung cấp dịch vụ cho Brookfield", rồi Brookfield lại "cung cấp dịch vụ cho Ryanair". Năm 2013, một tòa án Anh đã phán quyết Ryanair trốn thuế và bảo hiểm xã hội cho các phi công được tuyển thông qua công ty Brookfield.
Người phát ngôn của Ryanair - Robin Kiely cho biết, công ty không có bất cứ bình luận nào về các điều khoản trong hợp đồng. Tuy nhiên, Ryanair sử dụng "cả phi công tuyển dụng trực tiếp và hợp đồng theo đúng cách các hãng hàng không khác vẫn làm".
Ryanair cũng phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì tuyển dụng phi công theo hợp đồng Ireland, dù họ phải làm việc tại các quốc gia có mức thuế cao hơn và quy tắc lao động hà khắc hơn. Năm ngoái, tòa án Pháp đã yêu cầu Ryanair nộp 10,2 triệu USD bao gồm tiền phạt và chi phí xã hội cho một phi hành đoàn làm việc tại Marseille được tuyển dụng theo hợp đồng Ireland. Tuy nhiên, Ryanair cho biết hãng sẽ kháng cáo.
Norwegian Air Shuttle cũng áp dụng những cách tuyển dụng chẳng giống ai. Họ thành lập một chi nhánh vận tải đường dài có tên Norwegian Air International. Công ty này thuê phi công và tiếp viên thông qua một đại lý tuyển dụng có trụ sở tại Singapore, sau đó chuyển các phi công đó đến làm việc tại Bangkok.
Cách thức kinh doanh của Norwegian vấp phải sự phản đối từ các phi công châu Âu và liên đoàn phi công lớn nhất Mỹ - Air Line Pilots Association. Họ cho rằng Norwegian Air Shuttle đang "rẻ hóa" ngành hàng không khi lùng sục khắp nơi để "tìm kiếm những tiêu chuẩn lao động thấp hơn, những quy tắc và yêu cầu lỏng lẻo hơn".
Những kế hoạch tuyển dụng này không phải lúc nào cũng nhằm vào hạ thấp mức lương. Trong hầu hết các trường hợp, phi công vẫn nhận được tiền lương tính theo giờ bằng các hãng khác, nhưng phụ cấp lại không bằng.
Dù gây tranh cãi, phương thức tuyển nhân sự của Ryanair và Norwegian cũng đem lại cho hai hãng những lợi thế cạnh tranh nhất định. Tháng 11/2014, Ryanair cho biết chi phí nhân công của hãng chỉ bằng một phần ba, một phần sáu các hãng giá rẻ như Spirit Airlines và Southwest Airlines. Trong khi đó, giá vé bay trong châu Âu của Norwegian thấp hơn các hãng khác hàng trăm USD, dù công ty này luôn viện cớ giá rẻ do hiệu quả sử dụng nhiên liệu của Beoing 787.
Dĩ nhiên chi phí lao động trên các chặng bay dài cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mức giá vé thấp như trên. Liệu giá vé của Norwegian còn thấp hay không nếu như phi hành đoàn trên những chiếc 787 được trả lương cao như ở các hãng khác, chẳng hạn như SAS Scandinavian, Air France-KLM, và Lufthansa.
Lasse Sandaker-Nielsen – người phát ngôn Norwegian Air thì cho biết mức lương của phi công được thị trường quốc tế định ra, "nên dù làm việc ở quốc gia nào thì cũng thế". Ông giải thích Norwegian Air phải đến Singapore và các đô thị lớn khác để tuyển phi hành đoàn bởi vì nhân lực tại các quốc gia Bắc Âu không đủ.
Nghiên cứu của đại học Ghent về phương thức tuyển dụng "khác thường" đã được báo cáo tại Paris trong hội thảo của Hiệp hội Buồng lái châu Âu. Tổ chức đại diện cho 38.000 phi công thuộc các quốc gia thành viên EU này đã làm việc trong nhiều tháng nhằm kêu gọi sự chú ý của dư luận đối với vấn đề mà họ gọi là "hoạt động kinh doanh bóp méo thị trường", đặc biệt là Norwegian Air và Ryanair.
Tháng 12 năm ngoái, tổ chức này cũng kêu gọi EU thắt chặt quy định nhằm ngăn chặn "những hoạt động phá giá và hình thức tự tuyển dụng giả mạo" của các hãng hàng không muốn hạ thấp chi phí. Hiệp hội Phi công Thụy Điển cho biết: "Họ đang nhập khẩu điều kiện lao động từ Đông Nam Á sang châu Âu và Mỹ với mức lương thấp hơn, giờ làm việc dài hơn, quyền công đoàn bị vi phạm, và an sinh xã hội của phi công không được đảm bảo".
Trong khi đó, một vài hãng hàng không lớn của Trung Quốc và Trung Đông lại đang trả mức lương khủng để thu hút những phi công có năng lực.Aviation Weekcho biết Beijing Capital Airlines đang trả hơn 24.000 USD mỗi tháng cho những phi công có khả năng vận hành dòng máy bay Airbus thân hẹp và sẵn sàng chuyển đến Trung Quốc làm việc.
Theo VnExpress