Yêu cầu này ban đầu được coi là dấu hiệu các bên đã nhượng bộ sau nhiều tuần đàm phán thất bại. Tuy nhiên, Đức - chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp, lại rất nhanh chóng bác đề nghị này.
"Bức thư từ Athens không đưa ra được giải pháp đáng kể. Trên thực tế, nó chỉ tập trung vào cấp vốn ngắn hạn mà không đáp ứng được các điều kiện của chương trình cứu trợ. Nó cũng không thực hiện được đủ tiêu chí đã đồng ý trong cuộc họp hôm thứ Hai của Eurogroup", người phát ngôn Bộ trưởng Tài chính Đức - Martin Jager cho biết. Chi tiết về các điều khoản mà Hy Lạp đề nghị chưa được tiết lộ.
Vấn đề nợ nần của Hy Lạp khó có thể đạt kết quả khả quan trong tuần này. Ảnh:AFP |
Nếu Hy Lạp không thể đạt thỏa thuận sớm, họ sẽ đứng trước nguy cơ cạn tiền. Chương trình cứu trợ hiện tại sẽ chấm dứt vào ngày 28/2 và các khoản nợ cũng sắp đáo hạn. Nước này nợ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) 1,5 tỷ euro, phải trả vào tháng 3. Còn khoản nợ 6,5 tỷ euro trái phiếu cũng phải trả cho Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và các nước eurozone vào tháng 8.
Chính phủ mới đắc cử của Hy Lạp đã cam kết sẽ thu hẹp các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà nước này phải áp dụng từ năm 2010 để đổi lấy 240 tỷ euro cứu trợ quốc tế. Nhưng nhóm chủ nợ của Hy Lạp, dẫn đầu bởi Đức, đã đề nghị nước này phải tuân thủ đúng các điều khoản đã thỏa thuận từ trước.
Đề xuất hôm nay của Hy Lạp sẽ được đưa ra bàn thảo trong cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính eurozone tại Brussels vào thứ Sáu này. Nhưng kể cả trước khi Đức bác đề xuất này, căn cứ vào tiến độ chậm chạp nhiều tháng nay, giới chuyên gia cũng đã kết luận các bên khó có thể đạt được thỏa thuận vào ngày mai.
Jennifer McKeown tại Capital Economics cho biết các chủ nợ có thể nhượng bộ phần nào về yêu cầu thanh toán tùy theo tăng trưởng GDP hoặc thâm hụt thương mại của Hy Lạp. "Nhiều nhất là Hy Lạp có thể đạt thỏa thuận ngắn hạn để có đủ vốn thôi. Còn các vấn đề dài hạn thì rất khó", cô cho biết trênCNN.
Đầu tháng này, ECB cũng cho biết sẽ không chấp nhận trái phiếu được đánh giá ở mức “rác” của Hy Lạp làm tài sản đảm bảo để vay tiền nữa. Do họ không thể chắc chắn “kế hoạch xin xem xét lại chương trình cứu trợ của Hy Lạp sẽ thành công”. Điều này cũng có nghĩa các nhà băng Hy Lạp sẽ phải dựa nhiều hơn vào chương trình Hỗ trợ Thanh khoản Khẩn cấp (ELA) - vốn đắt đỏ hơn và cũng phải được ECB thông qua.
Theo VnExpress