Nội dung văn bản này chưa được Ngân hàng Nhà nước công bố, nhưng theo thông tin từ một số ngân hàng thương mại, nội dung là cụ thể hóa yêu cầu đặt ra trong Chỉ thị số 02 của Thống đốc ban hành ngày 27/1 vừa qua (về các giải pháp, lộ trình xử lý nợ xấu, nhằm thực hiện mục tiêu giảm được về mức dưới 3% đến cuối năm 2015).
Qua văn bản trên, có thể thấy, sau hơn một năm VAMC ra đời, cơ chế bán lại nợ xấu cho tổ chức này đã chính thức bắt buộc.
Nếu VAMC phát hành hết lượng trái phiếu đặc biệt được phép trong năm 2015, tổng lượng nợ xấu "gửi" qua đây có thể lên tới 200.000 tỷ đồng. |
Cụ thể, trong các văn bản gửi đến các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu trong năm nay. Đặc biệt là việc ấn định cụ thể số nợ xấu tối thiểu mỗi thành viên phải bán cho VAMC.
Cùng đó, cơ quan này xác định mốc hẹn đến 30/6/2015 các thành viên phải bán được tối thiểu là 75% số lượng “chỉ tiêu được giao” nói trên, và đến 30/9/2015 phải bán hết 100%.
Quy mô nợ xấu mỗi tổ chức tín dụng phải bán lại cho VAMC là khác nhau, có lẽ được Ngân hàng Nhà nước chiết xuất trên cơ sở tổng hợp báo cáo của hệ thống đến cuối năm 2014.
Hiện Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra bất cứ thông tin nào liên quan đến văn bản và yêu cầu trên, ngoài tinh thần đã được nêu trong Chỉ thị số 02 ngày 27/1/2015.
Còn với các ngân hàng thương mại, trước mắt, mốc hẹn 30/6/2015 đã gần kề. Theo đó, từ thời điểm này họ phải dồn dập bán lại nợ xấu cho VAMC cho kịp tiến độ.
Trước khi có văn bản trên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản xác định VAMC được phát hành thêm 80.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua lại nợ xấu trong năm 2015.
Sau hơn một năm hoạt động, tính đến cuối năm 2014, VAMC đã mua được gần 121.000 tỷ đồng nợ gốc của 39 tổ chức tín dụng và thu hồi được hơn 4.100 tỷ đồng.
Theo VnEconomy