Bà Phạm Chi Lan: Còn bảo hộ mía đường thì còn lợi ích nhóm

Thứ bảy, 14/03/2015, 08:00
"Bao năm qua nông dân luôn rơi vào tình trạng khốn đốn, còn lợi ích thì về tay các doanh nghiệp mía đường trong nước. Bảo hộ cho doanh nghiệp mía đường hưởng lợi mà không chia sẻ cho nông dân, người tiêu dùng, gây bất lợi cho nền kinh tế thì không nên bảo hộ làm gì"...

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan  - nguyên Tổng thư ký Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) ủng hộ quan điểm xóa bỏ cơ chế bảo hộ ngành mía đường và khuyến khích nhập khẩu sản phẩm đường để bảo vệ lợi ích của người dân.

Hiện nay đang có nhiều tranh luận xoay quanh việc có nên bỏ cơ chế bảo hộ mía đường trong nước hay không? Theo lập luận của Hiệp hội mía đường thì không nên và không thể. Vậy quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng, nên bỏ vì bảo hộ lâu rồi mà ngành có phát triển được đâu. Danh nghĩa của việc bảo hộ là nhằm mục tiêu thúc đẩy ngành mía đường Việt Nam phát triển, nâng dần khả năng cạnh tranh, kỳ vọng lúc bỏ bảo hộ thì ngành mía đường sẽ cạnh tranh được với đường thế giới. Tuy nhiên, bảo hộ đến như thế mà vẫn không có hiệu quả thì không nên bảo hộ nữa.

Trong ngành mía đường có hai thành phần chính tham gia, đó là các doanh nghiệp mía đường và người nông dân trồng mía. Cả hai khối này đều không nâng được năng lực cạnh tranh, nhưng doanh nghiệp không có sức cạnh tranh vẫn sống, vẫn có lãi, trong khi người nông dân không cạnh tranh được buộc phải chịu thiệt thòi. Rất nhiều nông dân đã đốt mía, phá mía trồng cây khác.

Lợi ích nhóm thể hiện khá rõ. Cái lợi ích mà nông dân không được hưởng, nền kinh tế không được hưởng, các ngành khác cũng không được hưởng thì không thể bảo hộ thêm được nữa. Nhân danh bảo hộ mía đường nhưng hàng vạn nông dân trồng mía vẫn khổ. Đối tượng bảo hộ là người nông dân khổ sở như thế thì bảo hộ để làm gì? Nguồn lợi thu về tay ai trong bao nhiêu năm qua?

Bỏ bảo hộ thì ngành chế biến thực phẩm có lợi, nhiều ngành khác có lợi chứ không riêng gì người trồng mía và người tiêu dùng. Nông dân trồng mía sẽ được chăm lo hơn, được tôn trọng hơn. Cây mía được chăm lo hơn để tăng năng suất. Lợi ích nông dân hài hòa với lợi ích của doanh nghiệp chứ không mất cân đối như hiện nay.

Nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là nông nghiệp cần phải quan tâm, nhưng phải xác định rạch ròi được lợi ích ở đâu.

Ba-Pham-Chi-Lan-con-bao-ho-mia-duong-thi-con-loi-ich-nhom-hinh-anh-1
Tuy nhiên Hiệp hội mía đường lại cho rằng, bảo hộ ngành mía đường chính là bảo hộ người nông dân trồng mía. Bà nghĩ sao về điều này?

Họ nói bảo hộ trước hết là vì nông dân nhưng thực tế cho thấy nhiều năm nay nông dân có được hưởng lợi gì nhiều đâu.

Bao năm qua nông dân luôn rơi vào tình trạng khốn đốn, còn lợi ích thì về tay các doanh nghiệp mía đường trong nước hưởng hết. Tôi nghĩ, bảo hộ cho doanh nghiệp mía đường hưởng nhiều lợi ích mà lại không chia sẻ cho nông dân, cho người tiêu dùng, gây bất lợi cho nền kinh tế (đặc biệt là chế biến thực phẩm) thì không nên bảo hộ làm gì.

Vậy theo bà, việc xóa bỏ bảo hộ ngành mía đường và cho phép nhập khẩu đường sẽ thu lại những lợi ích gì?

Điều này đã khá nhiều người bàn đến và các ý kiến đó đều hợp lý cả. Tôi nói thêm một vài ý. Trước hết là nó tạo ra cạnh tranh. Cũng là một doanh nghiệp Việt Nam, đi đầu tư ở một đất nước không hơn gì Việt Nam nhưng hiệu quả lại cao hơn hẳn.

Các doanh nghiệp trong nước có cơ hội nhìn lại mình, phải học ở ông Đoàn Nguyên Đức đấy chứ. Các cơ quan Nhà nước cũng phải xem xét, tại sao nước ngoài họ cho phép một doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, hiệu quả lại cao hơn ở  trong nước.

Tôi cũng mong đợi việc nhập khẩu đường vào Việt Nam sẽ thúc đẩy thêm nhiều ngành khác phát triển.

Ngành nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu là xuất thô, hoặc sản phẩm sơ chế, có giá trị gia tăng rất thấp. Nếu mà một số ngành được cung cấp nguyên liệu đầu vào thấp hơn thì chi phí sản xuất thấp, sẽ có cơ hội phát triển, mới tạo được nhiều giá trị gia tăng.

Điều đó cũng góp phần chuyển dịch lao động từ nông dân thuần túy sản xuất nông nghiệp sang những công nhân nông nghiệp làm trong các dịch vụ liên quan, các khu vực chế biến. Kết nối trong chuỗi giá trị tốt hơn, vì chuỗi giá trị chỉ có thể phát triển khi các bên tham gia chuỗi cùng nhau cố gắng và phát triển.

Theo bà, tại sao cho đến giờ sự trì trệ của ngành mía đường mới được đặt ra, và trách nhiệm thuộc về ai?

Trước hết, trách nhiệm thuộc về bản thân các doanh nghiệp mía đường và Hiệp hội mía đường. Thẳng thắn mà nói là bao năm qua họ không sòng phẳng với người nông dân.

Thứ hai, trách nhiệm một phần cũng thuộc về cơ quan quản lý. Không phải cứ doanh nghiệp muốn bảo hộ là được bảo hộ, phải có sự đồng ý, xem xét của cơ quan quản lý mới làm được điều này. Như vậy, họ cứ bảo hộ cho doanh nghiệp mía đường mà không nhìn thấy lợi ích ở đâu, không lường trước được tác hại và những hệ quả từ việc đó mang lại.

Bảo hộ ngành mía đường phải đứng trên lợi ích của người nông dân nhưng họ cũng không giám sát thực tế để xem nông dân có được lợi ích hay không. Đó cũng là phần lỗi của họ, do bảo hộ lâu dài, thiếu trách nhiệm trong việc giám sát đánh giá, dự báo tình hình.

Các cơ quan quản lý cũng không kịp thời lên tiếng, cho đến gần đây khi ông Đoàn Nguyên Đức muốn nhập đường về, các doanh nghiệp đứng trước sức ép cạnh tranh trực diện, sát sườn thì Bộ Công thương mới lên tiếng.

Xin cảm ơn bà!

Theo MTG

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích