Trong báo cáo vừa gửi Chủ tịch UBND TP.HCM và Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Hiệp hội taxi TP.HCM kiến nghị các cơ quan Chính phủ và Thành phố “cần có hành động dứt khoát” với hoạt động của Uber.
Văn bản còn dẫn chứng một loạt nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan gần đây cũng đã có thái độ cứng rắn với Uber để bảo vệ kỷ cương trong kinh doanh vận tải của nước họ.
Đại diện giới kinh doanh taxi Thành phố lý giải, họ đề xuất như trên “không chỉ vì quyền lợi của các hãng taxi truyền thống mà còn góp phần đấu tranh bảo vệ kỷ cương phép nước, bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Cụ thể, với lãnh đạo Thành phố, Hiệp hội đề nghị xem xét thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nếu Uber vẫn cố tình hoạt động trái với giấy phép.
Uber đang vấp phải phản ứng quyết liệt từ các doanh nghiệp taxi truyền thống |
Dẫn kết quả thanh tra mới đây của Sở Giao thông TP.HCM, văn bản chỉ rõ, Uber được cấp phép hoat động trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn và nghiên cứu thị trường nhưng doanh nghiệp lại tham gia trực tiếp điều hành vận tải hành khách theo một quy trình khép kín như hoạt động của các hãng taxi truyền thống.
“Đáng ra Uber chỉ nên ký hợp đồng chuyển giao phần mềm ứng dụng cho các tổ chức, doanh nghiệp có chức năng kinh doanh hợp pháp. Nhưng không dừng lại ở đó, công ty này tiếp tục trực tiếp điều hành kinh doanh mạng lưới vận tải khách như một hãng taxi chui”, văn bản chỉ rõ.
Các doanh nghiệp taxi tố cáo, hiện tại Uber vẫn tích cực tuyển dụng lái xe, tổ chức tập huấn, quy định việc thưởng phạt cho lái xe và thực hiện việc bảo kê cho lái xe vi phạm thông qua việc cấp tiền nộp phạt cho lái xe khi bị cơ quan chức năng xử lý...
Hiệp hội nhận định, tất cả đối tác ký hợp đồng với Uber đều lập lờ về tính hợp pháp trong kinh doanh vận tải như vận chuyển hành khách có thu cước nhưng không đủ điều kiện hành nghề taxi, không có chỉ dẫn thương hiệu theo quy định của pháp luật hiện hành. Vào giờ thấp điểm, Uber áp dụng mức cước thấp hơn 15-20% với taxi truyền thống nhưng vào giờ cao điểm, ngày lễ thì tính cước cao gấp 2,5 lần so với giờ thấp điểm.
Bên cạnh đó mối quan hệ giữa Uber với chủ xe không minh bạch, không dựa trên cơ sở pháp luật Việt Nam. Các bên đều chỉ chăm chú phân chia quyền lợi mà không rõ ràng về nghĩa vụ như thuế, phí, về hình sự, dân sự, bảo hiểm khi xảy ra tai nạn... cho nên chắc chắn thiệt hại cuối cùng sẽ thuộc về khách hàng khi xảy ra sự cố.
Do vậy, thông qua UBND Thành phố và Bộ Giao thông, các doanh nghiệp taxi TP.HCM kiến nghị Chính phủ nên chấm dứt hoạt động kinh doanh trái phép của Uber cho đến khi họ tôn trọng pháp luật và chấp hành đầy đủ quy định về kinh doanh vận tải theo Nghị định 86 và Thông tư 63 hoặc cho đến khi Nhà nước ban hành các quy định điều chỉnh hoạt động hiện tại mà Uber đang triển khai.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Uber khu vực châu Á giữa tuần rồi, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đã cảnh báo Uber về việc tự định giá, thu tiền của khách hàng. Theo ông Hùng, chỉ có người đăng ký kinh doanh vận tải mới có quyền định giá, thu tiền của khách hàng, chịu thuế và chất lượng dịch vụ. “Uber tự định giá cước, thu tiền của hành khách đi xe là vi phạm pháp luật bởi đó chính là giá cước vận tải. Như vậy, Uber đã và đang bán dịch vụ vận tải. Uber cho rằng chỉ kinh doanh công nghệ nhưng thực chất là Uber đang điều hành vận tải”, ông Hùng nói. Trong khi đó, theo Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông) Trần Bảo Ngọc, Uber tuyên bố là chỉ kinh doanh phần mềm nhưng trong thực tế lại không hẳn như vậy. Bên cạnh đó, kết quả thanh tra gần đây cũng cho thấy việc lựa chọn đối tác của Uber "đang có nhiều vấn". Đại diện Bộ Giao thông đề nghị Uber nghiên cứu kỹ các điều kiện kinh doanh vận tải của Việt Nam và chia sẻ với các đối tác thực hiện theo các điều kiện đó. |
Theo VnExpress