Uber Việt Nam: 'Chúng tôi không kinh doanh trái phép'

Chủ nhật, 01/03/2015, 08:20
Giải thích việc Sở Giao thông vận tải TP.HCM kết luận kinh doanh trái phép, Uber cho rằng vì khá mới mẻ nên có thể đối tác của họ còn nhiều thiếu sót trong quá trình vận hành, nhưng khẳng định hoàn toàn tuân thủ pháp luật.

Sau nhiều lần kiểm tra, Sở Giao thông vận tải TP.HCM mới đây đã gửi văn bản lên Bộ Giao thông vận tải khẳng định Uber đang hoạt động tại TP.HCM không đúng với nội dung của giấy phép được Sở Kế hoạch đầu tư cấp. Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc điều hành Uber tại Việt Nam trao đổi với PV về kết luận này.

IMG-0309-281-29_1425087860.jpg

Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc điều hành Uber Việt Nam.

- Uber đăng ký 2 ngành nghề là dịch vụ tư vấn quản lý và dịch vụ nghiên cứu thị trường. Tuy nhiên, qua kiểm tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM kết luận công ty đang tham gia trực tiếp điều hành vận tải hành khách theo một quy trình khép kín. Ông lý giải sao về điều này?

- Uber là một công ty công nghệ. Ứng dụng điện thoại của chúng tôi hoạt động như một nền tảng công nghệ giúp kết nối các tài xế đã được cấp giấy phép hành nghề đầy đủ với các hành khách đăng ký sử dụng dịch vụ.

Công ty TNHH Uber thực hiện đúng ngành nghề kinh doanh đăng ký tại Việt Nam. Tại Việt Nam, chúng tôi tư vấn cho các đối tác về những lợi ích về kinh tế từ việc gia nhập hệ thống Uber và những mô hình quản lý hiệu quả dựa trên tính ưu việt của công nghệ. Chúng tôi cũng nghiên cứu thị trường để công ty mẹ, Uber B.V., trụ sở đặt tại Amsterdam triển khai chiến lược kinh doanh phù hợp. Mọi giao dịch của khách hàng và tương tác của đối tác vận tải thông qua hệ thống Uber đều do công ty mẹ Uber B.V. quản lý. Uber Việt Nam không tham gia vào hoạt động kinh doanh này.

Thực chất, do Uber quá mới mẻ lại mang tính đột phá và thay đổi cho một ngành công nghiệp vốn chưa có cơ hội phát triển trong nhiều năm qua, nên vẫn chưa được biết đến rộng rãi. Tại Việt Nam, Uber đã và đang có những cuộc thảo luận tính cực với các ban, bộ Chính phủ Việt Nam, trong đó có Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương để trình bày về mô hình kinh doanh của chúng tôi và từ đó đạt được những mục tiêu chung trong việc phát triển các lựa chọn phương tiện giao thông an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả.

Chúng tôi cũng mong muốn có cơ hội gặp gỡ Ủy ban Kinh tế Quốc hội trong những tuần sắp tới để được chia sẻ những lợi ích mà công nghệ Uber đã mang đến cho nền kinh tế Việt Nam.

- Vậy ông giải thích sao khi mới đây nhà chức trách tiếp tục có kết luận đã phát hiện 47 xe trong số 54 xe đang dùng dịch vụ của Uber không có chức năng kinh doanh vận tải theo quy định?

- Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã liên tục tiến hành các đợt kiểm tra tài xế có sử dụng phần mềm Uber. Các doanh nghiệp đối tác và tài xế đối tác của chúng tôi đã bị phạt vì các lỗi vi phạm “không mang hợp đồng khi lái xe” hoặc “xe hợp đồng không gắn bảng hiệu"… Rất nhiều tài xế đã phải trả những khoản phạt không hề nhỏ trong khi bằng lái của họ còn bị tạm giữ từ một đến 2 tháng, thậm chí có những trường hợp lên đến 4 tháng.

Vào ngày 29/1, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã cho triệu tập 9 trong số các đối tác của chúng tôi. Sở thông báo rằng họ sẽ tiến hành các cuộc kiểm tra đối với doanh nghiệp trong suốt những tuần tiếp theo đó. Chúng tôi hoàn toàn hoan nghênh những đợt kiểm tra này vì qua đó có thể nhìn ra được những thiếu sót của các đối tác trong việc tuân thủ luật pháp và từ đó làm việc hiệu quả hơn nhằm tuân thủ một cách đầy đủ nhất.

- Trước khi hợp tác, Uber đã xác minh tính pháp lý của các đối tác tại Việt Nam ra sao?

- Trên thực tế, các đối tác của chúng tôi luôn tôn trọng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Chính phủ, cũng như của Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, do mô hình Uber vẫn còn khá mới và chưa được hướng dẫn cụ thể nên Uber đã gặp không ít trở ngại để có thể thực hiện đầy đủ các yêu cầu được ghi trong Nghị định số 86/2014/ND-CP và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT. Dựa trên những cuộc kiểm tra riêng, chúng tôi biết rằng 100% đối tác đều có giấy phép kinh doanh phù hợp.

Đối với yêu cầu phải trang bị một hộp đen GPS, bình chữa cháy, lý lịch tài xế và bảng hiệu xe hợp đồng, chúng tôi vẫn đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác để có thể tuân thủ đầy đủ. Do nguồn lực tại các doanh nghiệp đối tác còn hạn chế nên quá trình thực hiện đầy đủ các quy định theo luật diễn ra lâu hơn dự kiến. Ba tuần trước, Uber đã gửi thư kiến nghị đến Bộ Giao thông vận tải gia hạn thêm thời gian để các đối tác của chúng tôi có thể hoàn tất đầy đủ các thủ tục theo luật pháp trong khoảng thời gian đó.

- Có ý kiến cho rằng Uber đang cạnh tranh không lành mạnh khi mở chiến dịch quảng bá thông qua hội thảo với tần suất mỗi tuần 2 lần để kêu gọi thêm chủ xe mới bằng cách treo thưởng 500.000 đồng khi môi giới, đồng thời tuyên bố sẽ thay thế nộp phạt trong trường hợp bị nhà chức trách xử lý. Chuyện này là như thế nào?

- Chúng tôi chỉ định kỳ tổ chức một số buổi gặp mặt để giúp các tài xế mới hiểu thêm về mô hình kinh doanh này, những cơ hội mà công nghệ của Uber mang lại cho họ, lợi ích đối với hành khách và những tiêu chuẩn để trở thành tài xế đối tác của Uber. Chúng tôi đang nỗ lực làm việc nhằm đảm bảo rằng các đối tác của mình tuân thủ đầy đủ và nghiêm ngặt theo pháp luật hiện hành.

- Hiện nay, Uber được đánh giá là có cước phí rẻ hơn taxi truyền thống. Ngoài ra, giá cước tại thị trường Việt Nam còn thấp hơn Philippiness, Thái Lan. Ông nói gì trước ý kiến cho rằng Uber Việt Nam đang trợ giá cho các đối tác?

- Thực tế, hành khách sẽ được xe đón chỉ trong vòng chưa đầy 5 phút, tài xế ít có thời gian nhàn rỗi mà có thể hoạt động tối đa công suất, thực hiện nhiều chuyến đi hơn. Cho nên, các tài xế kiếm được nhiều tiền hơn nhờ tăng số chuyến trong mỗi giờ thông qua phần mềm Uber. Giảm thời gian nhàn rỗi, tăng số chuyến đi, giúp người tiêu dùng có thể nhận được mức giá phải chăng nhất.

Tại Việt Nam, giá xe ôtô rất đắt, chi phí cố định rơi vào khoảng 60% - 80% giá cước, tức nếu cước là 15.000 đồng một km thì chi phí cố định cho mỗi cây số đã là 9.000-12.000 đồng với công suất sử dụng là 20%. Phần mềm công nghệ của Uber giúp cho cung gặp cầu và tăng hiệu suất sử dụng xe lên đến 80% - 90%. Điều này có nghĩa các đối tác lái xe của Uber thực hiện nhiều chuyến đi hơn, tăng thu nhập và có thể giảm giá cước mà vẫn có thể đạt được nguồn thu nhập ổn định.

- Vấp phải khá nhiều khó khăn như hiện nay, lại ít được nhà chức trách đồng thuận, Uber sẽ tính toán hướng phát triển ở thị trường Việt Nam trong thời gian tới như thế nào?

- Mặc dù còn khá nhiều thách thức, tuy nhiên, Uber đang tích cực làm việc với các ban ngành Chính phủ với mong muốn được chia sẻ những lợi ích mà công nghệ Uber đã mang đến cho nền kinh tế Việt Nam, cho ngành giao thông vận tải và du lịch, cũng như tạo ra một môi trường sống an toàn hơn cho người dân và cơ hội việc làm cho tài xế.

Trong tương lai, Uber mong muốn có cơ hội làm việc cùng Bộ Giao thông vận tải một lần nữa để thảo luận sâu hơn những vấn đề đang được quan tâm. Uber mong muốn được hợp tác với Chính phủ để mang đến những lợi ích của mô hình kinh tế chia sẻ này đến người dân Việt Nam.

Theo VnExpress

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích