Theo đó, GPBank có thể giống trường hợp Ngân hàng Xây dựng (VNCB) tức là được mua lại với giá 0 đồng. “Thậm chí, trong trường hợp âm vốn nhiều OceanBank sẽ được xử lý như VNCB”, ông Thanh khẳng định trên một trang tin điện tử.
Cùng đó, Phó Thống đốc Thanh nhấn mạnh việc mua lại 2 ngân hàng này (nếu có) và ngân hàng Xây dựng là những thương vụ mua bán chứ không phải là quốc hữu hóa. “Vì Ngân hàng Nhà nước không dùng tiền ngân sách để xử lý ba ngân hàng, nên không thể nói là quốc hữu hóa”- ông Thanh nói.
Hiện GPBank vẫn chưa có phương án khắc phục tình trạng âm vốn của mình. GPBank là 1 trong 9 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu từ đầu năm 2012. Đây cũng là ngân hàng thu hút sự quan tâm của thị trường do có thông tin bán 100% cổ phần cho đối tác nước ngoài là ngân hàng UOB đến từ Singapore.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2015, phương án này đã gián tiếp được thông báo không đi đến hồi kết. Còn OceanBank là ngân hàng mới bộc lộ yếu kém khi một số lãnh đạo của ngân hàng vướng vào vòng lao lý. “NHNN đang kiểm soát rất chặt chẽ ngân hàng này và thực hiện định giá lại tài sản của OceanBank. Nếu bị âm vốn và không tự khắc phục được sẽ bị mua lại với giá 0 đồng”- nguồn tin đáng tin cậy chia sẻ với Tiền Phong.
Chiều 1/3, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng khẳng định: Quốc hữu hoá là con đường đã được dự báo ở Việt Nam hơn 1 năm nay. “Tại nhiều nơi trên thế giới, các Chính phủ cũng chọn cách làm này để tái cơ cấu những ngân hàng quan trọng phục vụ mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia. Còn ở đây, NHNN đã chọn con đường quốc hữu hóa nhưng không phải vì chính sách tiền tệ mà là để “cứu” khỏi phá sản”- vị chuyên gia này nói.
“Về nguyên lý, những cổ đông để mất vốn ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Về mặt kỹ thuật, còn có quyền mua dưới giá vốn. Vấn đề ở đây là NHNN muốn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền để khách hàng, người dân không bị thiệt cũng như giữ cho sự ổn định vững vàng của hệ thống”. Một lãnh đạo của Vietinbank, nơi sắp nhận sáp nhập PGBank (NH Xăng Dầu Petrolimex).
Theo Tiền Phong