Ngân hàng chị nằm gần nơi có thắng cảnh chùa Hương, ngôi chùa nổi tiếng phía Bắc, luôn nườm nượp khách tới trẩy hội mỗi độ xuân về. Chùa Hương bắt đầu khai hội từ mồng 6 Tết và đỉnh cao là sau rằm tháng Giêng. Người dân đi lễ, ngoài tiền công đức còn đặt giọt dầu (tiền lễ), chủ yếu là tiền lẻ nhưng cộng lại cả mùa cũng lên đến hàng tỷ đồng.
"Mỗi lần đi đếm như vậy, chúng tôi phải mất cả tuần mới xong. Chưa nói đến chuyện độc hại, ngày nào cũng tiếp xúc với hàng chục bao tiền như vậy khiến tôi rất sợ", chị Lệ than.
Được giao việc thu hồi tiền lẻ từ các đền, chùa sau dịp lễ, Tết, bà Dương Bích Minh Thanh, Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) Hưng Yên cho hay mất rất nhiều thời gian cho công việc kiểm đếm. "Tiền công đức của các nhà đền dù 10 đồng hay một tỷ đồng thì ngân hàng vẫn phải bố trí đầy đủ ban bệ, các thành phần và ôtô chuyên dùng để thực hiện. Có những trường hợp chúng tôi phải thu theo cân", bà nói.
Ông Đặng Ngọc Kiên - Trưởng phòng Kế toán Agribank chi nhánh Hưng Yên cũng phản ánh vì mệnh giá tiền quá nhỏ, nhà băng phải cân sau đó mới chuyển về trụ sở chính để kiểm đếm chính xác bằng máy móc, thiết bị.
Thói quen đặt tiền lẻ khi đi lễ chùa của người dân đang làm đau đầu nhà quản lý và các ngân hàng. |
Tốn nhiều công sức mà tổng trị giá chỉ khoảng vài trăm đến trên một tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Chung - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Ninh nhận định có nhà băng còn chấp nhận lỗ với dịch vụ kiểm đếm, song vẫn phải làm để giữ khách. "Ngân hàng cử nhân viên đến làm việc mấy ngày liền, toàn tiền 200 đồng, 500 đồng nên tiền lãi chẳng đủ bù tiền công", ông Chung cho biết.
Công tác bảo quản tiền lẻ cũng gặp nhiều khó khăn. Theo vị lãnh đạo ngành ngân hàng Bắc Ninh, kho giữ tiền của các nhà băng chỉ vài chục m2, gần như không còn chỗ chứa vào dịp đầu năm khi tiền lẻ ùn về. "Tiền 500 đồng, mỗi bao khoảng 10 triệu, hai ba chục bao mới được vài trăm triệu. Tồn quỹ như vậy ngốn quá nhiều diện tích, gây ra trình trạng quá tải. Nhiều lúc chúng tôi chỉ lo các bao tiền đổ, mỗi lần xếp lại khổ lắm", vị này nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trọng Ngà, Phó Ban Quản lý di tích đền Mẫu (Hưng Yên) cho hay tiền trong hòm công đức hầu hết là tiền lẻ, mệnh giá phổ biến dưới 5.000 đồng.
"Có lần đổ ra, hai phần ba lượng tiền thu được là tiền 500 đồng và 1.000 đồng. Tiền 200 đồng mới đây đếm cũng được 200-300 tờ, xếp thành mấy tập", ông Ngà nói. Bởi vậy, nếu không có dịch vụ kiểm đếm của ngân hàng mà để nhà đền tự làm sẽ rất vất vả, thậm chí có thể xảy ra tình trạng thất thoát, mất nhiều thời gian do không đủ người.
Ông Trương Tiến Hồi, Phó Ban Quản lý di tích Phủ Tây Hồ (Hà Nội) cho hay năm nay tiền lẻ ở phủ chiếm tới 70% trong tổng số tiền thu về, có ngày thu 20 triệu thì tới 17 triệu đồng tiền dưới 5.000 đồng.
"Người dân phải đặt tiền vào tận ban mới yên tâm, cảm thấy như thế Ngài mới chứng cho. Có những thanh niên gấp đồng tiền thành phi tiêu, đứng từ bên ngoài phi vào tận trong cung. Có những người cao trên 1,8 m gài tít lên cao, tôi không thể với lên được", ông bức xúc.
Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết ba năm qua đã Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ lẻ vào lưu thông dịp Tết, chẳng hạn năm 2013 không in tiền mới mệnh giá 500 đồng, năm 2014 là tiền 1.000, 2.000 đồng và năm nay là tiền 5.000 đồng.
“Hoạt động đổi tiền lẻ không được phép hoạt động, do vậy nếu bị phát hiện sẽ bị phạt từ 20 đến 40 triệu đồng. Đây là điểm mới trong năm nay và biện pháp đủ mạnh để răn đe các vi phạm", Phó thống đốc cho biết.
Theo VnExpress