Điều hành cần khuất phục thị trường
Năm 2015 dự kiến đồng USD sẽ tăng giá so với các tiền tệ khác. Ngân hàng Nhà nước dự kiến điều chỉnh tối đa là 2%, tuy nhiên trong 7 ngày đầu năm đã “ăn” mất một nửa (1%). Việc này nên hiểu sao, thưa Thống đốc?
Đồng đô la Mỹ không chỉ lên giá năm nay mà từ nửa sau của năm 2014 đã lên cao. Trong năm 2014, NHNN nói điều chỉnh tối đa 2% nhưng cuối cùng chỉ điều chỉnh 1%. Nếu đúng theo kinh tế thị trường, thực ra hoàn toàn có thể điều chỉnh thêm 1% nữa từ tháng 11, thế nhưng có mấy lý do để không điều chỉnh. Thứ nhất, năm 2014, NHNN mua vào ngoại tệ quá nhiều từ đầu năm, tiền Việt (VNĐ) đưa ra khá lớn cho nên cuối năm cần “thu” về một ít. Muốn thu bớt tiền về để chuẩn bị cho năm tới, NHNN đương nhiên sẽ chọn bán ngoại tệ ra chứ không điều chỉnh.
Thứ hai là, đối với doanh nghiệp (DN), đến tháng 11 là gần như họ sắp sửa về đích rồi mà cơ bản người ta đều đã có kế hoạch kinh doanh năm nay lời lỗ như thế nào. Thế bây giờ bỗng dưng “ông” NHNN điều chỉnh thì nhiều DN sẽ “bốc hơi” mất một số lợi nhuận, tự nhiên làm cho người ta khó khăn. Thôi thì duy trì ổn định để những gì người ta đã nghĩ, hoạch định và có kế hoạch giữ được.
Thứ ba, thị trường đừng có nghĩ nói maximum (tối đa) 2% là cứ phải 2% để rồi chưa điều chỉnh là cứ chờ điều chỉnh. Cần phải để thị trường thấy rằng người cầm quyền có tính độc lập riêng và thị trường phải khuất phục. Nếu để thị trường đoán được và đồn thổi thì sẽ tạo ra dư luận, từ đó gây sức ép cho nhà điều hành. Với ba lý do trên, NHNN đã quyết định không điều chỉnh mà bán ngoại tệ can thiệp để duy trì ổn định. Bước sang đầu năm 2015, chúng tôi mới quyết định điều chỉnh và như đã thấy, thị trường vẫn giữ được ổn định.
Tin vào VNĐ, người dân mới gửi tiền dài hạn
Đầu xuân, nhìn lại quá trình xử lý một loạt vấn đề nóng như: hạn chế vàng hóa và đô la hóa, tiến tới tiếp tục hạ lãi suất, Thống đốc thấy thế nào?
Về chính sách tiền tệ, nếu phát hành nhiều tiền thì lạm phát là đương nhiên. Thời điểm vài năm trước, tôi khẳng định chỉ có chính thị trường “cứu” được thị trường. Cùng nhìn lại nhé. Lúc bấy giờ thị trường có hai thứ: một là ngoại tệ được “găm” giữ quá nhiều; hai là giữ quá nhiều vàng. Chưa kể thời điểm đó, thị trường vẫn đang “âm mưu” tiếp tục mua vào ngoại tệ và vàng. Việc cần làm là chặn đứng vàng hóa và đô la hóa. Nhưng muốn chặn được thì phải tạo niềm tin vào đồng Việt Nam. Đầu tiên phải để lãi suất VNĐ hấp dẫn.
Nếu thị trường người ta đã bảo lãi suất phải 15% thì cớ gì không để? Lãi suất 15%/năm quá “hoành tráng”. Thay vì mua đô la, mua vàng, người ta quay đầu sang gửi tiền Việt lãi cao. Khi thị trường dừng không mua đô và mua vàng nữa, cộng thêm các chính sách tác động khác (như quản lý vàng, hạ mạnh lãi suất tiền gửi USD), Ngân hàng Nhà nước mới đạt được mục tiêu “chặn” vàng hóa và đồng thời “ép” thị trường bán ngoại tệ ra. Khi tôi mới lên nhậm chức (tháng 8/2011), dự trữ ngoại hối có 7 tỷ đô la thôi; mà chỉ trong năm ấy mua mười mấy tỷ (tháng 9/2014 dự trữ ngoại hối ở mức kỷ lục hơn 35 tỷ đô la- PV).
Lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn giảm khá lý tưởng. Tuy nhiên trung và dài hạn vẫn bị “kêu” cao. Theo Thống đốc phải làm gì để về lâu dài, hạ được lãi suất các khoản vay này?
Về lãi suất, nếu để một nền kinh tế bất ổn về vĩ mô, lạm phát gia tăng, đừng đòi hỏi hệ thống ngân hàng có một lãi suất thấp và đặc biệt là không thể huy động được vốn trung và dài hạn. Lạm phát cao thì lãi suất ngắn hạn cũng phải cao; người dân sẽ không tin vào tiền đồng và chỉ gửi ngắn hạn thôi... Khi đó, chúng ta sẽ không có lãi suất trung và dài hạn, điều đó đồng nghĩa không có vốn cho trung và dài hạn và chỉ có vốn ngắn hạn. Trên góc độ điều hành việc của tôi phải làm cho lãi suất xuống và “đẩy” niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên. Có như thế thì dù có làm gì đi chăng nữa, lạm phát nhất định sẽ xuống.