Thương mại điện tử Việt Nam: Cậu bé Thánh Gióng chờ ngày vươn vai

Thứ hai, 12/10/2015, 12:11
Với những giải pháp nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) có sẵn trên thị trường hiện nay, bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng kinh doanh trên môi trường trực tuyến mà không cần phải bận tâm về kỹ thuật, tìm kiếm khách hàng, vận chuyển, thanh toán hay quản lý.

Kinh doanh trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh thời nay. Dù ở quy mô nào, nếu muốn tăng doanh thu và lợi nhuận, người ta không thể không nghĩ đến việc xây dựng các kênh bán hàng qua Internet.

Điểm thú vị của thị trường Việt Nam hiện nay là đang hình thành rõ nét sự kết hợp song song giữa hai mô hình trực tuyến và phi trực tuyến. Những người trước đây chuyên kinh doanh trực tuyến có xu hướng mở thêm chuỗi cửa hàng để bán hàng theo cách truyền thống. Ngược lại, người đã có cửa hàng sẽ nỗ lực thúc đẩy bán hàng qua mạng.

Giải quyết rào cản về công nghệ và chi phí

Để bán hàng trên trang web, thông thường, những điều căn bản mà người bán hàng phải làm là xây dựng trang web, giải quyết hàng loạt câu hỏi làm sao quảng bá cho nhiều người biết, tạo sự tin tưởng để khách mua hàng trên trang web, tăng đơn hàng; vận chuyển thế nào, thu tiền ra sao...

Và ngày nay, không chỉ bán trên trang web, người bán còn muốn mở rộng bán cùng lúc qua nhiều kênh, như qua mạng các mạng xã hội, các diễn đàn mạng, qua ứng dụng hoặc các công cụ tìm kiếm trực tuyến...

Với nhu cầu này, thường chỉ những công ty có đủ nguồn lực mới có thể kham nổi vốn liếng đầu tư, công việc chuẩn bị. Còn đối với những bạn trẻ khởi nghiệp, ít vốn, đây thực sự là điều vô cùng khó khăn. Thực tế cũng cho thấy đã có một số doanh nghiệp mạnh tay chi tiền tỉ để phát triển mảng bán hàng trực tuyến nhưng vẫn đang chật vật, cồng kềnh với các giải pháp.

Làm sao để vượt qua những rào cản khó khăn này?

Dù được xây dựng dựa theo mô hình thiết kế web mở nổi tiếng đã thành công trên thế giới của Shopity, BigCommerce... song tính đến thời điểm này, có thể nói Bizweb và Haravan là hai nền tảng TMĐT do đội ngũ kỹ sư Việt Nam phát triển giải quyết được rào cản về công nghệ và chi phí cho người bán hàng trực tuyến. Với sự sẵn có và quản lý tự động của các nền tảng này, chỉ cần một chiếc máy tính và có nguồn hàng/dịch vụ, bạn đã có thể bắt tay vào kinh doanh trực tuyến mà không cần bận tâm am hiểu công nghệ, đầu tư nhân sự, vận hành, quản lý.

Thành lập năm 2010, theo thông tin từ Bizweb cung cấp, hệ thống này hiện có khoảng 10.000 chủ trang web (mục tiêu đến năm 2016 đạt 16.000 khách hàng). Trong tháng 8 vừa qua, Bizweb đã ra mắt phiên bản mới theo mô hình thiết kế mở dựa trên công nghệ điện toán đám mây. Ngoài cung cấp giải pháp về hạ tầng cho số lượng khách bán hàng trực tuyến lớn đó, phiên bản mới cho phép Bizweb tạo ra một liên minh đối tác để cùng nhau “phục vụ” lượng khách hàng đang ngày càng nhiều lên với những yêu cầu cao hơn về chất.

Cụ thể, nền tảng Bizweb cho phép các đối tác là cá nhân hoặc công ty chuyên phát triển ứng dụng, thiết kế giao diện trang web, tiếp thị liên kết, chuyên gia thiết lập trang web, người chụp hình sản phẩm, giao hàng, cổng thanh toán, tổng đài... cùng tham gia vào nền tảng Bizweb để giới thiệu/bán sản phẩm của mình đến mấy chục ngàn chủ trang web mà hệ thống đang có.

Với sự quy tụ hệ sinh thái bán hàng trực tuyến trên một nền tảng như vậy, những chủ bán hàng trực tuyến tại đây dễ dàng tìm kiếm cho mình những tính năng, tiện ích để quản lý sản phẩm, quản lý khách hàng, tiếp thị thông qua kho giao diện, kho ứng dụng, cũng như các dịch vụ liên quan với chi phí thấp. Bizweb hiện đã hợp tác với hơn 20 đối tác như Giao hàng nhanh (giao hàng), Sapo (quản lý bán hàng), Subiz (Live chat), Vietguys (SMS Marketing), Websosanh (so sánh giá)... để cung cấp giải pháp cho việc kinh doanh trực tuyến.

Ra đời muộn hơn (năm 2014) nhưng Haravan đang nỗ lực để trở thành một nền tảng không thể thiếu, đặc biệt đối với những bạn trẻ, trước làn sóng khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến, đồng thời tạo ra những giá trị thiết thực cho các cá nhân, doanh nghiệp phát triển kinh doanh.

Nền tảng Haravan bao gồm những tính năng thiết yếu cho kinh doanh trực tuyến, như sẵn sàng về hạ tầng, quy trình vận chuyển, xử lý đơn hàng, cung cấp kho giao diện trải nghiệm phù hợp với hàng trăm ngành hàng, kho ứng dụng chăm sóc khách hàng, chat với khách hàng, đội ngũ cộng tác viên viết bài... Haravan cũng tạo ra một sàn giao dịch TMĐT bằng cách liên kết với diễn đàn 5giay, webtretho..., khi bạn đăng một sản phẩm lên trang web của mình thì sản phẩm đó sẽ được xuất hiện trên các “site” mà Haravan liên kết.

Cùng với những công ty về vận chuyển, thanh toán, liên kết với cộng đồng, đối tác, Haravan đã giúp cho việc bán hàng trực tuyến thuận tiện. Đăng nhập vào Haravan, chỉ cần 10 phút là khách hàng đã có thể tạo ra cho mình một trang web mới để khởi sự kinh doanh. Trong trường hợp khách hàng đã có sẵn trang web, nền tảng Haravan cũng cho phép khách hàng “chuyển nhà” nếu muốn.

Tiềm năng phải đi đôi với niềm tin tiêu dùng

Sự phát triển và tiềm năng khai phá vượt bậc của thị trường TMĐT Việt Nam luôn được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tiềm năng đó được thể hiện thuyết phục qua lượng người dùng Internet ở Việt Nam đông và có mức tăng nhanh (ước đạt 43 triệu người vào năm 2016).

Số liệu từ EuroMonitor ghi nhận, nếu năm 2011, tỷ trọng TMĐT Việt Nam chiếm 0,25% thị trường, đạt 154 triệu đô la Mỹ thì đến cuối năm 2016, tỷ trọng này dự kiến tăng gần gấp 3 lần, đạt 0,71% với giá trị vốn hóa tăng gấp 6 lần, đạt trên 900 triệu đô la Mỹ (trên 20.000 tỉ đồng).

Dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 do Cục TMĐT và CNTT (thuộc Bộ Công Thương) soạn thảo đã xác định TMĐT sẽ là một trong những kết cấu hạ tầng quan trọng của lĩnh vực thương mại và của xã hội thông tin, đồng thời là phương thức kinh doanh giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất nhập khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dự kiến thời gian tới, TMĐT Việt Nam còn phát triển mạnh hơn nữa, đặc biệt là TMĐT trên di động. Theo ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc sàn TMĐT Sendo.vn, tỷ lệ người mua sắm trên thiết bị di động tại Việt Nam đang cao hơn các nước khác, và trong năm năm tới, số lượng người sử dụng thiết bị di động sẽ cao bằng lượng người dùng Internet. Tại sàn Sendo, năm 2014, có 30% số khách hàng truy cập vào Sendo bằng thiết bị di động, chiếm 5% tổng số đơn hàng. Đến năm 2015, các con số này tăng lên, lần lượt là 60% và 30%. Dự kiến năm 2016 sẽ có ba phần tư số khách hàng truy cập trên di động, chiếm 50% đơn hàng.

TMĐT Việt Nam hiện được ví như cậu bé Thánh Gióng đang chờ ngày vươn vai thành tráng sĩ. Những tên tuổi trong tốp trang web bán hàng trực tuyến đang đầu tư rất mạnh cả về công nghệ nền tảng lẫn phát triển thị trường chiều rộng và chiều sâu. Mới đây, sàn Sendo ra mắt một số tính năng tiện dụng, cho phép chỉ cần một lần nhấp chuột là có thể đặt hàng ngay hàng ngàn sản phẩm.

Bên cạnh đó người mua có thể tìm kiếm sản phẩm bằng giọng nói và quẹt mã QR code, chat trực tiếp với người bán để được tư vấn về sản phẩm ngay lập tức, cập nhật chi tiết trạng thái đơn hàng khi vận chuyển và giao nhận. Sendo cũng cung cấp ứng dụng bán hàng trực tuyến dành cho người bán, giúp người bán quản lý đơn hàng mọi lúc mọi nơi, cập nhật thông tin sản phẩm nhanh, tư vấn cho người mua dễ dàng.

Với môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện, sự sẵn sàng của nền tảng mở với những giải pháp toàn diện chi phí thấp, sự đầu tư bài bản của những sàn giao dịch hướng đến lợi ích người bán và tạo niềm tin đối với người mua, nhiều người đang kỳ vọng TMĐT Việt Nam sẽ có bước chuyển mình đáng kể trong năm tới.

Trang bán hàng Lazada cũng vừa thêm phần đóng dấu chứng nhận, cam kết những mặt hàng có dấu chứng nhận đều là sản phẩm chất lượng phù hợp với mức giá. Lazada cho phép người mua ghi nhận xét thích hoặc thất vọng về một sản phẩm nào đó mà họ đã mua trên trang web ngay bên dưới phần giới thiệu sản phẩm.

Ra mắt từ tháng 8-2015 đến nay, trang bán hàng Adayroi của tập đoàn Vingroup cũng làm dậy sóng thương trường bởi những cố gắng trong dịch vụ. Tuy nhiên, ngay cả một số trang bán hàng trực tuyến lớn hiện vẫn nhận không ít những phản hồi tiêu cực từ phía người dùng. Đó là tình trạng bán hàng “nhái” với mức giá gần “hàng thật”, niêm giá cao trước khi giảm giá, chất lượng và hình ảnh sản phẩm thực không “lung linh” như trên trang web.

Nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các bên tham gia giao dịch và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên môi trường mua bán di động, Cục TMĐT và CNTT vừa xây dựng thông tư quản lý hoạt động TMĐT trên nền tảng di động. Dự thảo đang trong thời gian lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Với môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện, sự sẵn sàng của nền tảng mở với những giải pháp toàn diện chi phí thấp, sự đầu tư bài bản của những sàn giao dịch hướng đến lợi ích người bán và tạo niềm tin đối với người mua, nhiều người đang kỳ vọng TMĐT Việt Nam sẽ có bước chuyển mình đáng kể trong năm tới.

Theo TB KTSG

Các tin cũ hơn