Đùi gà Mỹ đối mặt với vụ kiện tại VN |
Hôm (5/10), ông Lê Văn Quyết – Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ - đã cho biết Hiệp hội này đang hoàn thành các thủ tục để sau hơn 1 tháng nữa có thể chính thức khởi kiện bán phá giá gà Mỹ tại Việt Nam. Sự kiện này nêu bật những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở tung cánh cửa để các doanh nghiệp nước ngoài bước vào thị trường nội địa.
Việt Nam được đánh giá là nước hưởng lợi lớn nhất từ TPP – hiệp định sẽ thúc đẩy xuất khẩu nhờ giảm thuế trên nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như giày dép, thủy sản đến may mặc. Tuy nhiên vụ kiện chống phá giá thịt gà này cho thấy các ngành của kinh tế Việt Nam cũng có nguy cơ phải đối mặt với những bài học đau đớn trên thương trường quốc tế vì sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo Murray Hiebertm - chuyên gia đến từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Việt Nam đang học được rằng trong khi một số sản phẩm (như dệt may) được hưởng lợi lớn, một số ngành khác mà đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp có thể đánh mất thị phần vào tay các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về quy mô.
“Chúng tôi phải bảo vệ ngành của mình. Các thành viên trong hội đều đang kiệt sức thua lỗ”, ông Âu Thanh Long - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ - nói. Ông vừa trở về từ Mỹ sau một chuyến đi thực tế.
Theo ông Long, trong 16 tháng qua thịt gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ đã khiến người chăn nuôi gà ở Việt Nam thiệt hại khoảng 2.700 tỷ đồng (tương đương 120 triệu USD). Các thành viên của Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cung cấp khoảng 90% lượng thịt gà tiêu thụ trên cả nước với khoảng 2,4 triệu con gà mỗi tuần.
Phản bác lại lập luận của phía Việt Nam, các nhà sản xuất ở Mỹ nói rằng cơ chế so sánh giá là không chính xác. Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ đang so sánh mức giá trung bình của loại thịt gà đắt nhất trong siêu thị Mỹ (là loại được bù giá, nuôi chăn thả, không dùng kháng sinh và đã được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) chứng nhận) với giá đùi gà góc tư đông lạnh xuất khẩu theo lô.
Các công ty gia cầm ở Mỹ đều dựa vào lợi thế về quy mô và nguồn thức ăn chăn nuôi giá rẻ để hạ giá thành (thức ăn chăn nuôi chiếm tới 70% chi phí sản xuất của ngành này). “Chúng tôi là những nhà sản xuất thịt gà có chi phí thấp nhất trên thế giới”, Chủ tịch Hiệp hội gia cầm và trứng của Mỹ - James Sumner - nói.
Theo Adam Sitkoff - Giám đốc phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam, hầu hết các công ty chăn nuôi gà ở Mỹ có quy mô lớn với hàng nghìn nhân công. Tuy nhiên thông thường, người tiêu dùng Việt Nam không mua thịt gà đông lạnh.
Trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu 54.036 tấn thịt gà từ Mỹ, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết là thịt gà đùi.
Tony Foster, chuyên gia đến từ công ty luật Freshfields Bruckhaus Deringer, nhận định những vụ kiện thương mại như thế này sẽ có xu hướng gia tăng khi các hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực. Năm nay Việt Nam cũng đàm phán các hiệp định với Liên minh châu Âu và Hàn Quốc.
Theo TriThứcTrẻ