Kiện con gà Mỹ phải mất nhiều công sức

Thứ hai, 10/08/2015, 11:34
Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ cuối tháng 7-2015 gửi đơn đến một số cơ quan như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng đùi gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên, để chính thức tiến hành vụ kiện, các doanh nghiệp trong ngành phải có những chuẩn bị cụ thể, đòi hỏi đầu tư về công sức, nguồn lực, đặc biệt khi vụ kiện này lại nhắm vào Mỹ - một nước có nhiều kinh nghiệm về các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Đại diện một hiệp hội chăn nuôi cho rằng “phải theo đuổi vụ kiện để tìm đường sống”

Chuẩn bị nhiều thông tin

Theo ông Nguyễn Hải, luật sư Công ty Mayer Brown JSM, một vụ kiện chống bán phá giá thường khá phức tạp và kéo dài từ 12-18 tháng, đòi hỏi việc nghiên cứu hồ sơ một cách cẩn trọng để có thể đưa ra các cơ sở vững chắc cho các lập luận của bên khởi kiện xuyên suốt quá trình điều tra. Về cơ bản, để tiến hành vụ kiện, ngành chăn nuôi cần phải tập trung chứng minh được bốn điểm.

Thứ nhất là tư cách khởi kiện. Điều kiện tiên quyết để nộp đơn khởi kiện là bên khởi kiện phải đáp ứng được tính đại diện cho ngành sản xuất trong nước. Theo đó, các doanh nghiệp nộp đơn phải có khối lượng hoặc giá trị hàng hóa họ sản xuất hoặc đại diện chiếm ít nhất 25% tổng số lượng hoặc giá trị sản xuất của toàn ngành.

Trường hợp hiệp hội nộp đơn thì hiệp hội phải đại diện cho các doanh nghiệp có lượng sản xuất tương tự. Ngoài ra, trong trường hợp có doanh nghiệp chăn nuôi phản đối đơn, thì tổng sản lượng hoặc giá trị sản xuất và đại diện bởi các doanh nghiệp ủng hộ đơn phải lớn hơn sản lượng hoặc giá trị của các doanh nghiệp phản đối đơn.

“Theo tôi hiểu thì trong vụ việc này, các doanh nghiệp Việt Nam đã có được sự đồng thuận rất cao về việc khởi kiện”, ông Hải cho biết.

Thứ hai là chứng minh có bán phá giá. Theo ông Hải, ngành chăn nuôi cần phải chứng minh được rằng các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ đang được bán phá giá. Thông thường, nếu các nhà sản xuất Mỹ bán sản phẩm tại Việt Nam với giá thấp hơn giá họ bán tại Mỹ thì đúng là có việc bán phá giá, và do đó có thể tiến hành khởi kiện chống bán phá giá.

Thứ ba là chứng minh có thiệt hại. Có nghĩa là, bên nguyên đơn phải chỉ ra được rằng ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn, thể hiện qua các chỉ số kinh tế như giảm doanh thu, lợi nhuận, thị phần, công suất nhà xưởng, giá giảm hoặc không thể tăng. Các chỉ số kinh tế cần phải chứng minh đều được quy định tại Hiệp định Chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các án lệ liên quan của WTO.

Thứ tư là bên khởi kiện phải chỉ ra được mối quan hệ nhân quả giữa bán phá giá và thiệt hại. Điều này có nghĩa là phải chứng minh được “thiệt hại kinh tế” là do “giá bán phá giá” gây ra chứ không phải nguyên nhân nào khác. Ví dụ, nếu mức sản xuất tại Việt Nam giảm tuyệt đối hoặc giảm tương đối trong 3 năm qua trong khi lượng hàng nhập khẩu tăng thì điều đó sẽ củng cố cho luận điểm của hiệp hội chăn nuôi rằng ngành chăn nuôi Việt Nam đang bị “thiệt hại kinh tế” do hàng nhập khẩu từ Mỹ gây ra.

Doanh nghiệp phải chủ động

“Tôi có được biết là các doanh nghiệp có gửi đơn kiến nghị các cơ quan chức năng điều tra tình trạng bán phá giá này. Về vấn đề này, mặc dù trên lý thuyết, Cục Quản lý cạnh tranh có quyền tự tiến hành điều tra nhưng thực tế hiếm khi các cơ quan điều tra trên thế giới tự tiến hành. Do đó, doanh nghiệp phải xác định đây là việc của doanh nghiệp gắn với lợi ích sát sườn của mình để chủ động tiến hành vụ kiện”, ông Hải cho biết.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn khởi kiện cũng phải chuẩn bị nguồn lực để theo đuổi vụ kiện, bao gồm tài chính để thuê luật sư và phải có một đội ngũ cùng làm việc với luật sư trong suốt vụ việc. Việc chọn luật sư tư vấn và đại diện phù hợp là rất quan trọng.

Tại một hội thảo về phòng vệ thương mại vào cuối năm ngoái tại TPHCM, theo phòng Điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương), khi muốn kiện phòng vệ thương mại, điều đầu tiên mà doanh nghiệp quan tâm là nộp hồ sơ, tuy nhiên việc này không đơn giản.

Chẳng hạn, trong vụ Công ty TNHH Posco VST và Công ty cổ phần Inox Hòa Bình vào tháng 5-2013 khởi kiện thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, và lãnh thổ Đài Loan, bản thân Posco VST tại Việt Nam cũng bị kiện chống bán phá giá ở nước ngoài nên có nhiều kinh nghiệm về việc này, nhưng họ phải mất một năm để chuẩn bị hồ sơ kiện chống bán phá giá gửi lên Cục Quản lý cạnh tranh.

Thông thường doanh nghiệp Việt Nam mạnh ai nấy làm, vì cũng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên thị trường, nên ngày hôm nay nói bắt tay nhau không phải là chuyện dễ, mà càng nhiều doanh nghiệp thì càng có nhiều ý kiến bất đồng. Khi đi kiện, thường không phải một doanh nghiệp mà là một nhóm doanh nghiệp khởi kiện, do đó khi làm hồ sơ, doanh nghiệp không sẵn sàng cung cấp hết toàn bộ số liệu thông tin, vì họ lo sợ sau khi hợp tác kiện, sẽ bị lộ ra thông tin cạnh tranh của nhau và sẽ gặp bất lợi sau này. Trên thực tế, doanh nghiệp nào cũng lo lắng về điều này, mặc dù luật sư và Cục Quản lý cạnh tranh cam kết giữ bí mật số liệu.

Doanh nghiệp khi đi kiện cũng phải cung cấp số liệu nhập khẩu để cơ quan điều tra biết họ kiện công ty nào, số lượng nhập của các công ty này vào Việt Nam là bao nhiêu, và phải chứng minh được thị phần của hàng nhập khẩu của doanh nghiệp này bán tại Việt Nam phải trên 3%. Bản thân doanh nghiệp khi đi kiện cũng phải có đề xuất, tính toán đề ra biên độ phá giá để cung cấp cho cơ quan điều tra.

Để chứng minh thiệt hại, cơ quan điều tra yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin lợi nhuận, doanh thu của một nhóm sản phẩm cụ thể, nhưng doanh nghiệp khó bóc tách vì sổ sách không rõ ràng.

Tính đến cuối năm 2014, Cục Quản lý cạnh tranh đã điều tra tiền tố tụng 11 vụ, nhưng hiện nay mới khởi xướng ba vụ kiện và áp thuế hai vụ. Điều này cho thấy có nhiều doanh nghiệp mong muốn sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại, nhưng do sự phức tạp và khó khăn nên doanh nghiệp nản chí.

Theo một người am hiểu về các vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước tại Cục Quản lý cạnh tranh, trước đây doanh nghiệp chăn nuôi từng muốn kiện gà nhập khẩu, nhưng khi đó thông tin có chỉ sơ bộ và dừng ở mức độ nghe ngóng tình hình, nhưng đến thời điểm này thông tin từ Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ đã cụ thể và đầy đủ hơn.

Theo ông Hải, nếu Hiệp hội Chăn nuôi khởi kiện thì cần lưu ý mục tiêu của vụ kiện này là các doanh nghiệp Mỹ vốn đã quá quen thuộc với các vụ kiện chống bán phá giá. Điều này sẽ là thách thức không nhỏ cho ngành chăn nuôi Việt Nam và đòi hỏi phải có sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đặc biệt là kinh nghiệm trong các vụ việc liên quan đến Mỹ.

Tuy nhiên, mặt hàng gà (chân và đùi gà - PV) của Mỹ đã bị kiện và bị áp thuế chống bán phá giá tương đối cao tại nhiều thị trường như Trung Quốc, Nam Phi, Mexico. Do đó, việc này cũng góp phần củng cố niềm tin cho các doanh nghiệp Việt Nam về khả năng thắng kiện.

Ngành chăn nuôi gia cầm Mỹ phủ nhận việc bán phá giá tại Việt Nam

Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu trứng và gia cầm Mỹ (USPEEC) hôm 3-8 đưa ra một thông báo phủ nhận việc bán phá giá thịt gà Mỹ tại Việt Nam như thông tin báo chí Việt Nam đưa gần đây.

Theo ông Jim Sumner, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu trứng và gia cầm Mỹ, một số phần thịt của gà Mỹ được bán tại Việt Nam ở mức giá tương tự hoặc cao hơn so với mức giá ở Mỹ, do đó theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới các sản phẩm thịt gà này không bị bán phá giá. Vị chủ tịch này cũng cho biết thêm, những người chăn nuôi gia cầm Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận là do giá thức ăn chăn nuôi cao.

“Chúng tôi rất thông cảm rằng tình trạng này đang ảnh hưởng đến các nhà sản xuất địa phương. Người tiêu dùng Việt Nam nên lưu ý rằng việc khiếu nại đang hướng về các sản phẩm thịt đùi gà đông lạnh nhưng các sản phẩm này không cạnh tranh trực tiếp với gà địa phương tươi, nguyên con, là sản phẩm ưa thích của người tiêu dùngViệt Nam”, ông Sumner nói.

Theo hiệp hội này, hai phần ba lượng đùi gà góc tư sản xuất ở Mỹ được tiêu thụ tại Mỹ, số còn lại được xuất khẩu tới hơn 125 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam với giá bán tương tự tại Mỹ. Các sản phẩm gia cầm của Mỹ được xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là đùi gà góc tư, đùi gà, và chân gà.

Ông Sumner lưu ý rằng tất cả sản phẩm gia cầm của Mỹ đều được Bộ Nông nghiệp Mỹ kiểm tra về tính tươi nguyên và những sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng được tiêu chuẩn cao về chất lượng và an toàn thực phẩm giống như những sản phẩm được tiêu thụ tại Mỹ.

Ông Sumner cho biết thêm, vào năm 2010, Trung Quốc đã đưa ra vấn đề đánh thuế bán phá giá đối với ngành công nghiệp thịt gà Mỹ, nhưng sau một quá trình pháp lý kéo dài làm hao tốn thời gian và nguồn lực cho cả Trung Quốc và Mỹ, Tổ chức Thương mại thế giới đã đưa ra phán quyết có lợi cho ngành công nghiệp sản xuất thịt gà Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, cho biết hiện hiệp hội vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) liên quan đến đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ vào ngày 29-7.

Song hiệp hội đã có những bước chuẩn bị đầu tiên như mời luật sư bào chữa, thu thập tài liệu liên quan…

Đối với vấn đề tài chính cho vụ kiện, ông Ngọc cho biết, không quá lo lắng vì lâu nay ngành chăn nuôi thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng do không cạnh tranh được với thịt nhập khẩu nên việc bỏ ra vài tỉ đồng để theo đuổi vụ kiện hiệp hội lo được. “Đối với chuyện tiền nong, chỉ cần mỗi trang trại đóng góp khoảng 1 triệu đồng là chúng tôi có đủ tiền để theo đuổi vụ kiện lâu dài”, ông Ngọc nói, “Chúng tôi không còn lựa chọn nào nữa rồi, nếu để mọi việc diễn ra như lâu nay, người chăn nuôi sẽ phá sản, vì thế, phải theo đuổi vụ kiện để tìm đường sống”.

Theo TBKTSG

Các tin cũ hơn