Để chứng minh hiệu quả của phần mềm được cho là tự động đăng bài, nhắn tin đến người dùng trên mạng xã hội, quản lý tên Dược (Công ty H., trụ sở trên đường Cách Mạng Tháng 8, quận 3) sử dụng cho ứng viên xem.
Chỉ với 1 cú bấm chuột, tin nhắn được anh ta gửi đến khoảng 5.000 người lạ trên một mạng xã hội.
Bằng cách thức này, trong một ngày, hàng loạt bài đăng hay tin nhắn được công ty H. gửi đến cả trăm nghìn người dùng mạng xã hội. Nhiều bạn trẻ yêu thích kinh doanh, hay chưa có việc làm khi đọc được những lời quảng cáo hấp dẫn liền tìm đến công ty này phỏng vấn.
Thấy bạn bè bán shop online, Lê Thị Hoa (19 tuổi, quê Đồng Tháp) cũng muốn làm nhưng không có tiền mua hàng. Qua Facebook, cô gái nhận được "vé" tham dự hội thảo kinh doanh trên mạng xã hội.
Thẻ học viên của Công ty H. Ảnh: K.T. |
Đến nơi, Hoa được nhân viên yêu cầu tham gia khóa học nghiệp vụ 6 ngày. Công ty nói khóa học có một giảng viên từ Mỹ về dạy, học phí ngoài thị trường hơn 1 triệu, nhưng họ chỉ lấy 250.000 đồng. Thấy được làm công việc yêu thích mà chỉ mất một số tiền nhỏ nên cô gái tham gia.
"Nhưng họ không đào tạo gì về marketing online mà hướng dẫn sơ sài về cách tạo tài khoản trên mạng và dẫn dụ người khác mua hàng. Suốt khóa học, họ chỉ chăm chăm nhồi nhét vào đầu bọn em những mức thu nhập khủng và cuộc sống giàu sang", Hoa nói.
Còn Hoàng Anh (27 tuổi) cho biết, vừa nghỉ việc ở một công ty, thấy lời quảng cáo hấp dẫn của công ty B.H trên mạng xã hội nên anh đến tìm cơ hội.
Anh được đưa giấy yêu cầu điền thông tin, nộp kèm 2 ảnh 3x4 cùng CMND rồi đi gặp quản lý. Thanh niên này thắc mắc làm công việc gì thì người này nói tạo hệ thống sale online, thu nhập đến từ tiền bán hàng và hoa hồng nếu "dụ" được người vào hệ thống.
Nghi ngờ kinh doanh đa cấp, nên cả Hoa và Anh kiếm cớ ra khỏi công ty. Suốt mấy ngày sau đó, họ bị người hướng dẫn liên tục gọi điện làm phiền, thuyết phục đóng tiền để... đi làm.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ tỉnh táo như Hoa và Anh. Núp bóng dưới chiêu bài marketing online, nhiều người đã đóng tiền để tham gia vào hệ thống mà không hay biết đang bước chân vào kinh doanh đa cấp.
Hải (22 tuổi, quê Đắk Lắk) bán cả xe máy của mình mua gói hàng 15,7 triệu để bắt đầu kinh doanh, bất chấp lời khuyên can của người khác. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại có rất nhiều công ty sử dụng chiêu bài tương tự như đơn vị H.
Nhiều người đến Công ty H. phỏng vấn để đi làm. Ảnh: K.T. |
Muốn làm thì phải có mã kích hoạt
Tốt nghiệp một trường cao đẳng ở Đà Nẵng, Lê Văn Anh (24 tuổi quê Hà Tĩnh) vào TP.HCM xin việc làm. Nộp đơn nhiều nơi nhưng không được nhận, người này đọc được tin tuyển dụng từ công ty W. trên đường Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận).
Tại đây, sau buổi nói chuyện, Anh được yêu cầu muốn gia nhập công ty thì phải mua mã kích hoạt hơn 4 triệu đồng. Đang lúc thất nghiệp, thanh niên này làm liều bằng cách vay mượn tiền của bạn bè mua mã kích hoạt để đi làm.
Tuy nhiên, nộp tiền rồi Anh không được bán hàng như lời hứa mà phải lôi kéo người khác gia nhập vào công ty. Tháng đầu không mời được người nào, công ty bắt Anh nộp thêm 4 triệu để gia hạn mã.
"Ngoài việc đóng tiền, bọn mình còn phải tự mua quần áo vest, tạo phong cách đại gia để dẫn dụ người khác. Sau 2 tháng, tổng số tiền mình bỏ ra gần 20 triệu nhưng không thu được đồng nào, bạn bè đòi nợ, tiền trọ không có trả. Cuối cùng mình đành gọi điện về cầu cứu cha mẹ, họ phải bán trâu cho mình trả nợ", Anh tâm sự.
Ngọc (21 tuổi) nghe lời bạn mua 3 mã số của công ty W. Là sinh viên, không có nhiều tiền, cô gái được tuyến trên "tư vấn" cầm cố CMND và giấy tờ tùy thân để vay với lãi suất mỗi ngày 5.000 đồng/1 triệu.
Làm được ít bữa, Ngọc nhận ra cách kinh doanh của công ty không như lời giới thiệu. Họ yêu cầu Ngọc phải đưa thật nhiều người khác tham gia hệ thống mới được nhận hoa hồng, số tiền này cũng rất ít chứ không phải hàng chục triệu đồng như hứa hẹn.
Càng ngày, Ngọc càng lún sâu vào hệ thống đa cấp, và số tiền lãi ngày càng tăng lên. Nhà nghèo, không muốn cho cha mẹ biết, và không muốn người khác lâm vào tình cảnh như mình, cô gái chịu mất hơn 15 triệu, nghỉ việc để đi làm gia sư, trả nợ dần.
Đa cấp là hình thức kinh doanh phổ biến ở nhiều quốc gia. Thông qua đa cấp, các doanh nghiệp đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng mà không phải qua các khâu trung gian, đại lý hay cửa hàng bán lẻ. Hình thức này tốn ít chi phí do không phải mất tiền thuê kho bãi, vận chuyển hàng hóa, quảng cáo sản phẩm. Thay vào đó, số tiền này được trả thưởng cho nhà phân phối và đưa sản phẩm với giá tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi vào Việt Nam, đa cấp biến tướng thành hình thức kinh doanh xấu xí, thậm chí lừa đảo. Thay vì quảng bá, giới thiệu sản phẩm, công ty bán hàng đa cấp ở Việt Nam lại vẽ ra một bức tranh màu hồng với cuộc sống xa hoa, thu nhập tốt để dẫn dụ nhiều người tham gia vào hệ thống. Lợi nhuận của họ không đến từ sản phẩm mà đến từ việc tuyển dụng thành viên mới. |
Theo Zing