Gặp tác giả của status gây bão: "Đứng dậy đi, hỡi những thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp"

Thứ bảy, 08/08/2015, 09:02
"Bạn cầm tấm bằng trong tay thì được, nhưng đừng níu kéo nó. Người ta chỉ quan tâm đến giá trị của bạn mà thôi." - Nguyễn Minh Ngọc, tác giả bài viết "Đứng dậy đi những thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp" đang gây bão trên mạng xã hội chia sẻ thêm quan điểm của mình về câu chuyện tấm bằng đại học.
Mới đây, bài viết “Đứng dậy đi những thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp” của CEO Nguyễn Minh Ngọc (Giám đốc Gemslight Company Ltd) nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Đa số mọi người cho rằng, anh đã nói lên thực trạng của một bộ phận bạn trẻ lười biếng, thiếu đam mê hiện nay nhưng cũng không ít người nghĩ kết luận mà anh đưa ra là thiếu chính xác và mang tính phiến diện.

Nguyễn Minh Ngọc sinh năm 1990, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội chuyên ngành Kỹ sư Hóa dầu. Hiện nay, anh là người sáng lập kiêm tổng giám đốc công ty Gemslight. Đây là công ty hoạt động đa ngành với những lĩnh vực tiên phong với yêu cầu sáng tạo cao như: Chuyển giao công nghệ di động AFTER-APPLE; Thiết kế website, quảng cáo khác biệt; Thương mại điện tử; Đào tạo kỹ năng, phát triển tiềm năng cá nhân...

Bên cạnh công việc kinh doanh, Nguyễn Minh Ngọc cũng là một diễn giả chuyên diễn thuyết, giảng dạy các kỹ năng mềm.
Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với CEO Nguyễn Minh Ngọc với hy vọng hiểu rõ hơn quan điểm và cách nhìn nhận của anh về nạn thất nghiệp ở Việt Nam.
"Hãy bỏ bằng cấp đi!"

Xin chào anh Minh Ngọc, bài viết "Đứng dậy đi những thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp" của anh đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Bên cạnh những ý kiến đồng tình,  rất nhiều người lên tiếng phản bác quan điểm của anh. Vậy trong thời gian qua, anh đã đón nhận những ý kiến đó ra sao?

90% là đồng thuận. Chỉ 10% là ý kiến trái chiều. Những điều tôi nói đến chỉ là một khía cạnh. Ai cũng hiểu rằng nạn thất nghiệp xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân khác, mọi người đã nói đi nói lại hàng chục năm nay. Tôi chỉ muốn nói đến những thứ người khác chưa hoặc không nói một cách rõ ràng, kỹ lưỡng. Tôi thấy rất nhiều bạn là đối tượng được nói đến trong bài viết vẫn cảm ơn tôi vì đã đánh thức họ. Nếu đọc kỹ các bạn sẽ nhận ra đó không phải là một bài chửi mà là bài viết khích lệ họ hành động.

Khi chúng ta quan niệm mọi thứ là do bản thân mình, cuộc đời chúng ta sẽ đi theo con đường mới mà con đường đó, chắn chắn sẽ đưa ta tới thành công.
Nhiều người cho rằng anh đang tỏ thái độ khá gay gắt và chạm tới lòng tự ái của những cử nhân, thạc sỹ chưa tìm được việc làm?
Thật ra, tôi viết những bài chia sẻ quan điểm từ 2 năm nay nay và tôi không hề có những ngôn từ như thế. Riêng với bài này, tôi nghĩ mình cần mạnh mẽ hơn vì trong quá trình tác động vào tâm lý con người, cần có những ngôn từ đủ mạnh để tác động sâu đến bên trong tâm hồn và tạo ra hiệu ứng kích thích.
Tôi chỉ viết vì mong muốn các bạn trẻ thay đổi tư duy và nỗ lực nhiều hơn trong cuộc sống. Đó là một thiện chí. Tôi không có thời gian để chửi và cũng không muốn chửi ai bao giờ. Khi các bạn thay đổi và biết cách tìm được việc làm, điều đó chỉ có lợi cho các bạn còn tôi, tôi không có lợi ích nào hết trong vấn đề này.

Anh có nghĩ rằng khi anh nói trên facebook cá nhân rằng "Hãy bỏ bằng cấp đi!" thì đó là câu nói khiến rất nhiều người cảm thấy bị tổn thương và xúc phạm bởi vì để có được tấm bằng Đại học, Cao học, người ta phải hy sinh rất nhiều, phải bỏ ra một thời gian và sự cố gắng nhất định mới đạt được tấm bằng đó. Và anh lý giải vì sao chúng ta lại phải đi học. Anh cũng đi học và có tấm bằng đại học?

Vì nó giúp cho người ta tiết giảm được một khâu trong tuyển dụng. Thay vì phải chọn tất cả mọi người để phỏng vấn thì trình độ và bằng cấp giúp nhà tuyển dụng lọc ra được vài người. Bạn cầm tấm bằng trong tay thì được, nhưng đừng níu kéo nó. Bằng cấp không quyết định được nhiều, nó chỉ chiếm 20% kiến thức mình học được. Những kiến thức còn lại phải học từ cuộc sống và đó là điều giúp người ta thành công. Nói chung, người ta chỉ quan tâm đến giá trị của bạn mà thôi.

Cho nên rất nhiều bạn trẻ khi ra trường chấp nhận làm việc không lương, vì họ muốn chứng tỏ cho cấp trên sáng mắt ra, rằng: "Tôi là người có giá trị đó. Tôi có khả năng đem tiền về cho công ty của anh!".

Diễn giả Nguyễn Minh Ngọc.
Anh có thể chia sẻ về chặng đường khởi nghiệp của mình không?
Tôi đi làm từ rất sớm. Tôi đam mê công nghệ và từ những năm 2011, tôi đã để ý đến iPad và sớm nhận thấy nó sẽ là một xu thế mới được ưa chuộng trong tương lai. Sau này, tôi mở ra dịch vụ "Tư vấn sử dụng iPad, iPhone tại nhà" để kiếm tiền. Lúc đó, tư duy của tôi còn hạn hẹp nhưng qua thời gian, mọi thứ dần hoàn thiện.
Tôi tốt nghiệp ĐH Bách Khoa Hà Nội chuyên ngành Kỹ sư Hóa dầu nhưng tôi không thích làm kỹ sư. Tôi nhận ra điều đó vào năm 2013, lúc đi thực tập tại công ty đạm Phú Mỹ, tôi chỉ thực tập đúng 1 tuần rồi vác cặp ra về. Tốt nghiệp xong, tôi bỏ lại bằng cấp ở quê và tự đi một con đường riêng. Tôi đã từng rất khó khăn khi bị gia đình cắt trợ cấp. Tôi cũng không có vốn liếng nhưng làm rất nhiều việc để kiếm tiền.
Tôi đọc sách, tôi đi khắp nơi nói về ý tưởng của mình. Tôi nói không phải vì thuyết phục người ta giúp mình mà nói về ý tưởng lập công ty một cách rất tự nhiên, như người mẹ nói về những đứa con. Cứ thế, ý tưởng của tôi hoàn thiện và khi tôi nói nhiều, mọi người quay sang để ý. Điều kỳ diệu đã đến khi họ bằng lòng giúp đỡ tôi. Khi có vốn, tôi liền mở công ty và đó là chặng đường khởi nghiệp của tôi.

Như vậy có thể nói anh đã gặp may vì nhận được sự giúp đỡ của nhiều người để có vốn gầy dựng sự nghiệp.

Đó không phải là may mắn, đó hoàn toàn do bản thân tôi. Về bản chất, sự giúp đỡ đến từ bản thân mình chứ không đến từ người khác. Gia đình tôi có 3 anh chị em mà tại sao họ không giúp đỡ 2 anh chị của tôi mà lại giúp đỡ tôi?

Đừng làm công việc chỉ vì tiền mà bỏ qua đam mê

Trong bài viết của mình, anh nói rất nhiều đến sự chăm chỉ và đam mê. Nó làm cho người khác có cảm giác rằng chỉ cần có đam mê là sẽ có tất cả, liệu đó có phải là suy nghĩ của anh?
Trước hết, tôi khẳng định luôn có đam mê là có tất cả. Vấn đề mấu chốt đang nằm ở chỗ chúng ta không hiểu thế nào là đam mê và luôn luôn ngộ nhận mình là người có đam mê.
Tôi dám hỏi bạn đam mê có thực sự tồn tại không khi một ngày làm việc bạn vẫn cứ cảm thấy mệt mỏi, không muốn đi làm, luôn chờ đợi thời khắc 5h chiều để được xách cặp ra về? Khi bạn đam mê, bạn phải yêu thích công việc, bạn thấy vui vì được làm việc và hăng say đến độ làm quên ăn quên ngủ.
Đam mê không thể hiện bằng lời nói mà bằng hành động. Nếu một người thực sự đam mê, họ có thể làm việc mà không cần trả công. Chính họ sẽ nghĩ ra đủ mọi cách để có thể làm việc hiệu quả nhất và cho năng suất cao nhất. Những người như thế, không có lý do gì lại không đi được đến thành công?

"Đam mê không thể hiện bằng lời nói mà bằng hành động".
Nếu đam mê làm nên tất cả thì tại sao các nhà tuyển dụng khi tuyển nhân viên lại luôn đặt thêm dòng chữ "ưu tiên người có kinh nghiệm". Tôi biết rất nhiều bạn trẻ khi mới ra trường, họ chẳng có gì trong tay ngoài nhiệt huyết, đam mê và một số kiến thức học được ở trường lớp để rồi kết quả là họ đã thất bại trong cuộc đua tìm kiếm nhân lực của các công ty. Anh giải thích sao về điều này?
Các bạn nói mình có nhiệt huyết nhưng thực sự, các bạn có nhiệt huyết hay không?
Việc đưa ra yêu cầu là chuyện của nhà tuyển dụng. Yêu cầu là như vậy nhưng nếu thực sự bạn là người có nhiệt huyết và khả năng, bạn sẽ tự biết cách đáp ứng được những yêu cầu của họ. Nếu bạn cứ nói tôi giỏi, tôi nhiệt huyết nhưng tại sao ngay từ vòng “gửi xe” đã không lọt qua được thì không thể gọi là giỏi, không thể gọi là đam mê với công việc được.
Nếu mỗi cá nhân không nhìn ra rằng vấn đề nằm ở bản thân mình mà vẫn đổ lỗi cho các tác nhân bên ngoài thì họ không thể phát triển được. Nhà tuyển dụng có lỗi hay là chính các bạn có lỗi trong khi suốt quãng đời sinh viên không chịu học tập, rèn luyện, không tranh thủ đi làm để có thêm kinh nghiệm, thậm chí là không cả tìm hiểu xem vị trí mình ứng tuyển yêu cầu kỹ năng, phẩm chất như thế nào. Như thế mà nói là mình đam mê, nhiệt huyết thì tôi e là không đúng.
Vậy đứng ở cương vị của nhà tuyển dụng, anh nghĩ, sinh viên mới ra trường phải làm gì để anh tin rằng họ có đam mê?
Tôi muốn nhìn vào gia tốc mà họ muốn phát triển trong cuộc sống. Một người có thể bắt đầu bằng một con số 0, họ có thể không có gì những ít nhất phải cho nhà tuyển dụng nhìn thấy niềm đam mê, tinh thần cầu tiến và mong muốn được cống hiến, gắn bó với công ty của mình. Khi đã nhìn thấy bạn là người có lợi, có thể kiếm ra tiền cho công ty, họ chắc chắn sẽ không buông tha bạn.
Vấn đề là chúng ta chỉ tiếp xúc nhau qua bộ CV xin việc và một cuộc phỏng vấn ngắn, làm sao để có cơ hội chứng minh được nhiều thứ như thế?
Thứ nhất nói về CV, rõ ràng khi ngồi viết CV, các bạn ai cũng ghi rằng mình là một người sáng tạo, chăm chỉ, nhiệt tình nhưng tại sao khi xem hồ sơ, tôi vẫn thấy nhiều người không có được điều đó. Họ sáng tạo ở đâu khi CV được trình bày một cách thiếu khoa học, họ chăm chỉ ra sao khi trong CV nhiều người thất nghiệp đã lâu nhưng vẫn an nhàn, không tìm cho mình một công việc để lao động và cống hiến. Như vậy, CV chính là giao tiếp đầu tiên khiến nhà tuyển dụng chú ý đến bạn. Nếu bạn là người biết thể hiện mình, chắc chắn bạn sẽ vượt qua được vòng đầu tiên và yên tâm dắt xe vào bãi gửi trước đã.
Tiếp theo là vấn đề trả lời phỏng vấn. Theo cá nhân tôi thì thực ra, nhà tuyển dụng không quan tâm quá nhiều đến nội dung mà bạn đang nói. Họ chủ yếu đánh giá bạn qua phong thái, ngữ điệu, trạng thái cơ thể. Nó sẽ chỉ cho họ thấy, bạn có phải là người đáng tin hay không.

Đa phần các nhà tuyển dụng sẽ không quan tâm nhiều đến... năng lực. Vì thế, bạn đừng nghĩ đó là một cái gì đó quá ghê gớm. Họ quan tâm xem bạn có phải là người có chí cầu tiến, hết mình vì công việc và sẵn sàng gắn bó với công ty hay không nhiều hơn là việc để ý xem bạn có giỏi giang và nhiều kinh nghiệm hay không.
Chúng ta làm việc dựa vào năng lực, khi không có năng lực, rất nhiều người vẫn bị các công ty đào thải. Vậy tại sao anh lại nghĩ là nhà tuyển dụng không quan tâm nhiều đến năng lực của các ứng viên?
Các bạn bị đào thải là khi các bạn không thích nghi được với công việc. Vấn đề tại sao không thích nghi được thì bạn phải xem lại xem mình có đam mê, có sẵn sàng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm làm việc hay không. Đó chính là sự nhiệt huyết mà nhà tuyển dụng tìm kiếm.
Trên facebook, anh nói rất nhiều đến ý tưởng thành lập công ty, khuyên họ hãy tự chủ lấy cuộc sống của mình. Tôi biết là rất nhiều người cũng có ước muốn như thế nhưng họ lại không có đủ vốn, trong khi một số người khác lại chịu nhiều ràng buộc nên nhất thiết phải tìm được công việc ổn định để tạo ra thu nhập, không có đủ thời gian và sự liều lĩnh để mở công ty. Trong trường hợp này, anh có lời khuyên gì cho họ?
Tôi nhấn mạnh là nếu thực sự muốn phát triển bản thân mình lên một tầm cao mới, thì hãy chạy theo đam mê. Đó là định nghĩa đam mê, khi bạn đam mê, bạn có thể làm bất cứ điều gì mà không cần quan tâm rằng mình sẽ mất đi cái gì, bạn mệt ra sao. Điều đó quan trọng hơn rất nhiều so với việc cố gắng tìm kiếm một công việc ổn định, lương cao. Tôi chắc chắn nếu bạn xin được một công việc với mức lương 15 triệu thì bạn cũng chỉ có thể làm được chừng 5 tháng là bạn lại thấy chán, vì sự nhàm chán lặp đi lặp lại khi người ta chỉ làm công việc vì tiền.

Khi bạn làm một công việc vì tiền, bạn chỉ mong đến cuối tháng để lãnh lương, còn khi bạn làm việc vì đam mê, bạn sẽ muốn ngày tháng đó kéo dài mãi để bạn làm được nhiều hơn.


Thưa anh, nhưng khi người ta không làm việc vì đam mê mà vì mục tiêu thì sao? Họ cần phải có mục tiêu kiếm tiền, họ cần bao nhiêu tiền để đóng tiền nhà, tiền ăn uống, xăng xe, và chưa kể một vài người phải trích lương mỗi tháng để gửi về gia đình. Lúc đó, họ không còn lựa chọn nào khác là tiếp tục công việc để có đồng lương đủ trang trải những vấn đề trong cuộc sống.

Ai cũng có vấn đề của mình, không ai là không có, và cũng không ai là không có đam mê cả. Theo thời gian, trách nhiệm của chúng ta chỉ có tăng lên chứ không bao giờ giảm đi. Cho nên lúc bạn còn trẻ là lúc bạn mạnh nhất. Cho nên các bạn nhìn nhận rằng phải đi làm kiếm tiền để duy trì cuộc sống thì chỉ đưa bạn về guồng quay cũ, nhận thức cũ và con đường cũ.

Tức là anh đang khuyên các bạn trẻ rũ bỏ trách nhiệm để sống theo đam mê?
Tôi không chấp nhận bất cứ lý do nào vì kiếm tiền mưu sinh mà phải bỏ qua đam mê cá nhân. Ai dám nói đam mê không tạo ra tiền? Thậm chí tôi được biết, ngay cả sở thích mặc quần áo cũng giúp người ta kiếm được tiền. Người ta kinh doanh dịch vụ mặc quần áo rồi đi check-in tại các địa điểm nổi tiếng thế giới và chiêu quảng cáo "độc" đó đã giúp chủ nhân của nó kiếm được rất nhiều tiền.

Cảm ơn anh Minh Ngọc về buổi trò chuyện thú vị này.

"Đứng dậy đi, những thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp"

Tôi xin lỗi các ông bà đang thất nghiệp và cầm tấm bằng thạc sĩ, cử nhân. Tốt nhất hãy xem lại bản thân. Đừng đổ tại xã hội, nền giáo dục, đổ tại xuất thân nghèo khó.

Tôi nói thẳng như sau: Nền giáo dục kém thì đầu ra sẽ phải thất nghiệp hết chứ không thể chỉ riêng ông bà. Đừng có nghĩ người khác may mắn với quan hệ này nọ. Bao con người đi lên từ bàn tay trắng, họ không phải siêu nhân mà họ chỉ cần siêng năng và chẳng quản ngại khó khăn và nỗ lực.

Xã hội này không ai phải có trách nhiệm với ông bà cả. Đừng có ỉ lại và nghĩ rằng xã hội phải giúp đỡ ông bà. Đừng có mơ trông chờ người khác khi chính bản thân lười nhác, không có trách nhiệm với chính mình.

Còn kiến thức thì vứt cái tư duy ông cử nhân, bà thạc sĩ đi. Học xong trường đại học chỉ đủ cho các ông bà thò được đầu lên khỏi mặt đất thôi, còn hít bụi còn chán, chưa phải đã được đứng lên mà đi hiên ngang đâu.

Các ông, bà vẫn đang rơi vào trạng thái "không biết mình đang không biết cái gì" đấy. Và thường trạng thái này là ông bà cứ ngỡ rằng, ông bà đang biết tuốt. Thế giới đang vận động điên đảo lắm ông bà ạ. Nói toẹt ra người ta đang kiếm tiền như nào chắc gì ông bà đã hiểu, chứ đừng nói làm được hay không.

Các ông bà đi làm thì kỹ năng không có, giá trị thấp nhưng lại đòi hỏi công việc phải nhàn hạ, lương cao, tương lai, ổn định. Người ta làm kinh doanh chứ có phải mở doanh trại từ thiện đâu.

Xin lỗi chứ các nhà tuyển dụng buốt hết đầu, nát hết óc vì những vĩ nhân thất nghiệp không màng việc chẳng cao sang.

Ông bà nào đi làm việc tay chân thì y rằng: Cứ hễ hỏi đang làm gì lại trả lời thanh cao là đang đi làm tạm thời thôi, chờ chỗ này chỗ kia ngon. Không muốn gắn bó thì tốt nhất đừng xin việc tạm bợ, hãy thương những nhà tuyển dụng, nhà kinh doanh tý, xin các ông bà đấy.

Thế giới này không có chỗ đứng cho những kẻ lười biếng mà còn bảo thủ. Chỉ có một cách duy nhất được lười biếng đó là ông bà phải thật thông minh và hiểu biết sâu rộng. Còn nếu chưa thì tốt nhất hãy biết mà lao vào làm việc.

Những người tàn tật, chất độc màu da cam họ còn phải dựng rạp làm xiếc, hát rong để tạo ra giá trị cho xã hội. Họ tàn tật cơ thể nhưng tư duy và suy nghĩ họ không tàn tật.

Tôi khẳng định luôn với sự bùng nổ về công nghệ thì những thứ nhàng nhàng như các ông bà làm được sắp chuyển sang phần mềm hết rồi. Các nhà kinh doanh khổ sở vì ông bà nhiều thì họ ắt tìm máy móc và phần mềm thay thế. Dù sao phần mềm nó làm việc và không biết kêu ca. Và thực sự nó khiến những nhà kinh doanh nhẹ đầu.

Hãy xem lại chính mình đi. Nếu ngày hôm nay mà ông bà vẫn đang ngồi chờ mong xã hội cưu mang một công việc thì thực sự ông bà chẳng khác gì kẻ tàn tật về tư duy và suy nghĩ.

Đừng chờ nữa, đừng mong nữa, chẳng ai cần ông bà đâu cho đến khi họ thấy có lợi từ ông bà.

Đứng dậy, đi đi, chứng minh cho mọi người rằng ông bà không hề tàn tật. Nếu thích thì vứt cái bằng đi và lao ra làm việc. Thế giới bên ngoài không phụ công ông bà đâu.

Quên cái bằng đi vì chắc gì nó đã giúp ông bà kiếm được nhiều tiền. Quên cái suy nghĩ rằng làm không đúng ngành học là phí phạm đi vì thực chất các ông bà có đúng ngành cũng chưa là cái gì cả.

Sống và làm điều đam mê và thích thú đi. Và đã làm thì ra làm, dồn hết tâm hết sức mà làm cho ra môn ra khoai. Trên đời này không có cái việc gì không kiếm ra tiền cả.

Biết nấu ăn thì hãy nấu cho ngon, nấu cả ngày, nấu cả đêm, đọc sách nấu ăn, nấu thật nhiều để rồi một ngày khách sạn 5 sao cũng phải tìm đến ông bà.

Biết đá bóng thì hãy đá đi, đá cho giỏi vào, đá ngày, đá đêm... Đá đến khi tuyển quốc gia phải mời ông bà vào.

Biết bưng bê nhà hàng thì bưng đi, bưng giỏi vào, bưng bằng 3 ngón tay thôi, học cách vừa bưng vừa lắc đi, học cách bưng đi cầu thang bộ đi. Để nhà hàng 5 sao phải săn đón ông bà và rước như rước người nổi tiếng.

Biết về máy tính thì kiếm tiền online đi. Click vào link cũng kiếm được tiền, tải file lên cho người ta down cũng kiếm được tiền, up video YouTube cũng kiếm được tiền, mạng xã hội cũng kiếm được tiền.

Làm đi, ăn ngủ với nó, đừng có mà đứng núi này trông núi nọ. Làm đến khi cả mớ tiền đổ về cho xã hội nể ông bà đi. 2 năm, 3 năm cũng phải gắn bó, trời không phụ người đâu.

Nếu được sinh ra lành lặn, được ăn học để nhoi lên khỏi mặt đất là ông bà đã hơn bao người. Nhưng đừng nghĩ đó là đích đến mà hãy tỉnh táo đi, đây mới chỉ là bắt đầu. Đây mới là vạch xuất phát. Vứt cái giải huyện, giải tỉnh, Olympic hay gì đó trong quá khứ đi. Xã hội cần giá trị không cần mấy thứ quá khứ đó.

Đứng lên đi. Ngồi đó mà tự hào gì khi nằm trong dân số 178.000 người thất nghiệp kia.

Không ai cho ông bà việc thì đứng ra mà cho người khác việc. Làm sao phải sợ người nào. Không có luật pháp nào cấm ông bà trở nên tài giỏi.

Tôi chưa thấy ai chăm chỉ mà thất nghiệp cả.

Còn chưa thức tỉnh, còn đổ lỗi cho bên ngoài mà vẫn chưa biết cội nguồn là TẠI BẢN THÂN thì xin chào thân ái và quyết thắng.

Nguyễn Minh Ngọc -  Giám đốc Gemslight Company Ltd

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn