Lo ngại bởi sự mạnh bạo ngày càng tăng của Trung Quốc tại những vùng biển tranh chấp qua các hoạt động tuần tra quân sự, cải tạo đảo lớn và nhiều lần tập trận tại Biển Đông, Philippines đã phải tăng chi tiêu quốc phòng lên gấp 2 lần nhằm hiện đại hóa quân đội của mình.
Tranh chấp trên Biển Đông đã trở thành đề tài nóng trong các cuộc tranh luận ở Philippines. Theo một khảo sát, có đến 93% người Philippines lo lắng về khả năng chiến tranh sẽ xảy ra ở Biển Đông, và phần lớn trong số họ (58%) coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh lớn. Chính quyền Aquino đã đánh vào lòng người dân trong nước, gọi cuộc đấu tranh của Manila chống lại Bắc Kinh giống như cuộc chiến giữa David tí hon với người khổng lồ Goliath vậy.
Tổng thống Phillippines Benigno Aquino đã hai lần ví Trung Quốc với Phát xít Đức, liên tục từ chối đàm phán ngoại giao với Trung Quốc. Vào những năm 2013 và 2014, hơn 60% người dân ủng hộ chính sách đối ngoại với Trung Quốc của ông Aquino, nhưng theo những khảo sát gần đây, tỉ lệ người Philippines nghi ngờ về tính hiệu quả trong chính sách chống Trung Quốc của chính phủ đang tăng lên (với 46%).
Một tàu chiến của Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông. |
Một vấn đề cụ thể là chính quyền ông Aquino thiếu khả năng bảo vệ lãnh thổ đất liền, trong khi Trung Quốc nhanh chóng xây dựng mạng lưới quân sự và dân sự trên các vùng tranh chấp. Không những Philippines có thể coi là đã mất bãi cạn Scarborough từ năm 2012, nhưng người dân cảm thấy rằng chính phủ thiếu khả năng củng cố những tiền đồn ngoài khơi và bảo vệ lập trường của mình trong cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc.
Philippines dưới thời Tổng thống Marcos (kéo dài từ năm 1965 đến 1986) là một trong những quốc gia đầu tiên có thể xây dựng sân bay cùng với các cơ sở quân sự hiện đại ở Biển Đông. Nhận thấy được sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thời đó, Manila bỏ qua đấu tranh pháp lý và thực hiện khẳng định chủ quyền bằng quân sự trên các vùng đảo tranh chấp trên Biển Đông.
Chính quyền Marcos tự tin vào khả năng quân sự của mình, cùng với sự xuất hiện của quân đội Mỹ trong lãnh thổ, và họ đã kiểm soát nhiều hòn đảo trên Biển Đông, trong đó có đảo Thitu, một trong những đảo lớn nhất tại đây. Nhờ tầm nhìn chiến lược của họ trong thời Chiến tranh Lạnh, Philippines có được lợi thế hơn so với các nước khác trong khu vực.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, các nước trong khu vực bắt đầu làm theo chiến lược của Philippines, xây dựng sân bay và mở rộng tầm hoạt động của quân đội. Trong khi đó, những đời Tổng thống Philippines sau đó liên tục bỏ qua việc củng cố và nâng cấp quân sự. Ngay khi các căn cứ của Mỹ được dỡ bỏ, Trung Quốc ngay lập tức giành kiểm soát các đảo của Philippines, qua đó bộc lộ sự yếu kém của nước này.
Thế nhưng, Philippines vẫn chưa nhận ra tầm quan trọng trong việc củng cố quân sự. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez từng nói, lãnh đạo nước này “phớt lờ giá trị chiến lược của các bãi đá có thể biến thành những căn cứ quân sự để kiểm soát vùng biển rộng lớn xung quanh”.
Người dân biểu tình phản đối Trung Quốc tại Philippines. |
Trong suốt 16 năm qua, tiền đồn đã cũ của Philippines đã luân phiên đưa một số lượng nhỏ bộ binh Philippines, và họ đã phải chịu đói, sự cô đơn, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cái nóng khó chịu và bị Trung Quốc liên tục gây hấn.
Kể từ năm 2013, tàu của Trung Quốc, một vài trong số đó được cho là trang bị tốt hơn lực lượng Hải quân Philippines, đã cố gây hấn tại tàu Sierra Madre, một tàu chiến cũ được trưng dụng thành căn cứ, và cắt đường tiếp tế của họ. Philippines chỉ có thể đẩy lùi cuộc tiến quân của Trung Quốc khi đội tàu của họ đi cùng máy bay do thám P-8A Poseidon của Mỹ. Mặc dù Trung Quốc ngày càng mạnh bạo hơn, chính quyền Aquino vẫn không củng cố quân đội của mình, thay vào đó, họ chọn đấu tranh bằng pháp lý.
Cuối năm 2014, chính phủ Philippines quyết định hoãn việc nâng cấp các cơ sở quân sự đã có từ nhiều thập kỷ trên đảo Thitu, một thời là minh chứng cho sự nhạy bén chính trị của Manila. Các quan chức quốc phòng Philippines giải thích rằng quyết định này là nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc đảm bảo “lợi thế pháp lý” trong lúc Philippines vẫn theo đuổi việc kiện Trung Quốc. Có thể Manila coi đấu tranh pháp lý là biện pháp ít tốn kém hơn so với củng cố quân sự, nhưng Trung Quốc phản đối tham gia tranh tụng.
Thế nhưng, việc bảo trì và nâng cấp các cơ sở quân sự đã có của họ được coi là một hoạt động thông thường, phù hợp với luật pháp quốc tế. Còn việc Trung Quốc đang làm lại là phạm pháp, bởi vì họ thay đổi hoàn toàn bộ mặt của các đảo đang tranh chấp chủ quyền. Nói cách khác, Philippines đã đặt toàn bộ trứng của mình vào cái giỏ pháp lý mà không nỗ lực thúc đẩy khả năng quân sự của mình.
Tàu Sierra Madre, một trong những căn cứ chính của Philippines trên Biển Đông, nay đã quá xập xệ. |
Trong khi đó, từ Trung Quốc cho đến Đài Loan và Việt Nam đang củng cố quân đội của mình. Đài Bắc đã chi 100 triệu USD để nâng cấp cảng biển trên đảo tranh chấp. Điều này cho phép Đài Loan có thể neo tàu chiến và tàu tuần dương lớn. Đường băng cũng được nâng cấp để trở thành bãi đáp cho các máy bay vận chuyển C-130 của họ.
Còn về Việt Nam, họ đã nỗ lực nâng cấp hải quân của mình nhằm nâng cao tầm ảnh hưởng của mình. Nhận thấy được sai lầm chiến lược, cuối cùng Philippines đã quyết định nâng cấp cơ sở hạ tầng của mình, cụ thể là ở tàu Sierra Madre, nay là một căn cứ trên cạn ở Biển Đông. Nhưng khi Trung Quốc đang dần xây dựng bộ khung của Vùng Nhận dạng Phòng không trên Biển Đông, Philippines vẫn còn nhiều điều phải làm.
Mặc dù chính phủ đã quyết định không tu sửa cơ sở trên đảo Thitu, họ cũng tiến hành củng cố phần boong và mạn tàu, đồng thời lắp đặt hệ thống thông gió trên Sierra Madre. Tuy nhiên, Manila vẫn tỏ ra dè dặt trong việc thực sự cải tiến mạnh mẽ các tiền đồn của mình do lo ngại đánh mất lợi thế pháp lý và đàm phán ngoại giao. Cũng rất có thể, Manila cũng lo ngại những rủi ro và khó khăn của những hoạt động này, khi nó sẽ khiến Trung Quốc phản ứng gay gắt.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.
Theo Infonet