“Bùa đa cấp” và thảm kịch mang tên “mua danh”

Thứ tư, 19/03/2014, 16:58
Tôi có nhiều lý do để bảo vệ quan điểm của mình về những người kinh doanh đa cấp. Đó là, hầu hết những người này (có thể trên 95%) đều là những "con hổ giấy". Điều đó đồng nghĩa với việc họ có thể mặc sức gầm gừ, phô trương sức mạnh giàu có thông qua vẻ bề ngoài chải chuốt hay những chiếc xe đời mới nhưng thực chất lại chẳng có gì, ngoài đống hàng tồn chất cao như núi và vô số những hóa đơn không có khả năng chi trả. Tàn nhẫn hơn, không ít trong số đó đều là con nợ của "những người giàu có thực sự".

“Bùa đa cấp” và thảm kịch mang tên “mua danh” - Ảnh 1

"Những thủ lĩnh" kinh doanh đa cấp luôn xuất hiện trong bộ dạng bóng bẩy như thế này. (Ảnh Internet).

"Bùa đa cấp"

Cách đây chừng 5 tháng, mẹ một người bạn thời đi học gọi điện cho tôi, khóc khóc mếu mếu nhờ khuyên can đứa con gái vừa "dính" phải "bùa đa cấp". Trong tiếng nức nở, người phụ nữ ngoài 50 tuổi cho biết bên nhà ông bà thông gia đã chính thức đánh tiếng về nàng dâu bất trị. Họ đang liên tiếp gây áp lực với gia đình bà, nếu không dạy được con sẽ đem... trả.

Hóa ra mọi sự căng thẳng bắt đầu từ khi Mai Châm (tên cô bạn nọ) quyết định tham gia vào công ty kinh doanh đa cấp (KDĐC) A. Vốn sẵn máu kinh doanh, lại được chính những người tự xưng là "thủ lĩnh cấp cao" trong công ty mời gọi nên cô bạn nhanh chóng đồng ý. Sau khi được tận mắt nhìn thấy những hóa đơn thu nhập thuộc dạng "khủng" cùng những lời có cánh của các thủ lĩnh, Châm lao vào làm như một con thiêu thân.

Từ lúc dính vào "bùa đa cấp" cô bạn như người trên mây, mở miệng là nói tiền tỷ và những điều phi thực tế. Mặc kệ gia đình phản đối, Châm xin nghỉ việc tại công ty đang làm, cô đi đêm về hôm, thậm chí đứa con mới sinh, cô cũng chẳng mấy quan tâm, tối ngày chỉ thấy đi hội họp, diễn thuyết.

Châm lý luận với bố mẹ chồng theo đúng cách đã được chỉ dạy: "Hai vợ chồng con trừ hết chi tiêu một tháng để dành được 5 triệu đồng. Một năm 60 triệu đồng, mười năm 600 triệu đồng và 20 năm mới được 1,2 tỷ đồng. Lúc ấy cái chung cư nhỏ nhất chắc cũng lên giá đến 5 tỷ, có muốn cũng không mua được. Con không thể chấp nhận việc đó, con muốn được ra ở riêng càng sớm càng tốt".

Thế rồi, đỉnh điểm của sự mâu thuẫn chính là khi cô theo chân các "thủ lĩnh" xuất ngoại sang tận Thái Lan học "bí kíp" làm giàu và ở lỳ bên đó gần một tuần lễ. Bố mẹ chồng Châm dường như đã hết chịu nổi, gọi điện cho ông bà thông gia để "tố khổ". Là bạn thân, lại có "mác" nhà báo, đồng thời cũng đã ít nhiều tìm hiểu về lĩnh vực kinh doanh đầy ảo tưởng này, tôi được bố mẹ Châm hết sức tin tưởng giao phó vai trò khuyên giải.

Hôm nay ngồi trước mặt tôi, Châm đã chính thức trở thành "người cũ" của công ty đa cấp nọ. Cũng chẳng phải do tôi khuyên can mà do cô ấy chán rồi tự bỏ. Mặt không giấu được vẻ thẹn thùng, Châm cho biết sau gần 10 tháng ôm mộng làm giàu nhanh chóng, cô đã kịp "nướng" hết gần 100 triệu đồng của nhà mà chưa thu về được đồng nào. Trước ánh mắt lo lắng của tôi, Châm cười gượng gạo: "Cậu tìm hiểu thì biết rồi. Trong lĩnh vực kinh doanh này, ai càng tham vọng thì càng dễ ăn "trái đắng". Nếu không tỉnh táo thì chẳng mấy sẽ mất hết, tán gia bại sản".

Châm giải thích, do bộ máy tuyên truyền của công ty A. quá hoàn hảo, nên sau những buổi hội thảo, cô thực sự đã bị "nhồi sọ". Chính tại nơi đây, với một chút lòng tham, Châm dễ dàng trở thành con tốt thí cho những người mà trước đó không lâu cô vẫn tôn thờ là "thủ lĩnh". Nghe lời các "cấp trên", Châm vung tiền không tiếc tay vào quần áo và những buổi tiệc tùng sang trọng để thấy mình có vẻ... giàu lên. Và tất nhiên mỗi lần như thế cô đều mời theo "ứng viên tiềm năng", chiêu đãi họ để thuyết phục những người này cùng tham gia kinh doanh.

Tiếp theo các buổi hội thảo, khóa đào tạo (mà không ít ở nước ngoài) cũng lấy đi kha khá số tiền mà vợ chồng Châm tích cóp. Rồi sau cùng là "ôm" hàng lấy thành tích. Vì công ty A. tính tiêu chí lên cấp theo doanh thu nên để "đốt cháy giai đoạn", cô quyết tự bỏ tiền ra mua hàng, càng muốn lên cao lại càng phải mua nhiều.

"Trong công ty A. có một lý thuyết được truyền tai nhau và rất hiệu quả. Đó là mình càng có chức thì càng dễ thuyết phục người khác tham gia cùng mình. Vậy nên bọn tớ ai cũng cố gắng bỏ tiền mua hàng để được thăng chức. Như thế khi đi mời người khác mình cũng thấy tự tin hơn", Châm cho biết.

Gầm gừ trong mác "hổ giấy"

Tôi được Châm cho xem kho hàng của cô. Cả trăm triệu đồng tiền hàng với đủ loại chai lọ, máy móc vứt lăn lóc trong phòng ngủ và không thể bán được (bán cũng chẳng mấy người mua vì… đắt quá!). Châm bảo bạn bè cô, không ít người còn cầm cố cả nhà cửa để tham gia vào loại hình kinh doanh này. Thậm chí, một số còn chấp nhận bỏ cả gia đình vì không ai chịu hiểu cho cái "lý tưởng làm giàu" của họ.

Nghe những lời tâm sự của Châm, tôi thấy sầu não nhiều hơn bất ngờ, nhất là khi cô bạn chắc nịch khẳng định: "Kinh doanh truyền thống tỷ lệ thành công đã thấp, kinh doanh đa cấp còn thấp hơn nhiều. Những người thực sự kiếm được tiền chỉ 1%, còn lại toàn đem tiền nhà đi làm giàu cho chủ của mấy công ty đó và mấy tay bậu sậu ăn theo".

Châm cũng không ngại ngần phân tích hòng để tôi có thể hiểu tường tận những gì đang xảy ra ở một công ty đa cấp. Cô bảo: "Tùy từng công ty, những người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp được gọi là nhà phân phối hoặc đại lý. Thông thường, doanh số của mỗi người sẽ được tính bằng tổng lượng hàng của cả nhóm tính từ người đó trở xuống trong một tháng. Hết tháng sẽ quay lại từ đầu. Công ty sẽ dựa vào doanh số này để quyết định danh hiệu của người đó, và mỗi chức sẽ tương đương với một khoản doanh số. Rồi thì thưởng nhà, thưởng xe, thưởng du lịch nên ai cũng cố một tý để cho đủ chỉ tiêu dẫu biết mang hàng về cũng không thể bán hết được. Có những người tham chuyến du lịch trị giá 10 triệu của công ty mà bỏ đến mấy chục triệu ôm hàng".

Ngồi trầm ngâm một lúc, Châm cho biết thêm, các "thủ lĩnh" trong ngành này đều là những người rất giỏi trong việc khai thác tâm lý, đặc biệt cách khơi gợi lòng tham vốn luôn hiện hữu trong mỗi con người. Bằng những câu động viên, khích lệ tưởng như rất ân cần, họ biến những người bên dưới thành những con thiêu thân, ôm về hàng trăm triệu tiền hàng để qua đó đạt được doanh số.

Mỗi khi cấp dưới thăng chức, họ tổ chức liên hoan tiệc tùng chúc mừng rất linh đình khiến cho mọi người càng mờ mắt hơn. Nhưng rồi "gậy ông đập lưng ông", khi quá nhiều người bỏ "cuộc chơi", chính những "thủ lĩnh" này phải tự móc hầu bao lấp vào những chân bị rụng để duy trì chức danh. Rồi như một vòng xoáy ma quái, cứ thế mãi, chính họ cũng kiệt quệ bởi cái danh hão của mình. "Trông ai cũng bóng bẩy thế, chứ chẳng ai thực có tiền đâu. Toàn là… "hổ giấy" thôi", Châm chua chát nói.

Phần nổi của tảng băng chìm

Kinh nghiệm xương máu cùng hàng trăm triệu tiền hàng một đi không trở lại đã khiến Châm trở nên thực sự hiểu biết, giọng dường như nghẹn lại, cô thốt lên với tôi: "Tất cả những gì vừa nói chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Phần tối tăm và tàn nhẫn nhất, thậm chí những người trong cuộc không phải ai cũng biết…".

Theo Đời sống Pháp luật

Các tin cũ hơn