|
Ngày 19/3, Lực lượng phòng vệ Crimea, được cho là với sự hỗ trợ của binh sĩ Nga, đã tiến chiếm và giành quyền kiểm soát Bộ Tham mưu hải quân Ukraine cùng một căn cứ quân sự khác.
AFP dẫn lời người phát ngôn của lực lượng trên là ông Igor Yeskin thông báo Tư lệnh Hải quân Ukraine Sergiy Gayduk cũng đã bị bắt giữ nhưng từ chối cho biết chi tiết. “Ông ấy đã được đưa ra khỏi trụ sở và chính quyền sẽ giải quyết việc này”, Yeskin nói.
Trước đó, khoảng 200 tay súng vây chiếm trụ sở Bộ Tham mưu hải quân Ukraine ở thành phố Sevastopol và thượng cờ Nga ở lối vào trong khi một căn cứ hải quân khác ở thành phố Novoozerne bị ủi sập cổng bằng máy kéo. Không xảy ra đụng độ ở cả hai nơi nhưng hàng chục binh sĩ, sĩ quan Ukraine phải rời nơi đóng quân. AFP dẫn lời một số binh lính khẳng định họ nhìn thấy thành viên lực lượng đặc nhiệm Nga trong nhóm tấn công.
Hạm đội biển Đen có thể lấy 20 tàu chiến Ukraine RIA-Novosti ngày 19/3 dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Vladimir Komoyedov nhận định có thể khoảng 20 tàu chiến của hải quân Ukraine đang neo tại các căn cứ ở Crimea sẽ được chuyển giao cho Hạm đội biển Đen sau khi Nga chính thức tiếp nhận vùng này. Số tàu nói trên chiếm khoảng 50% lực lượng tàu chiến của hải quân Ukraine. Bên cạnh đó, Tư lệnh Hải quân Nga Viktor Chirkov thông báo từ nay đến năm 2016, nước này sẽ tăng cường 6 tàu ngầm và 6 tàu tuần tra cho Hạm đội biển Đen để đảm bảo “ổn định và an ninh quốc gia”. |
Nghị viện Crimea đã ra lệnh giải tán các đơn vị quân sự của Ukraine tại vùng này và bắt buộc các binh sĩ quay về hoặc chuyển sang phục vụ cho Lực lượng phòng vệ địa phương.
Đáp lại, Bộ Quốc phòng Ukraine khẳng định sẽ không rút quân khỏi Crimea. Thái độ cứng rắn của cả hai bên có thể khiến tình hình diễn biến khó lường. Đặc biệt sau khi vụ đụng độ ở Simferopol làm một binh sĩ Ukraine và một thành viên Lực lượng phòng vệ Crimea thiệt mạng tối 18/3. Kiev cáo buộc đây là “tội ác chiến tranh” và thông báo binh sĩ Ukraine tại Crimea được quyền dùng vũ lực “để bảo vệ tính mạng”.
Trong khi đó, RIA - Novosti dẫn thông cáo từ Cơ quan Nội vụ Crimea cho biết: “Theo điều tra ban đầu, một lính bắn tỉa đã bắn từ cửa sổ tòa nhà gần hiện trường để hạ sát cả hai nạn nhân. Không loại trừ đây là hành động mang tính kích động”.
Hôm qua, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Ihor Tenyukh và quyền Phó thủ tướng Vitaly Yarema dự định đến Crimea để “chấm dứt leo thang xung đột” nhưng phải quay về vì bị chính quyền Crimea ngăn cản.
Bất chấp phản đối của Mỹ, EU và NATO liên tục đưa ra trong những ngày qua, Nga vẫn tiếp tục tiến trình tiếp nhận Crimea. Tòa án Hiến pháp nước này hôm qua đã chính thức công nhận hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga là “hợp hiến”.
Trả lời BBC về những đe dọa trừng phạt của phương Tây, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov tuyên bố: “Nếu một đối tác kinh tế áp đặt lệnh trừng phạt, chúng tôi sẵn sàng chuyển sang một đối tác kinh tế khác. Thế giới không còn đơn cực”.
Tuy nhiên, ông Peskov khẳng định Moscov vẫn muốn giữ quan hệ tốt với Mỹ và EU, đặc biệt là EU vì đây là “đối tác kinh tế trọng yếu”.
Từ ngày 18/3, chính phủ Nga bắt đầu cấp thẻ căn cước cho cư dân Crimea, còn theo tờ Le Monde, Crimea sẽ chuyển sang sử dụng đồng rúp dù đồng hryvnia của Ukraine vẫn được chấp nhận đến ngày 1/1/2016. Giới phân tích nhận định sắp tới Nga sẽ phải đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, trước tiên là xây cầu nối với Crimea với kinh phí ước tính khoảng 3 tỉ USD.
Kế đến, Nga phải tìm giải pháp để cung cấp điện và nước sạch cho vùng này, vốn vẫn phụ thuộc phần lớn vào Ukraine. Một trong những giải pháp được chính quyền Crimea đề ra là tịch thu tài sản công của Ukraine, trong đó có cơ sở của các công ty năng lượng Tchornomornaftohaz và Ukrtransgaz. Các chuyên gia dự đoán Nga sẽ chuyển các trung tâm nhiệt điện được lắp đặt tại Sochi để phục vụ Thế vận hội mùa đông qua Crimea.
Theo Thanh Niên