Ông Lương Minh Huân, đại diện VCCI trao đổi về khởi nghiệp. Ảnh: P.M. |
Trao đổi tại toạ đàm về chủ đề "Nắm vững và xử lý ổn vấn đề tài chính của doanh nghiệp khởi nghiệp" ngày 3/10 tại Hà Nội, dẫn lại con số thống kê của Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu 2014 (GEM 2014), ông Lương Minh Huân, Viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay: năm 2014, Chỉ số lo sợ thất bại của khối cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam có xu hướng giảm hơn so với năm 2013, tuy nhiên vẫn ở mức 50%, cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Tuy nhiên, tỷ lệ từ bỏ kinh doanh ở người Việt Nam thấp hơn các nước, thực tế cho thấy khả năng bám trụ của doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn (có khoảng 100 người tham gia kinh doanh thì chỉ có khoảng 23 người bỏ với lý do sức khỏe cá nhân, do gia đình, do vấn đề tài chính; một số là do vấn đề lợi nhuận; số khác là do tìm thấy cơ hội kinh doanh khác).
Hiện nay các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi nhờ cơ sở hạ tầng về Internet, CNTT phát triển mạnh (tính theo thang điểm từ 1 – 5, cơ sở hạ tầng Internet, CNTT được đánh giá tốt với 3,75 điểm). Vấn đề khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khởi nghiệp đó là chưa tiếp cận được với nhiều kênh huy động vốn, chủ yếu dựa vào nguồn tài chính tự có, vay từ người thân…
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi tại toạ đàm, Chuyên viên tài chính Mai Vũ Thảo đến từ Phòng Đầu tư, Ngân hàng Việt Á lưu ý, các doanh nghiệp khởi nghiệp đừng kỳ vọng vừa lập ra đã có thể kêu gọi huy động được vốn do chưa có tên tuổi.
Do đó, kinh nghiệm theo ông Thảo là nên làm nhỏ, có thể xem xét tận dụng cơ hội “đi trên vai những người khổng lồ” (ví dụ tham gia vào một công đoạn nào đó của các hãng lớn, thay vì đầu tư toàn bộ).
Bên cạnh đó, ông Mãi Vũ Thảo cũng khuyến cáo có không ít doanh nghiệp khởi nghiệp đã quá tốn kém chi phí vào những vấn đề như thuê mặt bằng văn phòng, nhà xưởng, mua sắm phương tiện…
“Việc đi thuê mặt bằng văn phòng, nhà xưởng lớn, đặt cọc trước số tiền tới 6 tháng, hay mua một chiếc xe hơi để giao dịch… dễ dẫn đến kết cục là doanh nghiệp nhanh chóng hết vốn không lâu ngay sau khi khởi nghiệp. Do đó, chi phí đầu tư cần phải phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh, khả năng tài chính, biết chia ra từng giai đoạn phù hợp”, ông Thảo lưu ý, đồng thời nhấn mạnh ở giai đoạn nhỏ, nên hạn chế tối đa các chi phí, lựa chọn địa điểm văn phòng, nhà xưởng vừa phải, ưu tiên vốn vay hơn vốn góp cổ phần (tuy vốn vay ngân hàng phải trả lãi nhưng startup có thể chủ động được về khoản lợi nhuận từ hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, không bị cổ đông chi phối về doanh thu, lợi nhuận như khi huy động góp vốn).
“Có những người thành công nhờ may mắn, nhưng khởi nghiệp thì không được ảo tưởng như vậy”, chuyên gia Mai Vũ Thảo nhấn mạnh.
Cũng theo các chuyên gia, để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, giảm Chỉ số lo sợ thất bại của cộng đồng này, nhà nước cần cải thiện các điều kiện kinh doanh; xây dựng và hoàn thiện các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển kinh doanh. Bên cạnh đó, cần thực hiện chương trình phổ cập kiến thức, kỹ năng khởi sự doanh nghiệp cho các cá nhân, nhất là giới trẻ…
Theo Khám Phá