FPT Trading- PSD- Digiworld: Thế chân vạc ngành phân phối điện máy

Thứ hai, 24/08/2015, 11:25
Ở phân khúc phân phối sỉ mặt hàng công nghệ, FPT Trading, PSD và Digiworld hiện là 3 tên tuổi lớn nhất khi chiếm lĩnh hầu hết thị phần ngành.
Thế chân vạc của 3 đại gia phân phối điện máy, điện thoại

Hiện nay trên thị trường phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin, ĐTDĐ... đa phần các doanh nghiệp đều tập trung vào phân khúc bán lẻ với nhiều tên tuổi như Trần Anh (TAG), Thế Giới Di Động, Mediamart, Nguyễn Kim, FPT Retail (FPT Shop)…

Tuy nhiên, ở phân khúc phân phối sỉ mặt hàng này thì lại có khá ít doanh nghiệp tham gia và thị phần chỉ tập trung vào một số gương mặt nhất định. Tiêu biểu có thể kể tới 3 "ông lớn" trong ngành bao gồm FPT Trading, Phân phối Tổng hợp Dầu khí (PSD) và Digiworld (DGW).

Bán lẻ tăng trưởng mạnh hơn bán buôn

Các doanh nghiệp bán lẻ tăng trưởng vượt trội so với bán buôn

Có thể thấy, các doanh nghiệp phân phối bán lẻ sản phẩm công nghệ như Trần Anh, Thế giới di động (MWG) hay FPT Retail đều đạt tỷ lệ tăng trưởng mạnh hơn đáng kể so với các doanh nghiệp phân phối sỉ như FPT Trading, Digiworld, PSD.

Thậm chí, tốc độ tăng trưởng doanh thu của PSD nửa đầu năm nay còn sụt giảm so với cùng kỳ 2014, hay Digiworld dậm chân tại chỗ.

Ông lớn ngành bán lẻ là Thế giới di động tăng trưởng mạnh tới 56% doanh thu trong nửa đầu 2015 và đạt mốc 10.860 tỷ đồng, vượt qua “ông trùm” bán sỉ FPT Trading.

Bán sỉ: “Tam quốc” tranh hùng

Trong 3 ông lớn của ngành phân phối sỉ điện máy, FPT Trading đang chiếm miếng bánh to nhất thị trường với doanh thu vượt trội, bỏ xa 2 đối thủ bám đuổi. Tính từ 2012 tới nay, doanh thu của FPT Trading liên tục tăng trưởng. 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu FPT Trading đạt 9.421 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ 2014.

“Tân binh” mới niêm yết trên TTCK là Digiworld cũng là một tên tuổi trong ngành phân phối sỉ thiết bị công nghệ, ĐTDĐ… nhưng nếu xét về quy mô doanh thu thì vẫn còn khá thấp nếu so với ông lớn FPT Trading. Tuy vậy, trong những năm gần đây Digiworld đã đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu khá tốt và thị phần dần được gia tăng. Theo báo cáo KQKD mới đây, Digiworld ghi nhận doanh thu 2.092 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Một ông lớn khác trong ngành là PSD, trong những năm gần đây PSD đã có sự chững lại so với các đối thủ cùng ngành khi doanh thu chỉ quanh mức 6.000 tỷ đồng và hầu như không có sự tăng trưởng đáng kể nào. 6 tháng đầu năm 2015, PSD chỉ ghi nhận doanh thu 2.629 tỷ đồng và đang dần bị Digiworld thu hẹp khoảng cách.

Điện thoại di động- phân khúc màu mỡ trong ngành phân phối sản phẩm công nghệ

Là các doanh nghiệp phân phối các sản phẩm công nghệ, tuy vậy có thể thấy trong cơ cấu doanh thu thì ĐTDĐ vẫn là mảng đem lại nguồn thu chính cho cả 3 với tỷ trọng đều trên 50%.

Tuy cùng có điểm chung khi ĐTDĐ là nguồn thu lớn nhất nhưng mỗi doanh nghiệp đều có “con át chủ bài” riêng của mình.

Với FPT Trading đó là dòng sản phẩm iphone khi chiếm tới 23% doanh thu phân phối ĐTDĐ của công ty. Đây cũng là sản phẩm có mức tăng trưởng ấn tượng nhất năm 2014 của FPT Trading với mức tăng trưởng 165%.

Còn với PSD, các dòng điện thoại Samsung hiện đang là sản phẩm phân phối chủ lực của công ty. Tuy nhiên thị phần phân phối điện thoại Samsung của PSD đã sụt giảm đáng kể trong những năm gần đây, qua đó ảnh hưởng lớn tới KQKD công ty. Trước tình cảnh đó, PSD đã dần mở rộng sang kinh doanh thêm smartphone, tablet mang thương hiệu Lenovo.

Trong khi đó, dù mới chỉ bắt đầu phân phối ĐTDĐ từ năm 2013 nhưng mảng này đã chiếm hơn 50% trong cơ cấu doanh thu của Digiworld. Khác với 2 ông lớn FPT Trading và PSD, Digiworld tập trung vào điện thoại Nokia/Microsoft và các dòng điện thoại phân khúc trung bình, thấp như Wiko, Obi hay sắp tới là Xiaomi…

Thị phần ĐTDĐ tại Việt Nam. Nguồn: GFK

Theo thống kê GFK, thị phần điện thoại di động tại Việt Nam trong những năm qua đã có sự thay đổi lớn khi các dòng sản phẩm Apple liên tục gia tăng thị phần, trong khi thị phần Samsung đã thu hẹp đáng kể. Đây là một phần lý do khiến KQKD của PSD sụt giảm mạnh trong những năm gần đây.

Tỷ suất lợi nhuận thấp- hấp dẫn bằng quy mô

Câu chuyện lợi nhuận cũng có phần giống với doanh thu khi FPT Trading tiếp tục dẫn đầu. Trong 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 300 tỷ đồng lãi trước thuế, gấp hơn 2 lần tổng lợi nhuận của Digiworld (77 tỷ đồng) và PSD (47 tỷ đồng).

Doanh thu PSD có phần đi ngang trong nhưng năm gần đây nhưng lợi nhuận dường như đã tụt dốc không phanh khi chỉ còn 117 tỷ đồng và đã bị Digiworld “vượt mặt” kể từ năm 2014.
Tỷ suất lợi nhuận ngành chỉ khoảng 3%

Có thể thấy, Digiworld hiện đang đạt tỷ suất lợi nhuận trước thuế tốt nhất, còn với PSD là sự thụt lùi rõ nét.

Với tỷ suất lợi nhuận bình quân ngành khoảng 3%, đây không hẳn là ngành kinh doanh đủ sức hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp. Dù vậy, đây vẫn là ngành kinh doanh có quy mô rất lớn và dư địa phát triển vẫn còn rất nhiều.

Smartphone vẫn là nòng cốt tăng trưởng

Theo khảo sát từ GFK, tiêu thụ sản phẩm công nghệ tại Việt Nam có xu hướng tăng mạnh trong những năm vừa qua.

Trong quý 1/2015, doanh số sản phẩm công nghệ lên mức kỷ lục với 36,2 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh số sản phẩm ĐTDĐ chiếm 15,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 43% tổng doanh số toàn thị trường.

Tiêu thụ sản phẩm công nghệ tăng mạnh trong những năm gần đây

Theo dự báo từ IDC, xu hướng tiêu dùng Smartphone tại Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới, nhiều khả năng năm 2015 sẽ tiêu thụ tổng cộng 16.924 chiếc.

Tiêu thụ Smartphone sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Nguồn: IDC

Theo TriThứcTrẻ

Các tin cũ hơn