Theo kế hoạch, FUV sẽ khởi công vào đầu năm sau và tập trung xây dựng ba cơ sở đào tạo tích hợp gồm Trường Quản lý và Chính sách công Fulbright (đào tạo sau đại học trong lĩnh vực chính sách công, luật, tài chính và quản lý, các nghiên cứu và đối thoại chính sách), Trường Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng Fulbright (cung cấp các chương trình đào tạo cử nhân và sau đại học trong lĩnh vực kỹ thuật, khoa học ứng dụng, toán học và khoa học máy tính) và Trường Đại học Fulbright (cung cấp các chương trình đào tạo cử nhân trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn).
Trước đó, SHTP đã cấp phép cho 2 dự án của các nhà đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 80 triệu USD. Đó là, Dự án Đầu tư xây dựng Công viên khoa học Thiên niên kỷ do Trường đại học Nguyễn Tất Thành làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 41,6 triệu USD, xây dựng trên diện tích 22,7ha với các hạng mục: vườn ươm và cây cảnh 3 miền; công viên khoa học (tháp thiên niên kỷ, quảng trường năng lượng mặt trời, trung tâm biểu diễn ngoài trời có mái che, trung tâm triển lãm khoa học kỹ thuật, khu vui chơi, giải trí…); quảng trường chính; bảo tàng thiên nhiên – nhà kính sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao. Dự án đang được tích cực triển khai để có thể đi hoạt động trước ngày 1/1/2017.
Dự án Xây dựng và phát triển Khu Sài gòn Silicon City của Công ty cổ phần Công viên Sài gòn Silicon có tổng số vốn đầu tư khoảng 40 triệu USD, được xây dựng trên diện tích 52ha để thu hút các doanh nghiệp là người Việt Nam ở nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.
Theo ông Nguyễn Minh Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công viên Sài gòn Silico, khi được lấp đầy, Sài gòn Silicon City có thể thu hút 24 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, Dự án chưa thể khởi công ngay sau khi được cấp phép theo kế hoạch ban đầu vì chủ đầu tư đang phải hoàn thiện thêm một số thủ tục theo quy định.
Thông tin với PV, bà Lê Bích Loan, Phó ban SHTP cho biết, đang có những dự án lớn của các nhà đầu tư nước ngoài hiện hữu ngấp nghé.
Mới nhất là việc Tập đoàn Jabil (Hoa Kỳ) được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư tăng vốn thêm 500 triệu USD để mở rộng sản xuất của nhà máy tại SHTP. Trước đó, từ năm 2007, Jabil đã đầu tư dự án chuyên sản xuất linh kiện điện tử, viễn thông ứng dụng... Đến nay, tổng vốn đầu tư đăng ký của Jabil tại SHTP là 150 triệu USD, diện tích sử dụng đất là 5ha và mức doanh thu hàng năm có sự tăng trưởng cao.
Với việc đầu tư thêm 500 triệu USD, Jabil sẽ trở thành một trong những nhà đầu tư lớn và diện tích dành để mở rộng sản xuất sẽ khoảng 9 – 10ha.
Một dự án khủng nữa nhiều khả năng sẽ được cấp phép trong năm nay, đó là dự án đầu tư mở rộng của Khu phức hợp điện tử gia dụng Samsung (SEHC). Trước đó, vào trung tuần tháng 5/2015, dự án có tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD này đã được khởi công xây dựng tại SHTP trên diện tích 70ha. Trong giai đoạn đầu, SEHC dự kiến tập trung nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm TV cao cấp như SUHD TV, Smart TV, LED TV và các mặt hàng điện tử gia dụng, chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu. Dự án này dự kiến đi vào hoạt động từ quý II/2016.
SEHC dự kiến tăng vốn thêm 1 tỷ USD để đầu tư mở rộng dự án hiện có tại SHTP”, bà Loan nói và cho biết hiện nay, chủ đầu tư đang triển khai các thủ tục và nhiều khả năng việc cấp phép tăng vốn cho dự án này sẽ hoàn thành trong năm 2015.
Cũng theo bà Loan, SHTP đang xem xét hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của một số dự án, chủ yếu đến từ Hàn Quốc với quy mô khoảng vài chục triệu USD và hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chủ yếu cung ứng sản phẩm cho dự án của Samsung tại SHTP.
Theo Báo Đầu tư