HAGL Agrico: Con hơn cha!

Thứ ba, 28/07/2015, 16:35
Giá trị vốn hóa thị trường của HAGL Agrico đang vượt công ty mẹ HAGL tới hơn 60%.

Vậy là sau 5 năm thành lập, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai(HAGL Agrico, mã .HNG) đã chính thức niêm yết trên sàn HSX vào ngày 20/07/2015 với giá tham chiếu 28.000 đồng/cổ phiếu. Sau 4 ngày niêm yết, giá cổ phiếu HNG đã tăng lên hơn 33.000 đồng. Với mức giá này, vốn hóa thị trường của HAGL Agrico đạt hơn 23.400 tỉ đồng, vượt xa công ty mẹ là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với hơn 14.400 tỉ đồng.

"Con" nhà nòi

Nếu như Tập đoàn HAGL phải đi từ xuất phát điểm thấp (từ một xưởng gỗ được thành lập vào năm 1990 và mãi 18 năm sau mới được thị trường chứng khoán biết đến rộng rãi với mã niêm yết HAG) thì HAGL Agrico tuy sinh ra không nặng ký, nhưng lại được nuôi nấng để trở thành “gã khổng lồ” sau 5 năm.

HAGL Agrico được thành lập vào năm 2010 với số vốn gần 484 tỉ đồng nhưng đã nhảy vọt lên mức 7.081 tỉ đồng tính đến thời điểm hiện tại. Thời gian đầu, có lẽ Tập đoàn HAGL không có ý định đề cử vị trí chủ chốt cho HAGL Agrico, bởi bất động sản, vốn là lĩnh vực tiên phong, đã làm xuất sắc vai trò của mình với một loạt các cao ốc văn phòng và chung cư được đóng dấu “Hoàng Anh Gia Lai” rải rác ở những thành phố lớn.

Tuy nhiên, HAGL bắt đầu chùn chân từ năm 2011 khi thị trường bất động sản trở nên trầm lắng. Tập đoàn đã phải chuyển nhượng các dự án bất động sản cho công ty con là Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản An Phú, sau đó chào bán cổ phiếu của An Phú ra bên ngoài để trở thành công ty độc lập.

Cũng trong giai đoạn tái cấu trúc này, HAGL Agrico đã trở thành tâm điểm mới khi nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trước đó được sáp nhập và chuyển về cho HAGL Agrico. Công ty hiện quản lý 5 mảng chủ chốt: cao su, cọ dầu, bắp, mía đường và chăn nuôi bò.

Cũng nhờ sinh sau đẻ muộn mà HAGL Agrico được thừa hưởng nhiều kinh nghiệm thương trường của những người đứng đầu. Nếu như vài năm trước, Tập đoàn HAGL bắt tay vào trồng cao su (và cọ dầu) với đội ngũ lãnh đạo có “nhiều năm trồng và chăm sóc cao su ở quy mô kinh tế gia đình”, theo bản cáo bạch niêm yết của HAGL Agrico, thì những ngành nông nghiệp tiếp theo mà HAGL Agrico bước vào (mía đường, bắp, chăn nuôi bò) dường như đều là sự lựa chọn hợp lý và đầu tư kỹ thuật hơn.

Làm giàu từ sản phẩm phụ

Lựa chọn hợp lý là bởi các loại cây này đều có thể được tận dụng triệt để. Khi đưa cây mía vào sản xuất đường, bã mía có thể được dùng làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy điện. Còn đối với các nông trại bắp, ngoài bắp trái thu hoạch và bán trên thị trường nông sản, HAGL Agrico có thể sử dụng nguồn nguyên liệu này để làm thức ăn chăn nuôi cho đàn bò của mình (bên cạnh đó cũng có thể sử dụng bã cây cọ dầu, đọt mía và mật rỉ). Và ngược lại, phân bò có thể được sử dụng để bón các loại cây trồng, giảm được đáng kể chi phí chăm sóc các vườn cây.

Ông Đoàn Nguyên Đức, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai, từng phát biểu tại Đại hội cổ đông thường niên 2015 rằng Tập đoàn có thể thu về 1 tỉ đồng/ngày với lượng phân bò thải ra tại thời điểm đó. Ngoài ra, sau khi bắt tay vào trồng các loại cây lâu năm là cao su và cọ dầu nhưng lại không dự báo được chu kỳ của giá mủ cao su và cọ dầu (hiện nay, giá mủ cao su đã giảm hơn 70% và giá dầu cọ giảm hơn 50% so với giá cao nhất đạt được năm 2011), lần đầu tư này, HAGL đã chọn các loại cây trồng hàng năm để có thể giảm được rủi ro giảm giá; hoặc nếu có xảy ra thì cũng dễ dàng hơn cho Tập đoàn trong việc chuyển đổi cây trồng.

Đầu tư vào kỹ thuật là điều kiện quan trọng trong chuỗi sản xuất nông nghiệp của HAGL Agrico. Năng suất mía trung bình năm 2014 của HAGL Agrico đạt 110 tấn/ha, cao hơn nhiều so với năng suất mía trung bình của Việt Nam được Viện Nghiên cứu Mía đường công bố là gần 65 tấn/ha vào năm 2013.

Năng suất cao khiến giá thành thấp hơn trong nước là lợi thế cho HAGL Agrico khi Hiệp định thương mại biên giới Việt Lào chính thức có hiệu lực. Theo đó, sản phẩm đường của Công ty sẽ được nhập về Việt Nam mà không phải chịu thuế nhập khẩu.

Ngoài đường, bắp cũng cho năng suất trung bình đạt 10 tấn/ha, một con số đủ để làm các nhà nông nhỏ lẻ hân hoan về vụ mùa bội thu. Bò thịt với sản lượng tiêu thụ dự kiến 80.000 con bò sẽ mang lại khoản lợi nhuận lên đến 30 triệu USD trong năm 2015.

Tuy nhiên, cho đến hết quý I, bò sữa vẫn chưa mang lại lợi nhuận trong năm nay cho Công ty khi vẫn còn trong giai đoạn chăm nuôi. Cọ dầu thì theo cơ cấu lợi nhuận đến năm 2015-2016 vẫn là 0%.

Dòng tiền quay nhanh nhất có lẽ là bò thịt. Tính đến trung tuần tháng 6.2015, số lượng bò thịt của HAGL Agrico là 86.000 con, chiếm khoảng 40% kế hoạch năm 2015. Việc Công ty nhập bò từ quý II/2014 có lẽ là sự chuẩn bị cho một trong những dịp lượng cầu tiêu dùng tăng đột biến là Tết Nguyên đán. Nhận định này phù hợp với thông tin từ bản cáo bạch của HAGL cho biết doanh nghiệp này nhập bò từ 16-18 tháng về vỗ béo trong vòng 6-8 tháng mới xuất chuồng.

HAGL cũng đã bắt tay với Vissan, thương hiệu sở hữu 2 dây chuyền giết mổ khoảng 300 con bò/ca (6 tiếng) để cung ứng khoảng 2.000 con bò cho công ty này để phục vụ chương trình bình ổn giá cuối năm.

Tuyên bố giảm khoảng 8.000 đồng/ký thịt bò từ ngày 10-25/2/2015 hâm nóng dư luận trong lễ ký kết tổ chức khá rình rang. Mặc dù chỉ giết mổ bò bình quân khoảng 50 con/ngày (trong tổng số 600 con/ngày theo nhu cầu tiêu thụ bình quân của TP.HCM), nhưng việc hợp tác với Vissan trong chương trình bình ổn giá là một điểm cộng đối với một tân binh như HAGL Agrico.

Trước đó, bản tin trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online cho biết Vissan cũng ngừng nhập khẩu bò Úc từ các đối tác khác để chỉ nhập bò từ HAGL. Tuy nhiên, đến giờ chót, không hiểu vì lẽ gì mà Vissan ngừng nhập bò từ HAGL trong dịp Tết Nguyên đán. Đến nay vẫn chưa biết việc hợp tác giữa đôi bên có được nối lại.

Riêng về cao su, theo bản cáo bạch niêm yết của HAGL Agrico, năm 2014 Công ty đã chuyển nhượng một số dự án vườn cây cao su (vườn cây cao su NT ĐăkYa, vườn cây cao su NT Kon Thup, vườn cây cao su nông trường Lơ Pang). Có lẽ, Tập đoàn HAGL nói chung và HAGL Agrico đã không còn nhiều kiên nhẫn với cao su khi giá mủ cao su vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Chạy đua nước rút

Nhìn lại đường đi nước bước của bầu Đức và Tập đoàn HAGL, các nhà đầu tư không khỏi bất ngờ với sự quyết đoán tại đây. Dự án Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Centre tại Myanmar phải chạy đua nước rút sau khi dừng hợp tác với Tập đoàn bất động sản Rowsley Ltd. HAGL Agrico lên sàn nhanh chóng sau khi mọi thủ tục cho sự kiện này đều diễn ra trong tháng 7. Trước đó, không có bất cứ thông tin nào được bàn luận. Ngoài ra, trước thời điểm tháng 4.2015, tên khai sinh của HAGL Agrico vẫn là Công ty Cổ phần Cao su Hoàng Anh Gia Lai.

Cũng trong tháng 4 năm nay, HAGL Agrico thực hiện đợt tăng vốn cuối cùng trước khi niêm yết, tăng từ hơn 3.990 tỉ đồng lên hơn 7.081 tỉ đồng với số lượng cổ đông sau phát hành là 21 người. Quyết định niêm yết trên sàn HSX này có thể sẽ giúp HAGL Agrico gia tăng số lượng cổ đông, cũng như tìm được đối tác dài lâu hơn trong việc phân phối các mặt hàng với số lượng lớn của Công ty, đặc biệt là bò thịt và đường.

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận dự án ở Myanmar đã mang lại một kết quả khả quan cho HAGL khi 100% diện tích khu trung tâm thương mại và 50% diện tích văn phòng cho thuê đã có khách thuê. Hy vọng rằng, HAGL Agrico cũng sẽ là một chuyến bay đẹp và bình ổn của bầu Đức qua nhiều bão tố.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích