Nguyên liệu dệt may còn phụ thuộc Trung Quốc
Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một hiệp định thỏa thuận thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương với 12 quốc gia của 3 châu lục là Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ, Việt Nam và Nhật Bản.
Đây là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, với chỉ 12 nước tham gia nhưng chiếm tới 40% GDP toàn cầu. Như vậy, TPP hứa hẹn sẽ mang lại bước nhảy vọt cho nền kinh tế Việt Nam với những ưu đãi về thuế suất xuất khẩu. Nếu hiệp định này được ký kết, liệu 95 dòng sản phẩm dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ hiện nay sẽ được hưởng thuế suất 0% ?
Quá phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu khiến ngành dệt may Việt Nam dần mất thị phần. |
“Thực tế là tới gần 90% nguyên liệu ngành dệt may Việt Nam là nhập từ Trung Quốc, nước không thuộc TPP, do vậy, dù thuế nhập khẩu vào các nước TPP giảm xuống còn 0% thì Việt Nam cũng không được hưởng lợi gì, bởi kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị từ Trung Quốc về Việt Nam có thể lại cao hơn kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Mỹ”, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại Thái Nguyên, nhận định.
Gần đây nhất, tờ Wall Street Journal đã đưa tin các nhà đàm phán thương mại Mỹ yêu cầu Việt Nam phải giảm sự lệ thuộc này từ Trung Quốc. Tờ này cũng cho hay Mỹ và Mexico là 2 nhà sản xuất nguyên liệu dệt may lớn vì vậy thay vì phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc, Việt Nam hoàn toàn có thể nhập khẩu vải và sợi từ Mỹ, Mexico để tạo ra cơ hội tìm kiếm thị trường mới cho Việt Nam đồng thời cũng hỗ trợ ngành dệt may của Mỹ, Mexico.
Ngoài việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc, việc các DN Việt thiếu sự chuẩn bị cho việc hội nhập cũng khiến ngành dệt may Việt Nam gặp bất lợi. Theo xếp hạng năm 2015 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong 12 nước tham gia TPP thì Việt Nam là nước có năng lực cạnh tranh thấp nhất.
Cụ thể, 7 nước: Nhật, Singapore, Mỹ, Malaysia, Úc, Canada và New Zealand nằm trong nhóm phát triển dựa vào sáng tạo. Chile và Mexico nằm trong nhóm phát triển dựa vào năng suất. Riêng Việt Nam và Peru nằm trong nhóm dưới đáy, được gọi là phát triển kinh tế dựa vào các yếu tố được thiên nhiên ban phát.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong tổng số 2.000 DN dệt may của cả nước thì số DN chuẩn bị cho TPP chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chỉ những tập đoàn lớn có đủ điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu mới có sự chuẩn bị tốt cho hội nhập TPP, còn DN vừa và nhỏ thì rất khó khăn.
Một lãnh đạo công ty may mặc tại tỉnh Quảng Nam (xin phép được giấu tên) trao đổi với Báo Người Tiêu Dùng, đã cho biết hiện nay công ty đang tìm mọi cách để tồn tại nên không có thời gian để quan tâm, tìm hiểu kỹ về TPP. “Chúng tôi chỉ là DN nhỏ, có biết gì về TPP đâu, TPP có vẻ xa vời với chúng tôi ở hiện tại”, vị lãnh đạo này chia sẻ.
Vốn và công nghệ vẫn là bài toán đau đầu cho dệt may Việt Nam. |
Bài toán vốn và công nghệ
Theo ước tính của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), có đến 90% DN dệt may của Việt Nam tham gia khâu sản xuất sản phẩm cuối cùng của chuỗi giá trị qua hình thức gia công. Chính vì thế, tuy sản phẩm dệt may của Việt Nam được xuất đi nhiều nơi, nằm trong top 10 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới nhưng giá trị thu về chỉ khoảng 1%.
Ông Phạm Minh Đức, thuộc Ngân hàng Thế giới, cho rằng dệt may Việt Nam là một trong những ngành quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu và là chìa khóa để giải quyết việc làm cho người dân Việt Nam, nhưng hiện chúng ta chỉ biết nhận đơn hàng và gia công cho các DN nước ngoài, trong khi hầu hết nguyên phụ liệu đều phải nhập khẩu.
“Các nhà máy dệt muốn làm tốt về dệt thì phải tiếp cận được xu hướng của thời trang và phải chuẩn bị sẵn sàng để sản xuất đáp ứng được thời gian nhanh nhất, cái này rất khó cho DN Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, nhận định.
“Ngành dệt vải Việt Nam cũng phát triển nhưng không theo kịp tốc độ phát triển của may xuất khẩu. Điểm khác là việc đầu tư vào dệt có chi phí cao hơn đầu tư vào may và việc thu hồi vốn cũng rất lâu”, bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký VITAS, cho biết.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội May thêu đan TP.HCM, cũng cho rằng cái khó nhất hiện nay để có thể đầu tư nhà máy chủ động nguồn nguyên phụ liệu là vốn. “Đầu tư một nhà máy bình thường để sản xuất là 400-500 tỷ đồng, muốn cạnh tranh với các DN ngoại thì phải có nhà máy từ 500 tỷ đồng trở lên, tiền đâu ra?”, ông Kiệt chia sẻ.
Trong khi đó, để đón đầu và hưởng lợi từ TPP các DN dệt may ngoại liên tục đổ vốn vào ngành dệt may của Việt Nam, các DN này chiếm gần 2/3 lượng xuất khẩu dệt may. Theo thống kê, các dự án có quy mô vốn FDI lớn nhất được cấp phép trong 6 tháng đầu năm 2015 đa phần rơi vào lĩnh vực dệt may của các DN Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông...
Ở Việt Nam, ngoài Vinatex cũng đã có vài công ty muốn đầu tư vào nhà máy kéo sợi hay dệt nhuộm nhưng lại gặp khó khăn trong xử lý ô nhiễm môi trường. Ông Phí Ngọc Trịnh, đại diện CTCP May Hùng Vương, cho rằng các công ty rất khó để có thể đầu tư vào khâu dệt vải nếu không có công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường. Bởi lẽ, tiêu chuẩn nước xả thải phải đạt mức B là nuôi cá, trồng rau được trong khi đó có một số địa phương lại đòi hỏi mức A là phải uống được thì rất khó khăn về vốn và công nghệ.
Ông Trịnh cũng chia sẻ thêm rằng việc các DN ngoại có vốn và công nghệ hiện đại trong tương lai gần sẽ khiến chúng ta mất dần thị phần. Vì các DN này sẽ thực hiện từ khâu thiết kế, nhận đơn hàng đến tận khâu gia công ra sản phẩm cuối cùng và đem bán.
Như vậy lâu dần DN dệt may sẽ mất dần cơ hội. Tuy nhiên, việc xuất hiện ồ ạt của các DN ngoại cũng đã tạo sức ép để chúng ta phải vươn lên, để các DN dệt may của chúng ta bắt tay nhau và liên kết để tồn tại. “Các DN phải liên kết, sẵn sàng chia sẻ thông tin với nhau thay vì giành giật đơn hàng, công nhân… như hiện nay”, ông Trịnh nói.
Theo Người tiêu dùng