Hoá đơn ghi rõ số điện sử dụng của hộ sử dụng điện |
Giá điện luỹ tiến bậc thang, Việt Nam giống Mỹ, Hàn
Kể từ ngày 16/3 vừa qua giá điện đã chính thức được điều chỉnh tăng 7,5% và áp dụng biểu giá với 6 bậc. Với biểu giá điện này khách hàng sử dụng dưới 50 KWh/tháng mức giá là 1.484 đồng/KWh, từ 51-100 KWh sẽ có giá 1.533 đồng/KWh.
Bậc thang 101-200 KWh có giá 1.786 đồng/KWh, bậc thang 201-300 KWh là 2.242 đồng/KWh. Bậc thang 301-400 KWh giá 2.503 đồng/KWh và từ 401 KWh trở lên, giá bán lẻ lên đến 2.587 đồng/KWh.
Vào thời điểm cao điểm nắng nóng vừa qua (tháng 5-6/2015 - PV) nhiều hộ sử dụng điện đã phải chi trả hoá đơn điện tăng gấp 2-3 lần, thậm chí tăng gấp 5-8 lần.
Lý giải nguyên nhân này, đại diện EVN Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) đều cho rằng nắng nóng làm tăng nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát, các thiết bị như điều hoà hoạt động hết công suất khiến điện năng tiêu thụ tăng mạnh.
Đồng thời, các đơn vị trên cũng thừa nhận chính cách tính luỹ tiến bậc thang cũng là nguyên nhân khiến hoá đơn điện tăng mạnh.
Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN từng lấy dẫn chứng, 1 hộ khách hàng dùng 300 KWh/tháng thì sẽ phải trả khoảng 609.000 đồng nhưng nếu dùng lên 450 KWh/ tháng, phải trả đến 1.026.000 đồng. Nếu dùng lên đến 600kWh/tháng thì phải trả thêm khoảng 1.400.000 đồng.
"Số tiền tăng lũy tiến, cho nên chúng tôi mong muốn khách hàng cần phải kiểm soát được lượng điện tiêu thụ của mình, để làm sao cho sản lượng tiêu thụ từng tháng không tăng vượt quá mức ngân sách phải chi trả”, ông Tri khuyến nghị.
Về phía đại diện Cục Điều tiết Điện lực, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, theo thông lệ về biểu giá các nước đều áp dụng biểu giá tính điện luỹ tiến cho khách hàng thuộc hộ sử dụng điện sinh hoạt.
Bảng giá điện bán lẻ với 6 bậc thang, mức cao nhất 2.587 đồng/kWh với 401kWh trở lên |
Ông Tuấn dẫn chứng cả 10 nước ASEAN đều áp dụng biểu giá tính luỹ tiến. Tương tự, các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Hồng Công cũng vậy.
Cụ thể, số bậc thang điện sinh hoạt tại Nhật Bản có giá luỹ tiến 3 bậc, tại California (Mỹ) 5 bậc, Hàn Quốc 6 bậc, Malaysia 10 bậc…
Sẽ thay đổi cách tính giá điện
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận trước phản ánh của dư luận và báo chí thời gian qua tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu và xem xét lại cơ cấu biểu giá bán lẻ
"Chúng tôi sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tế khách hàng sử dụng sinh hoạt ở Việt Nam", ông Tuấn từng cam kết.
Mới đây, tại cuộc họp giao ban Bộ Công thương, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng yêu cầu cơ quan chức năng thuộc Bộ sớm nghiên cứu xem xét điều chỉnh biểu giá điện bậc thang từ 6 bậc xuống còn 3 bậc và hướng tới trong tương lai chỉ còn 1 bậc.
Việc dùng càng nhiều điện càng đắt, trái ngược với những mặt hàng thông thường khác, theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long là bất hợp lý vì nguyên tắc điện cũng giống như các loại hàng hoá và dịch vụ bất kỳ.
Tuy nhiên, ở góc độ chuyên gia về ngành điện, VS.GS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho biết, cách tính này phù hợp với nước thiếu điện như Việt Nam.
Đồng quan điểm, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (ĐH Kinh tế Quốc dân) cũng cho rằng, áp giá điện theo bậc thang không phải không hợp lý nhưng cần điều chỉnh theo hướng gọn hơn, giãn khoảng cách giữa các bậc thang nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Ủng hộ quan điểm mới được lãnh đạo Bộ Công thương đưa ra, song nhiều ý kiến hiện nay cũng cho biết, việc giảm bậc thang cần đi đôi với thu hẹp khoảng cách về giá điện, nếu bậc thang ít, giá điện giữa mỗi bậc thang chênh lệch lớn, người dùng điện thậm chí sẽ thiệt thòi nhiều hơn.
Theo BizLive